Trung Quốc: Khai mạc đại lễ văn hóa Lục Tổ Thiền Tông 2011

(GNO): Đêm 26-10, Chùa Lục Tổ - Tứ Hội, TP.Tứ Hội, Triệu Khánh long trọng khai mạc Lễ hội Văn hóa Lục Tổ Thiền Tông Quảng Đông 2011 với chủ đề "Tường Hòa Đại Thiên - Hạnh Phúc Quảng Đông", do Hiệp hội Phật giáo tỉnh, Chính phủ nhân dân thành phố Triệu Khánh, Hội Ủy viên Sự vụ Tôn giáo Dân tộc tỉnh Quảng Đông đồng tổ chức.

Tham gia nghi thức khai mạc có đông đảo chư sơn Trưởng lão, đến từ trong và ngoài nước như: Pháp sư Minh Sanh - Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Quảng Đông kiêm Phó Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc; ông Niết Bản Tài - Phó Thủ Tướng Campuchia; His Holiness Bour Kry - Hiệu trưởng trường Đại học Phật giáo Norodom Sihamoni; Tăng vương Pháp Tướng Ứng Phái - Phật giáo Vương quốc Campuchia;

Về phía GHPG Việt Nam có HT  Thích Trí Quảng - Phó chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện  trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh; Hòa thượng Phong Samaluek - Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Lào; các vị Phương trượng của năm tự viện Tòng Lâm tại Hàn Quốc: chùa Hải Ấn, chùa Thông Độ, chùa Tùng Quang, Tu Đức, Bạch Dương... Về phía các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể có ông Chu Trấn Hoằng - Bộ trưởng Bộ Thống chiến Tỉnh ủy, Ủy viên Thường ủy tỉnh Quảng Đông; bà Lôi Vu Lam - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông..., các học giả chuyên gia, các nhà lãnh đạo cộng đồng, các tín chúng cư sĩ hơn 4000 người tham dự.

luc to 1.png

Toàn cảnh chùa Lục Tổ - Tứ Hội

lucto 2.png

Nghinh đón các vị cao tăng đến từ Hàn Quốc, Lào, Campuchia

lucto 3.png

Quang cảnh khai mạc

lucto 5.png
Pháp sư Minh Sanh - Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Quảng Đông
kiêm Phó Hội trưởng HHPGTQ phát biểu

Pháp sư Minh Sanh - Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Quảng Đông, Phó Hội trưởng Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc kiêm trưởng ban tổ chức lễ hội phát biểu, ...đây là thời khắc then chốt cho tinh thần đại phồn vinh, đại phát triển của nền văn hóa chủ nghĩa xã hội. Nhân lễ hội Văn hóa Lục Tổ, chúng ta cùng kính ngưỡng tưởng niệm, học tập đạo đức cao thượng, nhân cách đặc biệt, trí tuệ vô biên truyền thống của Đại sư Lục Tổ, truyền thống này có đủ ý nghĩa hiện thực và ý nghĩa lịch sử sâu xa. Pháp sư Minh Sanh còn đánh giá cao độ về thiền phong của Đại sư Lục Tổ Huệ Năng đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng cho Phật giáo Trung Hoa và văn hóa Trung Hoa... 

Cuối cùng, Pháp sư đã nêu ra, Thiền đã đóng một vai trò tích cực đối với cuộc sống cá thể, đối với Xã hội, Quốc gia và thế giới. Đồng thời kêu gọi giới Phật giáo tỉnh Quảng Đông, phải nắm bắt bước ngoặc chuyển hóa nền tảng tổ chức lễ hội văn hóa Lục Tổ cho tốt, bên trong mạnh về tố chất, bên ngoài vững về hình tượng, nỗ lực tăng cường xây dựng nền văn hóa, hoằng dương Đàn kinh của Lục Tổ, phát huy văn hóa Lục Tổ, tịnh hóa nhân tâm trong Thiền Lục Tổ, tích cực về phương diện giác ngộ nhân sinh, hài hòa xã hội.

lucto 6.png

Bà Lôi Vu Lam - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông

Bà Lôi Vu Lam đại diện Chính phủ Nhân dân tỉnh Quảng Đông phát biểu, bà nói nhiều năm nay Quảng Đông rất coi trọng đến công tác bảo vệ và truyền thừa văn hóa Thiền Tông, khai thác triệt để và lợi dụng nguồn tài nguyên văn hóa Phật giáo thuộc khu vực Lĩnh Nam, tích cực triển khai giao lưu văn hóa Phật giáo đối ngoại, đã đạt được kết quả đáng kể. Đặc biệt là từ năm 2008 đến nay tỉnh Quảng Đông liên tục tổ chức 3 lần lễ hội văn hóa Lục Tổ Thiền Tông, đã được đánh giá cao, đạt được hiệu ứng tốt về mặt xã hội, và đã trở thành thương hiệu đặc sắc của tinh Quảng Đông...

lucto 8.png
Ông Du Tân - Ty trưởng Ty Nhân sự
Cục sự vụ Tôn giáo Quốc gia phát biểu

Ông Du Tân - đại diện Cục Tôn giáo Quốc gia bày tỏ sự khen ngợi nhiệt liệt đối với lễ hội văn hóa. Ông nói, Phật giáo tỉnh Quảng Đông vào những năm gần đây, đã lần lượt tổ chức các hoạt động như: Lễ hội Văn hóa Lục Tổ Thiền Tông; đối thoại Bồ Đề thọ hạ; đại giảng đường Văn hóa Thiền Tông... và các hoạt động khác, tích cực thúc đẩy phát triển kiện khang nền văn hóa Thiền Tông, hình thành lễ hội văn hóa Lục Tổ Thiền Tông, đây là một thương hiệu văn hóa đặc sắc.

Tôi tin rằng tổ chức lễ hội Văn hóa Lục Tổ, chắc chắn sẽ làm thăng hoa trình độ nghiên cứu Văn hóa Thiền Tông, xúc tiến và kết hợp hữu cơ giữa văn hóa truyền thống Phật giáo với nền văn hóa đương đại. Ông hy vọng Quảng Đông sẽ cải tiến nhiều hơn nữa, nâng cao chất lượng hơn nữa, trợ giúp tinh thần cho cộng đồng dân tộc Trung Hoa trong việc xây dựng nước nhà, phát huy tinh thần đảm đương dũng cảm của Lục Tổ Huệ Năng qua việc cải cách và đổi mới, đối với tư tưởng Phật giáo trong nhân gian, phải giảng giải sao cho mới mẻ, dẫn đến sự thích ứng giữa Phật giáo với xã hội, cũng như đối với việc xây dựng một nền văn hóa nước nhà giàu mạnh và góp phần xây dựng một xã hội hài hòa.

 Lễ hội Văn hóa Lục Tổ lần này so với trước đây, có sự sáng tạo mới, hình thành tính năng mới vô cùng đặc sắc, như thổi luồng sinh khí mới mẻ vào văn hóa Thiền Tông, cũng là tự thân phát huy tác dụng ưu thế cho giới Phật giáo, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển nền kinh tế xã hội, cống hiến một cách tích cực cho nền văn hóa phong phú, cho xã hội hài hòa, cho quốc gia phú cường

lucto 9.png

Ông Chu Trấn Hoằng - Bộ trưởng Bộ Thống chiến Thường ủy Tỉnh ủy Quảng Đông tuyên bố khai mạc lễ hội văn hóa Lục Tổ Thiền Tông Quảng Đông 2011

Sau cùng ông Chu Trấn Hoằng - Bộ Trưởng Bộ Thống Chiến Tỉnh Ủy tuyên bố chính thức khai mạc lễ hội văn hóa Lục Tổ Thiền Tông. Tiếp theo, cử hành liên quan văn nghệ Phật giáo với chủ đề "Hoan Hỷ Nhân Gian", gần 4000 quan khách và quần chúng đã chăm chú xem những tiết mục văn nghệ thật tuyệt vời qua sự biểu diễn sinh động, lôi cuốn của các diễn viên đến từ trong và ngoài nước. Văn nghệ Phật giáo lấy "tinh nghĩa hoằng dương Thiền học, sáng tạo nguồn hỷ lạc cho nhân sinh" làm chủ đề; lấy vô niệm của "Lục Tổ Đàn Kinh" làm Tông, vô tướng làm Thể, vô trụ làm Bổn, làm chủ tuyến. Thông qua vũ đạo, đọc diễn cảm, âm nhạc, kịch... và các hình thức văn nghệ diễn xướng ca ngâm... khác nhau, cũng như tổng hợp các phương tiện qua phim ngắn truyền hình... các diễn viên đều phấn đấu biểu diễn để đạt được sự dung hợp hoàn mỹ trong tính tư tưởng, tính nghệ thuật và tính thưởng thức.

luc to 10.png

Biểu diễn văn nghệ Phật giáo

lucto 27_1.png

Quang cảnh lễ khai mạc

Được biết, hoạt động lễ hội văn hóa lần này được tổ chức trong thời gian ba ngày, lấy "Tường Hòa Đại Thiên - Hạnh phúc Quảng Đông" làm chủ đề, ngoài ra còn sắp xếp hơn 10 hạng mục hoạt động đặc sắc cho lễ hội như: Tham bái, học tu, thể nghiệm nơi Tổ đình Thiền Tông; pháp hội khai quang Lục Tổ Bát tháp; pháp hội kỷ niệm Lục Tổ Đại sư Huệ Năng; nghiên cứu thảo luận học thuật văn hóa Thiền Lục Tổ; triển lãm hình ảnh, thư họa văn hóa thiền; chư vị cao tăng các nước cùng trồng cây Bồ đề... Đồng thời các tỉnh, thành như Quảng Đông, Thâm Quyến, Thiệu Quan, Mai Châu, Thanh Viễn, Yết Dương, Vân Phù... cũng phối hợp khai triển những hoạt động có liên quan đến lễ hội văn hóa Lục Tổ.

 
lucto 11.png

Chư sơn Trưởng lão tiến hành nghi thức Trang tạng Lục Tổ Bát Tháp (Trang tạng là thuật ngữ của Phật giáo, tàng trữ những thánh vật kinh sách... có ý nghĩa đặc thù trong tháp Phật)

lucto 13.png

Lục Tổ Huệ Năng - Nhục thân bất hoại phụng thờ tại Thiền tự Nam Hoa thành phố Thiệu Quan, tỉnh Quảng Đông

 Theo sử liệu ghi chép, Lục Tổ Huệ Năng sau khi được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn - Huỳnh Mai, Hồ Bắc mật truyền y bát và Thiền pháp, ngài đã từng mai danh ẩn tích tại những vùng Hoài Tập, Tứ Hội trong thời gian 16 năm. Để kỷ niệm Lục Tổ Đại sư, thôn dân vùng này đã xây chùa trên Phù Lô Sơn (扶卢山) - nơi Lục Tổ đã từng ẩn cư để cúng dường tế tự.

lucto 14.png

Lục Tổ Bát Tháp trang nghiêm thù thắng 

lucto 28.png

Kết thúc viên mãn lễ khai mạc

Chùa Lục Tổ xây dựng vào thời nhà Đường, gọi là Am Lục Tổ, cách nay đã có trên 1300 năm lịch sử, đầu tiên xây cất trên Phù Lô Sơn, từ đời Đường đến đầu nhà Thanh, nền văn hóa thiếu thốn, rất khó khảo cứu. Trong "Tứ Hội Huyện Chí" có ghi chép: "Am Lục Tổ quá lâu nên bị hư hoại, vào niên hiệu Gia Khánh đời Thanh năm thứ 14 (1809) đã di dời và trùng kiến lại, đổi tên là chùa Lục Tổ". Chùa Lục Tổ từ khi trùng tu cho đến nay rất hưng thịnh, đã thu hút rất nhiều thiện tín đến triều bái. Cuối đời Thanh trở về sau, chùa Lục Tổ đã bị một loạt thiên tai. Khoảng niên đại 80, chùa chỉ còn lại điện đường phía trước và sau, hai nơi đó tương đối hoàn chỉnh, còn những nơi khác đều trở thành đống đổ nát.

Năm 1997, Chính phủ nhân dân thành phố Tứ Hội, được sự phê chuẩn của các bộ sự vụ Tôn giáo Chính phủ nhân dân tỉnh Quảng Đông, quyết định trùng tu chùa Lục Tổ. Dưới sự hộ trì của chư Phật và Đại sư Lục Tổ, Pháp sư Đại Nguyện đã phát thệ, quyết tâm nối truyền tuệ mạng của Phật, pháp mạch của Tổ sư. Dưới sự quan tâm và ủng hộ của các ban lãnh đạo, các cấp Chính quyền, cũng như thập phương đàn việt cung cấp vật liệu, tứ chúng đệ tử sẵn sàng cúng dường. Chùa Lục Tổ đã khởi công trùng tu trong khu du lịch thắng cảnh Trinh Sơn, tháng 11 năm 2000 mới hoàn thành. Chùa Lục Tổ hiện nay, đã hình thành một quần thể kiến trúc tự viện có tính tổng hợp tương đối quy mô, và đã trở thành một trong những nơi hoạt động Tôn giáo quan trọng của Lĩnh Nam.

Toàn bộ kiến trúc đều thiết kế theo truyền thống cổ điển, thật sinh động ngoạn mục, hoành tráng tú lệ. Kiến trúc chủ yếu bao gồm Quảng trường, sơn môn, Thiên Vương Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Lục Tổ Điện, Tàng Kinh Các, Quan Âm Điện, La Hán Điện, Địa Tạng Điện, lầu chung cổ, lầu Phương trượng, thôn Di Đà an dưỡng... Bát Tháp Lục Tổ, điện Ngũ Phương Văn Thù... Hiện nay chùa Lục Tổ đã là Tổ Đình Thiền Tông, cũng là Đạo tràng thù thắng để các tông, các phái tu hành, giảng kinh, hoằng pháp và an dưỡng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.