GN - Nhìn những dãy phố lồng đèn đẹp và lung linh, chị tấm tắc khen những chiếc lồng đèn “made in Việt Nam” vừa đẹp, vừa hiền hòa (không độc tố, không chứa chất gây ung thư như lồng đèn Trung Quốc).
Rồi chị bảo: “Lại nhớ cháu, mấy đứa nhỏ con anh chị ở quê chắc gì đã được ngắm lồng đèn rực rỡ thế này, huống hồ là chơi”. Rồi chị xa xăm nghĩ về những đứa trẻ nghèo có cùng một đặc điểm da đen, tóc xoăn, chân lấm lem bùn đất, khét lẹt mà chị từng gặp trên dặm đường tác nghiệp, để rồi cứ vấn vương thương mãi, không chỉ là dịp Trung thu mới thương.
Một số trẻ em nghèo sẽ nhận được những sẻ chia nhân mùa Trung thu - Ảnh minh họa
Chị xuýt xoa hỏi mình, nhưng hỏi chỉ để hỏi thế thôi: “Mấy đứa nhỏ ở quê chắc không có Trung thu đâu em hén? À, miếng cơm có khi còn lo chưa xong thì tiền đâu mà mua lồng đèn, chơi Tết Trung thu. Cái sự học có khi còn dở dang với những bộn bề của cuộc sống, của gánh nặng mưu sinh nữa là…”.
Mình im lặng và cảm nhận, về cái tuổi thơ nghèo khó của mình, chắc cũng y chang mấy đứa trẻ mà chị gặp, chị đau đáu thương-nhớ về, để rồi thấy lòng nhẹ hẫng. Ít ra cũng còn có nhiều người nghĩ mà thương, dẫu tình thương ấy chỉ là ý niệm xa xăm nhưng chắc cũng sẽ được vũ trụ mênh mông chuyển tới mấy đứa, để mấy đứa con nhà nghèo ấy khỏe mạnh, lấy trăng thay lồng đèn đón một mùa Trung thu thanh bình, ấm áp…
Rồi thì mình lướt facebook, thấy cuộc sống với đủ loại xô bồ cứ nhảy múa trên cái thế giới người ta gọi là “ảo” đó. Dần dần, người ta có xu hướng sống “ảo” thế này để tìm cái tình thật được trang trải giữa mênh mông biển người bằng những cái nickname nhấp nháy. Nơi đây, mình bắt gặp những tình người cao thượng, những ấm áp sẻ chia, tất nhiên không chỉ mùa Trung thu này với những cái tên na ná đầy yêu thương như: Trung thu ấm áp, Đêm hội trăng rằm, Chơi trăng…
Hóa ra, trong bộn bề lao chen, chạy kiếm mệt nhoài ấy thì vẫn có những con người biết dừng lại giữa cuộc mưu sinh náo nhiệt mà nghĩ cho người khác, đơn giản bởi họ ngộ ra “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Mình lướt qua những “ngôi nhà” và xem những hình ảnh sống động nơi thế giới “ảo” ấy và bắt đầu chọn click vào phần kết bạn, với những “chủ nhân” của những ngôi nhà lúc nào cũng thao thức với cái nghèo, cái khó quanh mình…
Click vào để biết đâu một lúc nào đó mình sẽ đồng hành hoặc ít ra là để sẻ chia vài điều, để mỗi ngày được “nhặt” một chút gì đó yêu-thương vô tư trên tường trang chủ của “nhà” mình…
L.Đ.L