Triển lãm tranh khắc gỗ về Phật giáo tại Anh

GNO - Từ ngày 16 tới 20-2 qua, Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh triển khai chương trình triển lãm tranh khắc gỗ truyền thống Trung Quốc.

18f5cdf82b145268c4b463b60f2ce9cd_715__2.jpg


Một tác phẩm tại triển lãm

Triển lãm do nghệ nhân Wei Lizhong chủ nhiệm, ông là bậc thầy trong nghề khắc tranh gỗ và trưng bày nhiều sản phẩm trong phòng tranh Shizhuzhai nổi tiếng của ông ở Chiết Giang, Trung Quốc. Những bức tranh trưng bày có cả những tác phẩm danh giá trong lịch sử và nghệ thuật, điển hình là bản in giấy đầu tiên trên thế giới là cuộn giấy in kinh Kim Cang có niên đại từ năm 868. Cuộn giấy này được nhà khảo cổ Marc Aurel Stein tìm thấy ở hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, và hiện nay thuộc sở hữu của Bảo tàng Anh.

Những người đến xem triển lãm rất thích thú với những bức tranh khắc gỗ và trực tiếp trải nghiệm với nghệ nhân Wei, được ông hướng dẫn những kỹ năng thiết kế và tạo bản vẽ trên gỗ, cách khắc hình và sử dụng công cụ an toàn.

Nghệ nhân Wei chia sẻ: “Những bức tranh gỗ Trung Quốc hiện được trưng bày ở bảo tàng Anh và từ triển lãm tại học viện này, tôi muốn giới thiệu với người châu Âu về nghệ thuật làm tranh gỗ của chúng tôi”.

Từ năm 2003, nghệ nhân Wei được coi là một chuyên gia trong ngành in khắc gỗ màu truyền thống được tỉnh Chiết Giang công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Tranh in khắc gỗ rất phổ biến ở thế kỷ thứ 17 nhưng loại hình này gần như biến mất và được khôi phục lại trong những năm 1930.

Tranh in khắc gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc và được truyền bá khắp Đông Á. Loại hình này chiếm ưu thế trong lịch sử ngành thủ công và nghệ thuật truyền thống và yêu cầu khắt khe trong việc tạo hình, điêu khắc và in tranh. Tranh in khắc gỗ có nhiều cống hiến lớn trong việc lưu truyền văn học, giáo lý và cảm hứng nghệ thuật trong khu vực Đông Á.

Ở Nhật, tranh in khắc gỗ lâu đời nhất có niên đại từ năm 764 - 770 trong triều đại Shotoku (718 - 770). Khoảng 1 triệu bản in được thực hiện trong nhiều ngôi chùa và tự viện.

Tranh in khắc gỗ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo trong khu vực Đông Á từ việc in chú và kinh sách. Cao Ly Đại tạng kinh được khắc trên 81.258 tấm gỗ trong khoảng thế kỷ thứ 13 được coi là bộ đại tạng kinh đầy đủ và lâu đời nhất thế giới ghi chép lại từ đại tạng kinh của Phật giáo Trung Quốc.

Cao Ly Đại tạng kinh hiện đang được lưu trữ tại Haeinsa (Hải Ấn tự) ở Hàn Quốc và để bảo quản những bản in khắc gỗ này tốn rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, những bản in này vẫn được giữ trong tình trạng nguyên vẹn suốt hơn 750 năm và có nguồn gốc từ những bản in khắc của Bắc Tống, Khiết Đan và Cao Ly.

Học viện Hoàng gia Anh được Hoàng thân Charles thành lập năm 2004, là một phần của dự án trường học miễn phí của Hoàng gia Anh với mục đích bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống vô giá của các nước trên thế giới. Học viện được phát triển từ chương trình “Nghệ thuật truyền thống Hồi giáo” của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia năm 1984 do Giáo sư Keith Critchlow tổ chức. Học viện cung cấp những bài giảng, các khóa học thực hành ngắn hạn về ngành thủ công nghệ thuật truyền thống.

Đỗ Chu Vĩnh Hưng
(theo Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.