GNO - Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đã chính thức khai mạc vào lúc 9g15 sáng hôm nay, 28-5-2015 tại hội trường chính Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (Wang Noi, Thái Lan).
Về tham dự Đại lễ có hơn 5.000 đại biểu, trong đó có hơn 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 3.500 đại biểu nước chủ nhà Thái Lan.
>> Đoàn PG Việt Nam tham dự Vesak đã tới Bangkok
Đức Trưởng lão Hòa thượng Somdet Phra Maharatchamangkalacharn
quang lâm, thăm hỏi các phái đoàn quốc tế. Trong ảnh, thăm hỏi đoàn PG Việt Nam
Từ sáng sớm, các đại biểu quốc tế lưu trú tại các khách sạn ở Bangkok do Ban Tổ chức sắp xếp đã lên đường di chuyển về Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya cách thủ đô 60km. Nhiều đại biểu nước chủ nhà cũng như Phật tử thập phương đã đến từ hôm qua để chào mừng Đại lễ trong niềm hân hoan. Các tình nguyện viên cũng làm việc hết mình để chuẩn bị thật chu đáo cho Đại lễ.
Thời tiết ủng hộ cho Đại lễ. Cơn mưa tối qua đã xoa dịu hẳn đi cái nắng nóng thường ngày của mùa hè, khiến người đi dự lễ cũng đã phần nào cảm được cái không khí trong lành, bình yên, tươi mát của cái ngày vô cùng trọng đại trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2.500 trước - ngày Đức Phật đản sanh.
Nghi thức xưng tán Tam bảo
Đức Trưởng lão Hòa thượng Somdet Phra Maharatchamangkalacharn đọc diễn văn khai mạc
Đại lễ chính thức diễn ra khi Đức Trưởng lão Hòa thượng Somdet Phra Maharatchamangkalacharn, Quyền Tăng thống Vương quốc Thái Lan thắp hương, nến cúng dường Đức Phật và chủ trì khóa lễ xưng tán Tam bảo. Cả hội trường đều đứng dậy, trang nghiêm chắp tay hướng về lễ đài tôn trí tôn tượng Đức Bổn sư, đồng niệm danh hiệu Ngài bằng tiếng Pali trầm hùng.
Trước đó, cả hội trường được xem đoạn video ngắn giới thiệu về Đại lễ Vesak và nghi thức cung đón Đức Trưởng lão Hòa thượng Somdet Phra Maharatchamangkalacharn quang lâm. Ngài đã rất hoan hỷ chào mừng tất cả các đại biểu về tham dự và thăm hỏi chư vị lãnh đạo các phái đoàn Phật giáo trên khắp thế giới trên hàng ghế danh dự.
HT.GS.TS.Phra Brahmapundit, Viện trưởng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ XII - 2015 đọc báo cáo Vesak 2015 và cung thỉnh Đức Trưởng lão Hòa thượng Phra Maharatchamangkalacharn khai mạc Đại lễ. Sau đó thỉnh Ngài Tăng thống Thái Lan gởi đến toàn thể hội trường thông điệp của Tăng già Thái Lan và cầu nguyện cho Đại lễ thành công tốt đẹp.
Trong bài phát biểu của Đức Trưởng lão Hòa thượng Phra Maharatchamangkalacharn, Ngài nhấn mạnh, đạo đức chính là nền tảng của một thế giới hòa bình, văn minh và phát triển. Trong tinh thần ấy, mỗi người chúng ta cần tôn trọng sự sống, hạnh phúc của người cũng như tôn trọng và bảo vệ môi sinh môi trường. Chúng ta cần sống chân thật với chính mình và với mọi người, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và đời sống tâm linh, giữa sức khỏe thân thể và tinh thần, làm chủ những suy nghĩ và cảm xúc của mình để hướng đến một cuộc sống thiện lành.
Nhân dịp này ngài gởi đến lời chia sẻ sâu sắc trước nỗi đau của Nepal sau trận động đất vừa qua, đồng thời cầu chúc nhân dân Nepal sớm khắc phục được hậu quả.
HT.GS.TS Phra Brahmapundit, Viện trưởng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya,
Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ XII - 2015 đọc diễn văn chào mừng
Quang cảnh hội trường
HT.GS.TS.Phra Brahmapundit đọc diễn văn chào mừng Đại lễ. Diễn văn khẳng định Vesak luôn là sự kiện trọng đại nhất trong năm của toàn thể tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới, vì đây là ngày kỷ niệm ba sự kiện quan trọng của Đức Phật (Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn).
Trong ý nghĩa đó, năm 1999, Liên Hợp Quốc đã công nhận Vesak là ngày lễ quốc tế, nhằm tôn vinh một bậc vĩ nhân của nhân loại - Đức Bổn Sư Thích Ca. Từ đó, hàng năm Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc tại New York (Hoa Kỳ) và tất cả các văn phòng Liên Hợp Quốc trên thế giới.
Hòa thượng nhấn mạnh, chúng ta, toàn thể Phật tử phải hòa hợp, đoàn kết để cùng nhau nói lên tiếng nói của tình thương và tuệ giác mà Đức Phật đã truyền trao, góp phần khắc phục những khủng hoảng trên toàn cầu nhằm xậy dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Tiếp đến, các vị lãnh đạo Phật giáo thế giới lần lượt gởi đến Đại lễ những thông điệp quan trọng. Trong đó đều bày tỏ niềm hoan hỷ khi được chứng kiến và tham dự Đại lễ năm nay thật trang nghiêm, trọng thể; thể hiện sự đồng chung quan điểm về chủ đề năm nay là “Phật giáo và khủng hoảng toàn cầu”. Các thông điệp nêu lên rằng, tất cả chúng ta cần phải có trách nhiệm về những khủng hoảng đang xảy ra, và chúng ta phải có nghĩa vụ cùng nhau khắc phục chúng bởi tất cả những khủng hoảng này đều bắt nguồn từ sự tham vọng, ích kỷ, vô minh của con người.
HT.Tep Vong đọc thông điệp của PG Vương quốc Campuchia
Nổi bật nhất là bài phát biểu chân thành của Đức Trưởng lão Hòa thượng Tăng vương Campuchia, Samdech Preah Agga Mahasangharajadhipati Tep Vong.
Ngài nhắc nhở, tôn giáo không phải là một thứ tài sản để chúng ta mang vác trên vai và tự hào về chúng như một thứ trang sức lòe loẹt, mà quan trọng là chúng ta biết thưởng thức một đời sống đạo đức cùng sự bình an của tâm hồn mà tôn giáo mang lại.
Trong bài phát biểu chính của GS.TS.Damien Keown, học giả hàng đầu thế giới về đạo đức học Phật giáo, ông đã bày tỏ quan điểm rất tích cực khi bàn về chủ đề “Phật giáo và khủng hoảng toàn cầu”. Ông dẫn lời của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy “Trong tiếng Hán, từ “crisis” (khủng hoảng) được dịch là “nguy cơ”. Nguy là nguy hiểm, còn cơ là cơ hội. Do vậy, trong cuộc khủng hoảng, chúng ta cảnh giác với những nguy hiểm, nhưng phải luôn cần sáng suốt nhận ra những thời cơ”.
Ông bàn thêm, thế giới đang đối mặt với rất nhiều khủng hoảng biểu hiện qua rất nhiều hình thức và mức độ. Khi thế giới cũng đã trải qua rất nhiều biến động trong quá khứ, nhưng dường như những mối nguy hại ấy đã lớn hơn rất nhiều trong xã hội hiện nay bởi những sự phát triển thời hiện đại như toàn cầu hóa, công nghệ cao, tốc độ phát triển đến chóng mặt của giao thông và truyền thông. Nhịp thay đổi chưa bao giờ nhanh hơn bây giờ đã rút lại khoảng thời gian dừng nghỉ của sự đổi mới và thu hẹp thời gian để tìm ra những giải pháp sáng suốt.
Đứng trước những thay đổi ấy, có một cảm giác lan tỏa khắp rằng mình đang mắc kẹt trong sự mất cân bằng, bơ vơ, lạc lối; rằng mình đang bất lực bị cuốn bay bởi một cơn đại hồng thủy mà không thể nào chống đỡ. Trong bối cảnh ấy, việc lắng nghe những lời dạy và giải pháp của Đức Phật là vô cùng cần thiết và cấp bách, không những thế những lời dạy ấy cần được thực hiện một cách kiên quyết và thành thực.
Đại diện Liên hội Phật giáo Trung Quốc phát biểu
GS.TS.Damien Keown phát biểu
Đoàn PG Việt Nam dự lễ
Bài phát biểu của GS.TS.Damien Keown đã khép lại buổi khai mạc Đại lễ trong ngày làm việc đầu tiên vào lúc 11g15 trong những tràng pháo tay giòn giã của toàn thể đại biểu trong hội trường.
PV Giác Ngộ đang có mặt tại sự kiện sẽ cập nhật phiên làm việc buổi chiều nay và những ngày tiếp theo của Đại lễ. Kính mời quí độc giả theo dõi; còn dưới đây là thêm một số hình ảnh trong buổi sáng khai mạc Đại lễ Vesak:
Phái đoàn Việt Nam đang tiến vào Hội trường tổ chức lễ khai mạc
Đại biểu tiến vào hội trường - nơi diễn ra lễ khai mạc. Đại lễ lần này có 5.000 đại biểu tham dự
Biểu tượng của Vesak 2015
Chư tôn đức Tăng Ni Việt Nam tham dự lễ
Cung đón Đức Trưởng lão HT.Somdet Phra Maharatchamangkalacharn,
Quyền Tăng thống Vương quốc Thái Lan quang lâm
Hội trường chính, nơi diễn ra lễ khai mạc
Liên Hiệp Quốc công nhận Ngày Vesak lúc nào? Trong phiên họp khoáng đại ngày 15-12-1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Dự thảo nghị quyết “Công nhận quốc tế về ngày Lễ Vesak tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc và các văn phòng liên hệ” (Văn bản số A/54/L.59) do đại diện nước Sri Lanka đệ trình. Đại hội đồng quyết định hàng năm sẽ có các công tác bố trí thích hợp để tổ chức ngày lễ Vesak với sự cố vấn của các đại diện quốc gia trong Đại hội đồng. Ngày Vesak - ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch mỗi năm - là ngày thiêng liêng nhất của mọi Phật tử để kỷ niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của Đức Phật. |
>> Bế mạc Đại lễ Vesak LHQ - Ra Tuyên bố chung Bangkok 2015
Tin: Nhuận Tú - Ảnh: Bảo Toàn
(từ Bangkok)