Việc phân tích về nội dung của bài kệ này sẽ giúp ta thấy rõ được diện mạo của triết học Phật giáo Việt Nam như triết học nhập thế, vẫn còn tính ứng dụng trong thời đại ngày nay.
Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền. (Thích Nhật Từ dịch)
Mỗi câu thơ là một triết lý hành trì. Tổng hợp bốn câu này lại, ta có triết lý nhập thế, rất năng động và tích cực.
Ở đời vui đời
Triết lý ở đời vui đạo của bài kệ cho phép ta phân nhóm, hạnh phúc thế gian là vui đời, hạnh phúc tâm linh là vui đạo. Nền tảng của hai phương diện hạnh phúc này xoay quanh đời sống mà con người có mặt như là một hữu thể, đã phải đối diện với rất nhiều sự thật khổ đau của kiếp sống như già, bệnh, chết, thương yêu mà phải chia lìa, ghét nhau mà phải gặp gỡ, ước muốn không được thành tựu… Cấu trúc sinh học tâm vật lý tạo nên con người gần như không chìu theo ý mình mà nó hoạt động theo cơ chế vận hành tự nhiên của cơ thể, cho nên ta chạy theo nó nhiều hơn nó chạy theo ta.
Khái niệm "ở đời" cho thấy đạo Phật không trốn chạy với thực tại, mà dạy con người bản lĩnh nhìn lại những gì đang diễn ra xung quanh để tìm ra nguyên nhân của nó, bao gồm những khó khăn, bế tắc, khổ đau, trở ngại và những chướng duyên, để từ đó, ta làm mới nhận thức, cảm xúc, đạo đức từ khổ đau. Lúc đó bản chất của việc ở đời, sống trong môi trường của thế gian vốn nhiều sự tranh đấu, khổ đau, phiền lụy, hận thù, khủng bố, nhiều thiên tai (bao gồm sóng thần, động đất, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, bệnh dịch) và nhiều tai nạn do chính con người tạo ra, bởi sự vô minh, sân hận, tham lam, chỉ là sự trải nghiệm với trách nhiệm nhân quả.
Trong môi trường có nhiều sự bất hạnh như vậy, dù là ở quốc gia nào, mà ta tìm được chất liệu vui đời cũng là điều hạnh phúc lắm rồi. Vui đời có hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là chiều hướng nhân bản tích cực, sống một cách chân thành: có đạo đức, có hạnh phúc, thuận với luật pháp, lương tâm và quy luật của đời sống. Nhờ ta sống bản lĩnh nên có được niềm vui. Đỉnh cao của niềm vui thế gian là thỏa mãn các giá trị khoái lạc giác quan, phục vụ cho mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý tưởng.
Hạnh phúc lớn nhất mà con người đạt được không phụ thuộc vật chất, vì vật chất chỉ là phương tiện tạo ra cảm giác thoải mái. Điều chính yếu là chúng ta đạt được giá trị hạnh phúc bên trong, vốn tồn tại tương đối lâu dài. Hạn chế một cách tối đa tính điều kiện dẫn đến hạnh phúc, ta có hạnh phúc bền vững hơn. Tiếp nhận "vui đời" bằng chuỗi các điều kiện thì sự bền bỉ của nó là một thách đố: Khi điều kiện hội đủ thì hạnh phúc có mặt, khi các điều kiện không hội đủ thì hạnh phúc bị thay đổi.
Góc độ thứ hai của "vui đời" là sự hưởng thụ mà đích điểm của nó là làm cho ta càng lún sâu trong các khoái lạc, đánh mất chính mình trong hoàn cảnh của sự vui sướng. Nó kéo theo hàng loạt các phản ứng thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Người như thế chỉ sống cho bản thân và đôi lúc vượt lên trên rào cản của luật pháp và đạo đức.
Do tìm kiếm hạnh phúc, an vui của mình trên nỗi khổ niềm đau của tha nhân, nên cách "vui đời" như thế phải đối diện với nhân quả, trong chính tự thân của nó, không ở trong hiện tại thì cũng ở trong tương lai.
Phật giáo xác định rằng nhân quả là quy luật quyết định diễn trình của mọi sự vật. Đối với con người, đó là quy luật vừa vật lý, vừa tâm lý. Có những cái ta chưa thấy hết ở hiện tại nhưng ta phải gánh lấy nó trong tương lai. Do vậy, trong cái "vui đời", làm sao ta khai thác được mức độ tối đa các giá trị phước báo trên sự chân chính, để mỗi động tác của việc tiếp thu và hưởng phước báo này, không tạo ra tâm lý ray rứt, hối hận về sau.
Những bản án đăng trên các tờ báo hay các phương tiện truyền thông nói chung cho phép ta xác quyết rằng, về nhân quả, có thể 10 năm trước, phạm nhân sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bây giờ, khi bị phanh phui, dù che không còn nữa, toàn bộ đời sống "vui đời" bị sụp đổ hoàn toàn. Đối diện trước tù ngục gồm án tử hình hay chung thân, bản thân của người hưởng "vui đời" bất chấp sai phạm luật pháp, mới nhận ra rằng: "Hối hận thì đã quá muộn màng".
Chúng tôi có cơ hội thuyết giảng 5 lần ở trại giam K.20, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cho gần 2.000 phạm nhân, với mức án hình sự từ 5 năm đến 20 năm tù giam. Sau những buổi thuyết giảng, tôi tiếp xúc riêng một số phạm nhân và biết rằng: Khi ở trong trại, họ nghĩ tương lai của họ không còn nữa, hay đã hết rồi, khi phải sống với trừng phạt. Nhiều người nghĩ chưa chắc người thân của họ thừa nhận họ khi trở về. Biết bao nhiêu sự phân biệt đối xử về phương diện xã hội sẽ có mặt.
Sau khi mãn án tù, nhiều người gặp khó khăn khi xin công ăn việc làm. Khi dò lý lịch, thấy có tiền án, tiền sự, nhiều người ngại ngùng và sợ hãi. Khi nghe được những bài giảng về: Tự do nội tại, Làm mới cuộc đời, Quay đầu là bờ, hay Đứng dậy sau vấp ngã…, các phạm nhân có niềm tin rằng quá khứ xấu không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc sống. Nếu có những nỗ lực chân chính, ta có thể làm mới cuộc đời. Như vậy, khi vui đời trong "vị mặn" của tha nhân là nhận lấy hậu quả xấu trong tương lai. Đó không phải là một định mệnh mà chỉ là sự hiểu lầm, dù cố tình hay là vô ý. Khi nỗ lực quay đầu, ai cũng có cơ hội để làm mới.
Ở đời vui đạo
Giá trị nhân quả của đạo Phật nằm ở chỗ giúp ta cách giải nghiệp, chứ không chấp nhận định mệnh đã được an bài. Theo đó, ta làm mới cuộc sống hàng giờ, hàng phút. Nếu trong bối cảnh ở đời vui đời mà ta hiểu được bản chất của niềm "vui đời" là có giới hạn, thì việc đánh mất tự chủ sẽ làm ta rơi vào tình trạng gánh trách nhiệm nhân quả trước lương tâm và luật pháp. Nỗ lực hồi đầu sẽ giúp ta hướng về giá trị vui đạo. Là Phật tử, ta không thỏa mãn và không dừng lại ở kết quả "vui đời".
Giá trị vật chất như nhà cao cửa rộng mà Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây đạt được, chỉ có thể là đỉnh cao của các khoái lạc giác quan, phục vụ con người như nhu cầu cần có. Nhiều người không thỏa mãn, không hài lòng với hạnh phúc vật chất nên đi tìm kiếm những giá trị tâm linh. Ở nhà rộng rãi, có sân trước sân sau, có một góc tâm linh với bàn thờ Phật trang nghiêm, người Phật tử vẫn cố gắng dành thời gian trở về chùa tu học. Đó là cách ta đang tìm kiếm những giá trị về đạo.
Mặc dù đạo có mặt ở khắp mọi nơi, sự có mặt của ta ở chùa tạo ra sự cộng hưởng tâm linh, ít nhất có giá trị khích lệ và sách tấn lẫn nhau trên phương diện hành trì, tạo niềm vui với những giá trị đóng góp cho những mảnh đời bất hạnh, cho các hoạt động văn hóa, cho các chiều kích tâm linh và nhiều hoạt động mà sự đóng góp hay có mặt của chúng ta làm cho giá trị tùy hỷ điều tốt phát triển ở mức độ lớn hơn, thì đó đều là cách thức ta vui đạo.
Đối với người tại gia, "ở đời vui đạo" không nhất thiết phải đi tu, cũng không nhất thiết "nhập cảng" ngôi chùa tâm linh về ngôi nhà của mình. Nhiều Phật tử tại gia nhiệt tình đến độ mỗi ngày tụng 4 thời kinh: sáng 4g khuya, trưa 11g, chiều 4g và tối 7g, y hệt như trong chùa vậy. Nếu hai vợ chồng không đồng thuận, thì thọ trì như thế sẽ dẫn đến sự rầy rà. Đối với người tại gia ở đời vui đạo nên thực hiện ở một mức độ tương đối. Người tại gia đừng nên bắt chước trở thành quý Thầy hay sư Cô tại tư gia của mình.
Nhu cầu vui đạo của người tu là 100%, xả bỏ tất cả những gì thuộc thế gian, để tìm kiếm giá trị hạnh phúc và chia sẻ cho tha nhân. Người tại gia nên sống "vui đạo" ở mức độ tương đối, có giá trị đạo đức để trong việc hưởng phước báo, không bị lún lút sâu vào chủ nghĩa hưởng thụ. Việc vui đạo ở nhà chỉ nên vừa phải thôi. Làm sao cho người vợ hay chồng trong lúc chưa thể chia sẻ giá trị "vui đạo" của người kia, không khởi lên hiềm khích với Phật hay pháp môn hành trì của người bạn đời, nhờ đó, tránh được các trở ngại trong sinh hoạt.
Vui đạo tại nhà nên theo cách giúp cho người chồng/vợ có cảm giác rằng: "Chồng/vợ của mình tốt hơn, dễ thương hơn, cởi mở hơn, hoan hỷ hơn và tạo ra nhiều giá trị niềm vui cho gia đình hơn. Con cái thấy cha mẹ, kể từ khi vui đạo trở nên dễ kính hơn. Cha mẹ nhìn thấy con cái ngày càng hiếu thảo hơn, có trách nhiệm cho tương lai, giữ được văn hóa của dân tộc Việt Nam, dù đang có mặt ở đâu".
Như vậy, bản chất ở đời vui đạo của người xuất gia phải khác hơn người tại gia. Người tại gia không cần có nhu cầu tương tự như người xuất gia, bởi vì thực phẩm tâm linh hay niềm vui đạo ở hai bên rất khác nhau.
Trong nhiều bài giảng đây đó, tôi thường đề cập đến nhu cầu cần phải xuất bản hai bộ kinh điển: kinh điển dành cho người tại gia và kinh điển dành cho người xuất gia, với cấu trúc tương đối khác nhau.
Người tại gia cần có tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình, tham gia các công việc "tề gia trị quốc bình thiên hạ" và các lãnh vực, ngành nghề gần như không thể không quan tâm. Trên 300.000 bài kinh được Đức Phật thuyết giảng đề cập đến các vấn đề đó rất nhiều, mà giá trị ứng dụng của nó vẫn còn thích ứng trong thời hiện đại.
Kinh điển cho người xuất gia phải khác, vì người xuất gia đi trên con đường giải thoát, hủy bỏ hết tất cả những gì thuộc về trần tục; không quan tâm và không dấn thân như là người tại gia. Người xuất gia dành thời gian phát triển tâm linh, làm sao cho sự đóng góp tiền của của người tại gia tạo ra thành quả có giá trị ở hiện tại, để đền trả lại sự cống hiến và đóng góp của tha nhân.
Kinh cho người xuất gia bao gồm các hướng dẫn về đời sống nội tâm, chuyển hóa lòng tham, lòng sân, lòng si và những kỹ năng thực tập để tháo gỡ những bế tắc trong đời sống, và hướng dẫn người tại gia nghệ thuật vượt qua khổ đau. Các bài kinh này còn bao gồm những đối thoại liên tôn giáo, liên triết học và liên pháp môn giữa Thiền, Tịnh và Mật để có tinh thần dung thông, vô ngại.
Người xuất gia khi hoằng truyền Phật pháp thế nào cũng phải đối thoại một cách tình cờ hay được yêu cầu, hoặc một cách bắt buộc nào đó. Những kỹ năng đó giúp cho người xuất gia thể hiện được rõ lập trường tu học, trên con đường tu đạo và hành đạo nói chung.
Trong các nghi thức xưa nay, có những bài kinh dạy về con đường giải thoát mà người tại gia lại không cần đến nhu cầu thoát khỏi luân hồi sanh tử, chỉ mong được hạnh phúc trong tiến trình tái sanh là đủ. Như vậy, "ở đời vui đạo" của người tu mang tính chuyên sâu hơn và khác so với "ở đời vui đạo" của người tại gia.
Hãy sống tùy duyên
Triết lý quan trọng trong ứng xử thế gian được thiền sư Trần Nhân Tông dạy là ba chữ "hãy tùy duyên". Đây là học thuyết nhập thế về phương diện xã hội, mà ta không thể tìm thấy trong ngôn ngữ Pali hay Sanskrit. Hãy tùy duyên là một phần ứng dụng của thuyết Bồ tát đạo trong Phật giáo.
Tùy duyên của Phật pháp khác với cái hiểu dân gian là "cuốn theo chiều gió", hay "nắng bên nào thì che bên đó", hoặc "để vận mệnh trôi như lục bình trôi". Cuốn theo và chạy theo là "chạy theo duyên" chớ không phải tùy duyên. Tùy duyên là học thuyết ứng xử khôn ngoan trong bất kỳ hoàn cảnh thuận hay nghịch, ta vẫn có thể sống "ở đời vui đời" và "ở đời vui đạo" được.
Những người không có tinh thần tùy duyên thì khi thuận, cảm thấy hạnh phúc, lúc nghịch thì cảm thấy khổ đau, bị ám ảnh bởi nỗi khổ đau trong quá khứ, khổ đau trong hiện tại và khổ đau trong tương lai, làm mất hết các năng lực tìm kiếm giải pháp trị liệu cho bản thân. Ta phải xem nghịch cảnh là phương tiện, mà sự hỗ trợ của nó có thể làm cho chí nguyện của ta ngày càng lớn hơn, bản lĩnh chịu đựng ngày càng vững chãi hơn, kinh nghiệm ngày càng già giặn hơn và con đường tâm linh có chiều sâu hơn.
Nói thế không có nghĩa đạo Phật khích lệ nghịch cảnh. Giả sử ta đang sống trong nghịch cảnh mà ta không có sự lựa chọn nào khác, thì ta cần chuyển hóa tâm thức để chất liệu bình an, nhẹ nhàng, thư thái, thoải mái, thảnh thơi có mặt trong cuộc sống. Trong sáu pháp Ba la mật có tinh tấn là sự phấn đấu vươn lên trên đường đạo đức và tâm linh, khích lệ ta làm hoài, làm mãi, không ngừng nghỉ, không thỏa mãn, không tự hào, không hãnh diện. Bên cạnh đó cũng có nhẫn tức là năng lực chịu đựng nghịch cảnh. Nói đến nhẫn là nói đến nghịch cảnh.
Đức Phật dạy: "Chiến thắng người khác mặc dù là khó, nhưng vẫn còn dễ hơn rất nhiều so với chiến thắng bản thân mình". Trong chúng ta đều có nghịch lý nội tại, khi ta muốn cái này, lúc ta lại muốn cái đối lập; khi ta quyết định làm, lúc ta quyết định rút lui. Nghịch cảnh trong đời sống nhận thức dẫn đến hành động, nếu không được kiểm soát, sẽ tạo thành thói quen, mà bản chất của nó là một tiến trình lệ thuộc, làm ta bị lẩn quẩn trong khổ đau.
Với học thuyết tinh tấn và nhẫn, Đức Phật đã trao chúng ta chiếc chìa khóa về sự tùy duyên, tức cách thức giúp ta vẫn có thể giữ được mối đạo, có thể tạo được chất liệu "vui đạo" trong đời.
Tâm lý học đạo Phật chia tiến trình thuận và nghịch thành 3 bước, là vị ngọt, vị đắng và vị xuất ly.
Vị ngọt là môi trường thuận lợi, giúp con người có thể tận dụng được hết tất cả những giá trị phước báo có được, để sống hạnh phúc, bình an. Có được cơ hội tiếp xúc với giáo dục và nhiều phương diện tiến bộ khác của xã hội, ta thăng tiến trong cuộc đời. Thuận lợi được hiểu là môi trường không có chiến tranh, không hận thù, không khủng bố, không lường gạt, không giết hại lẫn nhau. Trong vị ngọt, ta ít khi nào có tâm niệm muốn xuất ly, vì chủ nghĩa hưởng thụ về thuận duyên làm ta hài lòng. Cái gì hài lòng sẽ dẫn đến tâm lý chấp trước.
Vị đắng tức là nghịch cảnh, chướng duyên, gian truân, thử thách. Hầu như những gì ta muốn đều ngược lại hoàn toàn, hoặc chỉ đạt được chừng 50%. Con người đang sống trong hoàn cảnh bị thói quen đòi hỏi bức bách vô cùng. Lúc đó, ta khởi lên ý niệm muốn thoát ly, vượt thoát khỏi.
Vị giải thoát tức là đạt được những giá trị ngược lại với vị đắng một cách chân chính.
Theo Đức Phật, mỗi người sẽ đi qua 3 tiến trình, từ vị ngọt tức là thuận, rồi đến vị ngọt bị mất đi, tạo thành vị đắng, từ cái nghịch, ta phải tìm con đường để thoát ly. Người trí ngay trong cái thuận, cũng thoát được; chớ không chờ đến lúc bị nghịch mới nỗ lực thoát.
Vượt lên trên thái độ ỷ lại, sống làm chủ các giác quan được gọi là tùy duyên để đạt được "ở đời vui đạo". Tùy duyên để được an vui sẽ giúp ta có năng lực buông xả những khổ đau tâm lý. Chấp dính nhiều chừng nào, khổ đau sẽ hâm nóng thêm chừng ấy; lúc đó ta sẽ thành nạn nhân của chính mình.
Theo Phật giáo, "ở đời vui đạo" phải dựa trên nền tảng 4 chữ: "hiện tại lạc trú" hay "hiện pháp lạc trú", tức là cách vun trồng hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại và tại đây. Đừng mơ tưởng thiên đường xa xôi hay cõi Cực lạc sau khi chết. Đừng để tâm chạy về quá khứ vì quá khứ không còn nữa. Hãy phấn đấu trong hiện tại, bằng phương pháp và tinh thần trách nhiệm. Nếu chưa thành công, ta nỗ lực lần thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, cho đến khi nào thành công mới dừng. Học thuyết tinh tấn không cho ta bỏ cuộc nửa chừng. Tinh tấn chân chánh là tùy duyên trong cái tốt. Đừng hiểu tùy duyên là nói đến đâu làm đến đó.
Dân gian Việt Nam có câu nói diễn tả ý nghĩa tùy duyên: "Muốn ăn hãy lăn xuống bếp". Muốn có được thực phẩm để ăn, dù trong nhà có gạo, bánh và các gia vị, nếu không chịu xuống bếp làm, hoặc không nhờ người khác làm, hay đi mua thực phẩm làm sẵn… thì không sao có thực phẩm để ăn.
Tùy duyên là nỗ lực tạo điều kiện tốt và thuận lợi nhất để có phương tiện sống tốt hơn. Không nên chấp nhận, đầu hàng hoàn cảnh và số phận. Sống tùy duyên, người Phật tử sẽ năng động. Hoàn cảnh nào sống cũng được. Gặp thuận lợi thì tốt vì đó là phước. Không thuận lợi cũng không sao, vì ta học thêm được nhiều bài học mới để trưởng thành trong đời.
Thiết thực nhưng không thiển cận
Câu thứ 2 của bài kệ thường bị hiểu lầm: "Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền" vì bị hiểu như chủ nghĩa thực dụng của nền triết học hiện sinh của Pháp hay phương Tây nói chung. Trong chủ nghĩa hiện sinh có 3 yếu tố ăn, mặc, ngủ được xem là trọng tâm. Người theo học thuyết này, con người có khuynh hướng hưởng thụ, tương lai như thế nào không quan trọng lắm; quan trọng là sống như thế nào cho có ý nghĩa. Lý do là không đánh giá được tầm quan trọng của nhân quả ở mục đích tương lai.
Khi một hành động đã làm không kết thúc tại thời điểm và địa điểm gieo nhân, nó theo đuổi ta một cách trung thành như cái bóng không rời khỏi hình, âm vang không cách ly khỏi tiếng, đêm và ngày luân phiên thay đổi, hay như mặt trước mặt sau của bàn tay. Không có lý do để con người trở thành thiển cận, chỉ biết ăn-mặc-ngủ.
Như vậy, có sự khác nhau căn bản giữa "ăn-mặc-ngủ" của thiền học Phật giáo, hay đạo Phật nói chung, với "ăn- mặc-ngủ" của người tại gia là để "ở đời vui đạo" chứ không phải "ở đời vui đời" vốn nhiều đắm nhiễm và xa rời cõi đạo.
Ăn uống trong Phật giáo là một sự thực tập, chứ không phải là sự hưởng thụ. Trong thời Đức Phật, mỗi tu sĩ chỉ ăn một lần trong ngày vào giờ ngọ (từ 11g -12g), sau đó không ăn nữa. Người tu ăn chỉ khoảng 60% nhu cầu thực tế so với người tại gia. Phần lớn ta ăn bằng con mắt hơn là bao tử. Người đang sống trong những quốc gia kém phát triển về kinh tế như là Việt Nam, nỗi ám ảnh làm sao trở thành giàu để giải quyết các vấn đề ăn-mặc-ngủ trở nên khống chế. Khi kinh tế khá rồi thì các giá trị văn hóa, đời sống tâm linh mới dễ dàng thực hiện hơn. Chân lấm tay bùn, quần quật suốt ngày từ sáng đến chiều tối thì khó có thể thực tập tâm linh lắm.
Ăn-mặc-ngủ là nỗi ám ảnh đối với những người chưa có và nó là một thử thách đối với những người đã có rồi. Ăn nhiều quá thì dẫn đến bệnh tật. Người ăn nhiều thì chết sớm. Ngủ nhiều cũng chết sớm. Ăn mặc ngủ càng nhiều thì tuổi thọ càng bị giảm. Khi người tu tiêu thụ bằng 50% so với nhu cầu của người tại gia, thì tuổi thọ được đảm bảo, sức khỏe được ổn định. Người tu trong lúc ăn không lấy khẩu vị làm chuẩn, mà quan niệm rằng: "Ngày hôm nay tiếp nhận thực phẩm của người tại gia dâng cúng, ta như đang vay nợ của ngân hàng, hãy cố gắng làm sao sống một cách có ý nghĩa. Trước khi ăn, dành vài chục giây quán tưởng ân nghĩa quốc gia, xã hội và mọi người nói chung, rồi nêu quyết tâm thành tựu được đạo quả để đền trả ơn đàn na".
Người tu thường ăn ở trong sự im lặng chánh niệm. Khi ăn mà nói thì dịch vị tiết ra không được đủ 100%. Người tại gia có thói quen biến mâm cơm thành nơi sinh hoạt gia đình. Từ sáng đến chiều, các thành viên trong nhà làm việc ở những địa điểm khác nhau, ít khi có được bữa cơm chung. Người Việt Nam đi làm không xa lắm, cách nhà khoảng 30 phút. Những quốc gia lớn như Hoa Kỳ, nơi làm cách nhà khoảng 100 cây số là chuyện thường.
Khi về nhà, giờ giấc mỗi người khác nhau. Mâm cơm chung hiếm khi có được. Khi ăn cơm chung vào cuối tuần thì ta lấy đó làm cơ hội để nói, tâm sự, chia sẻ. Do vậy, sự ăn không được trọn vẹn, ảnh hưởng đến sức khỏe của bao tử.
Có những nỗi vui chia sẻ trong bữa cơm sẽ làm bữa cơm có sự thích thú. Có những nỗi buồn nói ra trong bữa cơm thì dưỡng chất của thực phẩm gần như mất hết, vì lúc ấy tâm thức của con người trở nên mỏi mệt, mà phải tiếp thu bất đắc dĩ nỗi buồn của người thân.
Trong lúc ăn cơm nên im lặng. Thời gian ăn cơm khoảng 15 - 20 phút. Ăn một cách chậm rãi, nhai thật kỹ và ý thức rõ việc thức ăn đang được đưa vào trong cơ thể không vì mục đích hưởng thụ, cốt có sức khỏe để tu tập và làm những việc có ý nghĩa trong đời.
Người xuất gia chỉ ngủ từ 5 - 6 tiếng/ngày, trong khi người tại gia ngủ tối thiểu là 8 tiếng (tức là 1/3 của 24 giờ một ngày). Nếu làm một bài toán cộng trừ, tuổi thọ trung bình của kiếp người là 60 năm, ta đã có 20 năm dành cho việc ngủ.
Đức Phật, được mô tả trong kinh, mỗi ngày chỉ ngủ từ 2 - 3 tiếng. Do ngủ sâu, toàn bộ các hoạt động của ý thức, tâm lý, cảm xúc được yên lắng trọn vẹn, nên giấc ngủ ngắn nhưng vẫn đủ sức để hồi phục sức khỏe và đủ năng lượng làm Phật sự. Đức Phật đã có 6 năm khổ hạnh ép xác, mỗi ngày ăn một nắm mè mà vẫn thọ 80 tuổi là chuyện hiếm có trên đời. Đó là nhờ giấc ngủ của Ngài không có mộng mị.
Tâm lý học ngày nay cho biết rằng, trong một đêm ngủ ta có từ 3 giấc mộng cho đến 100 giấc mộng, tùy theo người. Ai thần kinh suy nhược nhiều, suy nghĩ nhiều, buồn lo nhiều, khổ đau nhiều, phiền não nhiều thì mộng mị sẽ nhiều, phần lớn là ác mộng. Những nỗi sợ hãi do bị khủng bố ám ảnh nhiều quá vào ban ngày, nên được tái diễn vào ban đêm dưới dạng vô thức.
Trước khi ngủ, Đức Phật dạy nên quán từ bi. Đầu tiên là thực tập từ bi đối với người thân, người thương. Sau đó trải tâm ra đối với người không quen. Rộng hơn nữa là trải tâm đối với kẻ thù hoặc là người xem ta là kẻ thù. Rồi trải tâm đến các loài động vật, các loài thảo mộc.
Khi tổ chức những khóa tu cho tuổi trẻ từ 7 - 30 tuổi, tôi thường yêu cầu giới trẻ tụng bài kinh Từ bi và kinh Phước đức. Bài kinh Phước đức dạy cách hành xử ở trong gia đình, và các mối quan hệ xã hội. Đây là những điều liên hệ đến mỗi người, nên rất cần. Thực tập quán từ bi trước khi ngủ làm cho ta được thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ.
Người nào giận nhiều, buồn nhiều, tức nhiều, phiền não nhiều thì rất khó đi vào giấc ngủ, nên dễ bị mất ngủ. Khi ngủ mà tâm không được thư giãn, ý thức không ngưng hoạt động thì tuổi thọ sẽ bị giảm theo. Cho nên ăn-mặc-ngủ phải theo tiến trình như quy luật tất yếu của vũ trụ. Đừng nghĩ rằng giàu có, ăn nhiều, ngủ nhiều, mặc nhiều là khỏe, hạnh phúc. Thật ra đó chỉ là cảm giác. Hạnh phúc là cái khác hơn. Đó là sự thăng bằng cảm xúc.
Một người giàu có thể có 3-5 căn nhà. Trong nhà có nhiều phòng. Trong phòng có nhiều giường. Dù giàu như thế không có nghĩa là anh ta (hay chị ta) sáng ở căn nhà A, 2 tiếng sau đó ở căn nhà B, 3 tiếng sau đó ở căn nhà C. Chiều ở nhà khác, tối ở nhà khác. Đầu hôm ngủ ở giường A, giữa hôm ngủ giường B, cuối hôm ngủ giường C. Không ai làm như thế. Do đó, nhu cầu thực tế phục vụ cho cái ở, chỉ cần ở mức độ làm tâm hạnh phúc và bình an là được.
Người càng giàu càng chú trọng việc ăn kiêng. Người giàu kiêng ăn nhiều thứ. Càng nổi tiếng người ta càng kiêng ăn. Nữ thì giữ cho vóc dáng đẹp, nam thì đừng để cho béo phì. Giả sử như lục phủ ngũ tạng khỏe quá, uống nước không mà nó vẫn mập thì phải đi tập thể dục dụng cụ đối với người nam, thể dục thẩm mỹ đối với người nữ.
Người càng giàu càng ăn ít. Thậm chí người giàu ăn ít và ngủ ít hơn là người nghèo. Người nghèo muốn được ăn nhưng không có đủ điều kiện để ăn. Khi đủ ăn rồi thì họ cũng bắt chước giống như những người khá giả thôi. Nhu cầu thực tế của hưởng thụ ăn-mặc-ngủ không phải bằng con mắt đòi hỏi.
Khi Thiền sư Trần Nhân Tông dạy: "Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền" không có nghĩa bảo ta muốn hưởng thụ cái gì thì thỏa mãn nó, muốn cái gì thì xả láng cái đó. Ngài dạy cách thuận theo quy luật tự nhiên, đừng để cho tâm bị kẹt trong sự hưởng thụ tự nhiên đó. Làm như thế gọi là tu. Người tu ở trong ăn-mặc-ngủ khác với người không tu ở chỗ là không được đắm nhiễm.
Người xuất gia chỉ có 2-3 bộ đồ, không phải là mặc một năm, mà mặc cho đến lúc nào bị hư rách mới thay bộ mới. Mặc không bao nhiêu. Ăn ngày xưa chỉ có một cử. Bây giờ ăn một ngày 3 cử vì nhu cầu làm việc, giảng dạy, lao động. Nhiều ngôi chùa ở miền quê Việt Nam, các nhà sư hay các sư cô trụ trì phải làm ruộng giống như người tại gia, từ 4 giờ sáng cho đến chiều tối, sau đó tụng niệm bái sám, hướng dẫn tâm linh cho mọi người. Ở chùa quê mà không làm công việc này thì quần chúng không nể. Do đó phải tùy duyên và cũng phải làm nhiều. Khi sức lao động vừa tay chân vừa trí óc bỏ ra thì năng lượng bị tiêu thụ quá nhiều. Nếu không nạp vào bằng 3 cử ăn thì không đảm bảo sức khỏe.
Tuy nhiên 3 cử ăn của Phật giáo Bắc tông gộp lại chỉ bằng một cử ăn của Nam tông về khối lượng. Các nhà sư Nam Tông ăn một cử với cái bát to, để nó có thể nuôi cho cả ngày hôm sau. Còn ăn 3 cử thì mỗi cử chỉ ăn vài chén nhỏ thôi. Cái bát của các sư Nam tông còn lớn hơn tô phở tàu lửa của Hoa Kỳ nữa. Nếu không ăn chiều thì được uống nước trái cây. Tiền mua nước trái cây còn cao hơn là ăn cơm. Dưỡng chất của trái cây còn nhiều hơn ăn cơm.
Khi có điều kiện phát tâm cúng dường trai tăng, một số người có thói quen hỏi: "Hôm nay các thầy, các sư cô ăn có ngon không?" Nếu trả lời "ngon" thì không đúng tinh thần Phật dạy vì không được đắm mình trong hưởng thụ. Nếu nói "không ngon" thì người cúng sẽ buồn… Do đó khỏi cần phải hỏi. Chỉ cần quan sát thôi, ta sẽ thấy và biết được người tu ăn có ngon không. Càng làm nhiều đồ ăn thịnh soạn theo phong cách cao lương mỹ vị của Đài Loan thì một mặt nó làm tổn hại tâm từ bi của người xuất gia, mặc khác nó làm cho người xuất gia đắm nhiễm trong ăn uống. Đó là chưa nói thực phẩm sẽ bị dư thừa nhiều.
Chỉ cần quan sát là ta biết ăn có "hợp khẩu" hay là không? Người xuất gia không bận tâm về ăn uống. Cho sao thì ăn vậy! Nhờ đó làm chủ được ăn-mặc-ngủ, đồng thời làm chủ được dòng cảm xúc.
Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa
Câu thơ thứ 3: "Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa" là tiến trình nhận thức, giúp ta quay vào bên trong, thay vì tìm kiếm bên ngoài. Gia tài gồm có 2 loại: Gia tài vật chất bao gồm nhà cửa, của báu, tiền bạc. Cất của báu ở nhà đôi lúc trở thành sự mời gọi rắc rối (trộm cắp). Người phương Tây có thói quen không cất giữ tiền tại nhà, mà gửi vào ngân hàng. Còn ở Việt Nam người ta ít gởi ngân hàng, mà cất tiền mặt tại nhà, bởi vì mua bán ở Việt Nam là mua đứt bán đoạn, nếu không có tiền mặt thì hầu như các giao dịch bị trở ngại.
Việc đi tìm kiếm của báu vật chất chỉ tô bồi đời sống vật dục, có khả năng mang lại phước báu và sự thuận lợi. Thái độ "thôi tìm kiếm" được Thiền sư Trần Nhân Tông nêu ra trong bài kệ này là nhằm khẳng định rằng mỗi người đã sẵn tuệ giác hay Phật tính bên trong, không phải nhọc công tìm kiếm. Chỉ cần nhận diện là bắt gặp và sống an lạc với nó.
Khi có tầm nhìn quay về, sống với tuệ giác vốn có, ta không còn là kẻ tha hương đi tìm kiếm con đường tâm linh ở Thiên đường hay cõi Cực lạc sau khi chết. Chỉ cần sống trong hiện tại này một cách có ý nghĩa cho mình và cho người, thì cái được gọi là của báu sẽ là cái mà ta hưởng được hiện tiền.
Theo đạo Phật, tương lai có mặt ở hiện tại. Đầu tư hạnh phúc trong hiện tại, ta không cần cầu nguyện, van xin, nó vẫn có như thực tại. Tương lai sẽ có mặt tất yếu. Đây là giá trị đạo đức tâm linh đã được Đức Phật dạy trong kinh Diệu pháp liên hoa qua phẩm "Tùng địa dõng xuất" (Từ dưới đất vọt lên) như một ngụ ngôn nổi tiếng.
Khi nghe Đức Phật Thích Ca giảng và phân tích về tiềm năng giác ngộ vốn có trong mỗi con người để giúp người ứng xử khôn ngoan bằng tuệ giác và lòng từ bi, thì rất nhiều vị Bồ tát ở các hành tinh khác đến phát nguyện gánh vác Phật sự.
- Bạch Như Lai! Cho chúng con cơ hội truyền bá con đường tâm linh ở hành tinh của Ngài. Sự nhận lời của Ngài là phúc duyên lớn cho chúng con.
Đức Phật Thích Ca trả lời:
- Trước nhất, Như Lai tiếp nhận thiện chí của các vị Bồ tát có kinh nghiệm trong giáo hóa chúng sinh, có lòng muốn truyền bá pháp môn Phật tính mà Ta đã thuyết giảng. Nhưng tại cõi Ta Bà này (tức hành tinh mình đang sống) cũng có rất nhiều vị Bồ tát có lý tưởng tương tự. Mặc dù họ còn mới, chưa có kinh nghiệm, nhưng Như Lai tin chắc rằng họ sẽ làm được các Phật sự quan trọng này. Sau khi Đức Phật dứt lời, từ dưới đất vọt lên nhiều vị Bồ tát, làm các Phật sự này.
Ta phải hiểu đây là câu chuyện ngụ ngôn. Không nên đọc các bản kinh Đại thừa theo chữ đen nghĩa trắng, vì cách tiếp cận này sẽ làm ta có cảm giác đây là chuyện hoang đường. Đất là chỉ cho "kho tàng tiềm năng", vì đất là nơi chứa các quặng mỏ.
Mỗi người đều có mảnh đất tâm về tiềm năng lãnh vực A-B-C, chẳng hạn về sự phát minh khoa học, về những đóng góp, về giá trị, về sức mạnh. Về tiềm năng tâm linh thì Phật tính là cao nhất. Có rất nhiều người không có được niềm tin, mặc dù mình có được gia tài đó. Do thiếu niềm tin về bản thân, nhiều người đã trở thành kẻ cùng tử, đi tìm của báu bên ngoài mà không hướng về bên trong.
Khi ta tiếp nhận sự hỗ trợ nào thì sự hỗ trợ đó đều là lệ thuộc, một cách trực tiếp hay là gián tiếp. Các viện trợ luôn luôn có điều kiện một cách ngấm ngầm hay một cách công khai, một cách thỏa hiệp hay là một cách mặc định. Đức Phật dạy ta hãy sử dụng và xử lý nguồn tiềm năng vốn có, để không phải vay mượn các vị Bồ tát đến từ các hành tinh. Chẳng lẽ mỗi khi giảng kinh thuyết pháp, làm các Phật sự, ta phải đi mời thỉnh. Sử dụng nguồn có sẵn đó để phát huy, ta sẽ có sức mạnh nội tại. Đây cũng thể hiện chủ nghĩa dân tộc rất cao.
Khi đạo Phật có mặt ở đâu thì nó trở thành động lực chính để chủ nghĩa dân tộc được đề cao và phát triển. Mỗi dân tộc có văn hóa, giá trị riêng mà tách ly khỏi nó ta không còn là người của dân tộc đó nữa.
Khái niệm "báu sẵn trong nhà" ám chỉ trong kho tàng tâm, mình đã có sẵn những gia tài đó. Vấn đề ở chỗ là tin hay không. Khi tin rồi, niềm tin đó sẽ trở thành chìa khóa mở cửa cho ta sử dụng kho tàng quý báu này mà không phải vay mượn ở đâu. Triết lý này dạy ta niềm tự tin lớn. Hai người có cùng một khả năng, người nào có tự tin lớn thì người đó thành công, người nào kém tự tin thì người đó tự đóng bít cửa ngõ tiềm năng của mình. Người dạn dĩ phát huy được niềm tin tốt, người rụt rè và không dứt khoát thì dù có khả năng cũng không đóng góp được cho ai cái gì. Nền giáo dục Phật giáo dạy ta tự tin vào năng lực vốn có của mình.
Vô tâm là thiền
"Vô tâm trước cảnh, hỏi chi thiền" là lời giải đáp về bản chất của thiền Phật giáo. Có nhiều người hiểu nôm na về phương diện nghĩa đen, thiền là ngồi tĩnh tọa. Sự tĩnh tọa trong khi ngồi là một phương tiện cần, chứ không phải là đủ và duy nhất của thiền, bởi vì có nhiều người lớn tuổi không thể ngồi xếp bằng theo thế hoa sen trọn vẹn hay nửa hoa sen. Ta có thể ngồi duỗi chân, hay ngồi trên ghế, miễn là giữ thẳng lưng, để việc ngồi được lâu mà thân thể không mỏi, không tê. Nhờ đó, tâm dễ dàng được định tĩnh và bình an.
Mấu chốt của thiền là làm cho tâm được bình an. Lúc mới thực tập thiền, ta cần ngồi trong tư thế mắt không liếc qua trái, phải, thân không có cử động, các giác quan tĩnh lặng. Nhờ đó, có cơ hội tập trung vào các đề tài thiền quán nhiều hơn, niềm hạnh phúc nội tại, theo đó, bắt đầu được xuất hiện và dâng trào. Niềm vui của "ở đời vui đạo" theo Trần Nhân Tông là đời sống nội tại này.
Trọng tâm của tĩnh tọa là vô tâm. Khi đi đứng nằm ngồi, nói nín động tịnh, co duỗi, thậm chí trong lúc thức và lúc ngủ, ta phải giữ được trạng thái "vô tâm".
Mấu chốt nằm ở chỗ "vô tâm" này thôi và nó rất dễ bị hiểu lầm. Có người nói rằng tu theo thiền Phật giáo Việt Nam sẽ trở thành ngu ngơ như đá cây, hoa lá, trời mây, non nước. Vô tâm không có nghĩa là không có ý thức gì hết. Vô tâm là không để cho tâm chấp trước, khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng trần cảnh. Vô tâm nói đủ là vô trước tâm, tức là không để tâm dính vào trong các đối tượng trần cảnh.
Khi mắt thấy sự vật, hình thái, màu sắc, khi tai nghe các âm thanh, khi mũi ngửi các mùi, lưỡi nếm các vị, khi thân xúc chạm và ý thức tưởng tượng chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai, ta để cho tâm thư thả, bình an. Trong kinh tạng Pali, đặc biệt là kinh Tương ưng, Đức Phật dạy trạng thái vô tâm là: "Cái thấy chỉ đơn thuần là sự thấy, cái nghe chỉ đơn thuần là sự nghe, cái ngửi cái biết chỉ đơn thuần là sự ngửi, sự biết". Nói cách khác là trong trạng thái vô tâm, ta không để cho ý thức nhị nguyên phân biệt can thiệp vào, dẫn tới hai phản ứng thuận và nghịch. Thuận thì đi tới phía trước, tạo ra thái độ chấp trước. Nghịch thì đi lùi phía sau, tạo ra phản ứng kháng cự, loại trừ, xung đột. Thuận và nghịch là bản chất của khổ và vui ở đời hay nói cách khác là "vui đời". Khi "vui đạo" bằng "vô tâm", ta nỗ lực vượt qua hai phương diện thuận và nghịch, vì khi thuận thì tạo thành liên minh, nghịch thì tạo thành đối kháng. Do đó thực tập sự vô tâm là để giúp ta vượt lên trên tất cả mọi sự thuận nghịch, giữ tâm được bình an; trở nên năng động và hiệu quả trong các vấn đề diễn ra.
Trong triết học của ngài Huệ Năng, "vô niệm" đóng vai trò quan trọng. Khi ý thức bắt đầu khởi niệm thì gọi là hữu niệm, thì mọi phiền toái của nỗi khổ niềm đau cũng từ khởi niệm mà ra. Các Thiền sư Trung hoa dạy các thiền sinh thực tập công án hay câu thoại đầu để ý thức không xuất hiện, dần dần hành giả đạt được "vô niệm".
Công án và câu thoại đầu chỉ khác nhau ở chỗ thoại đầu là một câu nói, công án có điển tích, được một vị Thiền sư sử dụng giảng dạy và khai tâm cho các thiền sinh được kiến tánh. Các câu nói chưa có điển tích tầm vóc thì gọi là thoại đầu.
Về phương diện nội dung, các vị Tổ sư Thiền Trung Hoa định nghĩa: "Thoại đầu là câu nói trước khi có sự phát khởi ý thức hay khởi niệm. Khi câu nói được phát ngôn ra rồi, ý thức sẽ đính kèm theo thì nó được gọi là thoại vĩ, tức câu phát ngôn đã kết thúc".
Về bản chất, thoại đầu không có tính logic. Nó được cấu tạo bằng các mệnh đề vô nghĩa. Ví dụ câu: "Trước khi cha mẹ ta (tức song thân của người đặt câu hỏi) chưa được sanh ra thì bản lai diện mục của ta là cái gì?" Cha mẹ mình còn chưa có thì làm sao có mình. Đây là cách đặt câu hỏi vô nghĩa, truy nguyên về quá khứ. Ta có thể là người A, người B, người C nhưng mục đích của câu thoại đầu không phải nằm ở chỗ tìm ra ta là ai, mà nó chỉ là phương tiện để cho ý thức nhị nguyên không có cơ hội tìm kiếm, khám phá. Cách thực tập này giúp cho tâm thư lắng. Tìm kiếm giải pháp nội dung cho thoại đầu và công án là một sai lầm.
Ví dụ như công án "Vạn pháp (tức là mọi sự vật hiện tượng) trở về một, một trở về cái gì?" có khả năng giúp hành giả đạt được vô niệm. Theo chủ nghĩa nhất thần, vũ trụ vạn hữu phát xuất từ một vị Thượng đế và không có cái gì tạo ra Thượng đế đó. Theo chủ nghĩa duy vật, tất cả mọi hình thành đều có gốc rễ từ vật chất. Cả hai đều là thiển cận và sai lầm. Kết luận của Duy vật là sau khi chết con người kết thúc, không có tiến trình tái sanh. Sai lầm này sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống đạo đức. Vì khi nghĩ rằng người tốt và xấu giống có kết cục như nhau thì đâu ai dại gì mà nỗ lực làm tốt trong đời.
Học thuyết duy tâm cho rằng tâm là cái sanh ra vạn vật. Đạo Phật không chấp nhận duy vật cũng không chấp nhận duy tâm. Đạo Phật dạy ta lý duyên khởi tức là sự tương tác giữa các sự vật và hiện tượng trong vũ trụ như là quy luật tự nhiên. Còn có quy luật các hạt giống, cấu thành các chủng loại dân tộc ở từng sinh vật khác nhau, có cộng nghiệp và biệt nghiệp thông qua văn hóa, phong tục tập quán, thói quen, cá tính và cả tiến trình giáo dục, bối cảnh giáo dục tạo ra sự vận hành này.
Cần thấy rõ rằng vô tâm là phương tiện phá chấp ý thức, như cây cột giữ cho tâm dừng lại, nhờ đó, thân và tâm có mặt cùng một chỗ, năng lượng hạnh phúc hiện tại có mặt một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Ta thường để tâm mình trôi về quá khứ hay đi về tương lai, mà theo Đức Phật đó là một sự tổn thất về năng lượng. Đầu tư vào hiện tại, ta biết được quá khứ, như một kinh nghiệm tốt. Chớ để khổ đau khống chế mình. Đầu tư cho hiện tại thì tương lai đã có mặt rồi. Cầu nguyện van xin nhiều sẽ dẫn đến sự thất vọng. Kỳ vọng nhiều mà không nỗ lực thực hiện sẽ trở thành chủ nghĩa hư ảo.
Chúng ta phải đầu tư đời mình bằng nhân quả đạo đức và tâm linh, để có được một tương lai tốt. Nỗ lực hiện tại luôn có giá trị, giúp ta sống có ý nghĩa hơn với tư cách là con người trong kiếp người. Do đó vô tâm khác với sự không có tri giác, như của thế giới vật lý, cỏ cây hoa lá trời mây non nước và các phương diện khác.
Nếu sống được như thế, ta không cần hỏi Thiền là cái gì, vì thái độ đó chính là Thiền. Giũ bỏ mọi chấp trước, buông bỏ nỗi khổ niềm đau, ở đời vui đạo để sống thong dong, tự tại. Người xuất gia cần chất liệu "ở đời vui đạo" hơn người tại gia, những người vốn chỉ muốn hạnh phúc bình an, phước báo, tiện nghi vật chất đủ đầy, để bên cạnh hạnh phúc có được, còn góp phần chia sẻ hạnh phúc cho tha nhân, trong những lúc có nhu cầu.
***
Nói tóm lại, bài kệ "Ở đời vui đạo" của Thiền sư Trần Nhân Tông là tiến trình nhập thế năng động, tích cực, nhẹ nhàng mà hiệu quả cao. Sự thực tập đó đã được vua Trần Nhân Tông áp dụng cho chính Ngài và truyền dạy cho đệ tử của Ngài. Ngai vàng mà Ngài có được quan niệm như là đôi dép quăng bỏ (nói theo kinh Bốn mươi hai chương). Ngài không màng đến thế quyền, mà cao nhất là vương quyền, vì đó là đầu mối của sự tranh chấp, hơn thua, hận thù rồi tạo ra các bế tắc.
Ta hãnh diện vì có vị vua đi tu như Giác hoàng Trần Nhân Tông. Tại Ấn Độ, chỉ có hai nhân vật có được phong cách này. Thứ nhất là Đức Phật Thích Ca, thứ hai là Ngài Vardhamana Mahavira (tức vị khai tổ của đạo Kỳ Na giáo). Từ một Đông cung Thái tử, Ngài chán ngán quyền lực chính trị và giá trị "ở đời vui đời" nên Ngài trở thành nhà tâm linh vĩ đại, vượt lên trên những giới hạn đối đãi cuộc đời, và truyền bá con đường đó. Nhờ đó, ta biết đến đạo Phật như ngày hôm nay. Nhiều người nói đạo Phật là đạo chán đời vì không thấy Đức Phật làm chính trị, mà chỉ chú trọng tâm linh thôi.
Khuynh hướng của đạo Phật là ngoài nhân thừa dành cho người tại gia, với những phương diện cao nhất về xã hội, mà người tại gia cần phải đóng góp (bố thí: giúp đỡ cộng đồng; ái ngữ là lời nói tương kính; lợi hành tức là những hành động giúp ích cho tha nhân, đồng sự là hòa mình với cuộc đời, không có những sự phân biệt đối xử, không có sự cô lập, không có sự biệt lập hay cách ly), đạo Phật khẳng định đời sống của người tại gia hài hòa với xã hội. Trong khi đó, đời sống xuất gia vượt lên trên giá trị vật chất, làm nền tảng tham khảo về đời sống tâm linh cho người tại gia nói chung.
Đây là trọng tâm của bài phú "Ở đời vui đạo" mà Thiền sư Trần Nhân Tông đã tặng biếu cho thế hệ chúng ta.