Theo đó, Ban Hướng dẫn Phật tử (BHDPT) các tỉnh thành cần có kế hoạch, chủ động phối hợp với Ban Hoằng pháp địa phương vận động chư tôn đức Tăng Ni trụ trì, Ban Quản trị các tự viện có các điều kiện cơ sở vật chất tổ chức thuyết giảng Phật pháp, mở lớp giáo lý, đạo tràng Bát quan trai, khóa tu Một ngày an lạc, khóa tu Một ngày niệm Phật, khóa tu Phật thất (đạo tràng niệm Phật), hội quy, ... vào các ngày thích hợp theo từng hệ phái, từng tự viện; vậ̣n động vị trụ trì, Ban Quản trị các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo người Hoa tổ chức thuyết giảng Phật pháp, mở lớp giáo lý, đạo tràng Bát quan trai và các loại hình sinh hoạt tu học khác, để đồng bào Phật tử các dân tộc tham gia tu học.
Song song đó, BHDPT các tỉnh thành cần có các buổi họp liên tịch với Ban Hoằng pháp và Ban Từ thiện xã hội địa phương, ký kết Bản ghi nhớ về hoạt động từ thiện kết hợp với công tác hoằng pháp và công tác hướng dẫn Phật tử. Để thể hiện tinh thần đoàn kết hòa hợp và hoạt động hiệu quả tốt hơn, khi đi cứu trợ cần tổ chức thành đoàn, kết hợp với các ban, các tự viện cùng tham gia theo kế hoạch của Ban Từ thiện xã hội tỉnh thành, dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự THPG. Điều cần lưu ý: Đối với đồng bào còn nghèo khó, nên thực hiện phương châm:“ tặng cần câu quý hơn cho con cá”, như xây dựng: lớp học tình thương, mở khóa dạy nghề, nhà nuôi người già (viện dưỡng lão), nhà hoặc trường nuôi dạy trẻ mồ côi, xây cầu bê tông, tặng học bổng, tặng xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học,...; việc tặng lương thực, đồ gia dụng và hiện kim, chỉ để cứu trợ khẩn cấp khi đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, hoặc tai nạn nghiêm trọng,...; có kế hoạch phổ biến chương trình Phật hóa gia đình đến chư Tăng Ni và Phật tử các tự viện trong địa phương, động viên khuyến khích hướng dẫn các nam nữ Phật tử tổ chức lễ hằng thuận khi lập gia đình. Lễ hằng thuận có thể tổ chức tại tự viện hoặc tại tư gia; cần chuẩn bị chu đáo, tiến hành trang nghiêm, hạn chế chi phí tốn kém cho Phật tử.
Thông tư cũng đề nghị BHDPT các tỉnh thành mở hộp thư điện tử (email), để thông tin liên lạc được nhanh chóng, chính xác.
Trong khi chờ đợi Ban Thường trực HĐTS ra công văn đôn đốc việc thành lập Phân ban Gia đình Phật tử (GĐPT), BHDPT các tỉnh thành nào chưa lập Phân ban GĐPT nên xúc tiến ngay. Nếu tại địa phương đã có từ 4 đơn vị trở lên, nên tiến hành thủ tục xin lập Phân ban GĐPT, nếu địa phương nào chưa có GĐPT sinh hoạt, hoặc có nhưng chưa đủ số lượng theo yêu cầu, thì cử ủy viên chuyên trách GĐPT, để vận động và tổ chức sinh hoạt GĐPT, tiến tới việc thành lập Phân ban GĐPT dưới sự quản lý của BHDPT để thực hiện theo Nội quy GĐPT và Hiến chương GHPGVN.
Ngoài ra, trong khi chờ đợi Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương hoàn chỉnh Nội quy hoạt động, BHPPT các tỉnh thành cần tiến hành thủ tục thành lập Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử thuộc Phân ban Cư sĩ Phật tử và Ủy viên Thanh thiếu nhi Phật tử thuộc Ban Đại diện Phật giáo các quận, huyện,... để tổ chức đạo tràng, khóa tu, câu lạc bộ dành cho thanh thiếu nhi Phật tử tại các tự viện và thiết lập các hình thức hội trại dành cho sinh viên học sinh Phật tử, chậm nhất là cuối năm 2010 phải hoàn tất.
Thông tư cũng nêu rõ, chậm nhất là cuối năm 2010, BHDPT Trung ương sẽ phổ biến các nghi thức hành lễ, và các chương trình sinh hoạt tu học, giảng dạy giáo lý đến BHDPT các tỉnh thành.
Trích Nghị quyết Hội thảo Hướng dẫn Phật tử miền Đông và miền Tây Nam bộ: "....1. Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành có kế hoạch phối hợp với Ban Hoằng pháp và vị trụ trì, Ban Quản trị các tự viện tổ chức thuyết giảng giáo lý vào các ngày định kỳ tùy theo hệ phái và các ngày lễ lớn; tổ chức các đạo tràng Bát quan trai, khóa tu một ngày an lạc,… để nâng cao trình độ kiến thức Phật pháp cho hàng Phật tử. Đặc biệt, cần quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển sinh hoạt tu học cho đồng bào Phật tử dân tộc Khmer. 2. Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành chủ động phối hợp với Ban Hoằng pháp, Ban Từ thiện xã hội địa phương thực hiện chương trình “Tài pháp nhị thí” đối với đồng bào các dân tộc. Ngoài việc cứu trợ khẩn cấp, nên đặc biệt chú trọng việc xây dựng các cơ sở từ thiện như: xây dựng lớp học tình thương, khóa dạy nghề, nhà nuôi người già neo đơn và trẻ mồ côi. 3. Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành cần xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc điển hình, để đẩy mạnh chương trình Phật hóa gia đình, như tổ chức lễ hằng thuận cho nam nữ Phật tử tại các tự viện. 4. Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành nên mở hộp thư điện tử (Email) để việc liên lạc phổ biến Phật sự từ Trung ương đến địa phương được dễ dàng. 5. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương kiến nghị Hội đồng Trị sự có văn bản đôn đốc Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành hội chưa thành lập được Phân ban Gia đình Phật tử, nên xúc tiến thành lập, dưới sự quản lý của Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh thành, để hướng dẫn các đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt đúng theo Nội quy GĐPT và Hiến chương GHPGVN. 6. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cần quan tâm nhiều hơn đến thanh thiếu niên Phật tử như: soạn thảo chương trình thống nhất về nghi thức tụng niệm, nghi thức lễ hằng thuận, chương trình sinh hoạt tu học và giảng dạy giáo lý phù hợp với các lứa tuổi. 7. Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương sớm có kế hoạch tổ chức các khóa tu dành cho thanh thiếu nhi Phật tử tại các tự viện và các hình thức hội trại dành cho sinh viên học sinh để hướng dẫn giới trẻ đến với đạo Phật...". |