Trì tụng kinh chú

Trì tụng kinh chú

GN - Phật tử Việt Nam hiện nay phải nên tụng kinh bằng tiếng Việt. Không vì bất cứ lý do gì mà tụng kinh âm Hán-Việt.

HỎI:

Tôi là Phật tử trẻ thường tham gia vào các thời khóa tụng niệm hàng ngày ở đạo tràng địa phương. Sau khi về nhà tôi còn trì thêm chú Đại bi và những thần chú khác như Lăng nghiêm, Thập chú cùng với các đà-la-ni khác nữa. Trong quá trình tu học, tôi gặp được một số anh chị Phật tử lớn tuổi và tham khảo ý kiến, các vị bảo rằng trì tụng thần chú phải bằng tiếng Phạn thì mới linh ứng. Bởi trì niệm thần chú bằng tiếng Phạn mới “bắt được tần số” và giao cảm với chư Phật và Bồ-tát để được các Ngài gia hộ. Còn những thần chú được phiên âm Hán-Việt từ những bộ kinh chữ Hán, do người Trung Quốc phiên âm từ tiếng Phạn, đã bị chuyển ngữ qua nhiều lượt, không còn đúng âm chính xác. Tôi tìm trên mạng thấy có những thần chú này bằng tiếng Phạn như chú Đại bi, chú Dược sư, chú Vãng sanh,....

Tôi suy nghĩ thấy ý kiến của họ cũng hợp lý và cảm thấy hoang mang cho mình. Chẳng nhẽ suốt thời gian qua sự trì chú của tôi không có tác dụng gì và không nhận được sự linh nghiệm? Tôi có nên học lại những chú này bằng tiếng Phạn và bắt đầu trì tụng lại hay không?

Còn một việc nữa, tôi rất thích những bộ kinh được dịch nghĩa nên thường đọc tụng kinh tiếng Việt vì mình hiểu được nghĩa sâu sắc và cảm thấy rất hay. Nhưng một vài bác lão Phật tử lại nghĩ khác, các cụ bảo tôi nên đọc tụng bản âm Hán-Việt vì kinh văn chính xác và ý nghĩa sâu sắc hơn. Riêng tôi khi cầm những quyển kinh ấy lên thì tôi cảm thấy mình như một con vẹt biết đọc. Vì không phải là người thạo chữ Hán nên tôi không hiểu ngữ nghĩa và không cảm nhận được sự vi diệu trong từng câu chữ. Tôi nghĩ, đọc kinh cần hiểu lời Đức Phật truyền dạy, tuy không thể hiểu hết được nhưng vẫn hơn là đọc suông mà chẳng hiểu một tí gì. Tôi nghĩ như thế có đúng không?

(MINH NAM; sheep8@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn Minh Nam thân mến!

Hiện nay, trong các nghi thức tụng niệm phổ thông, hầu hết các thần chú như Lăng nghiêm, Đại bi… đều là chữ phiên âm theo kiểu Phạn-Hán-Việt. Nguyên do người Trung Quốc xưa khi phiên dịch kinh điển từ tiếng Ấn Độ (Phạn ngữ) ra tiếng Hán thì các thần chú không dịch, chỉ phiên âm tiếng Phạn mà thôi. Dĩ nhiên, âm Hán để đọc các thần chú tiếng Phạn khá giống với nguyên bản. Khi người Việt dịch kinh từ chữ Hán thì các thần chú ấy cũng không dịch, chỉ phiên âm Hán-Việt các thần chú ấy. Và rõ ràng, xét về “âm-tiếng” thì các thần chú âm Phạn-Hán-Việt này cách xa với nguyên bản Phạn ngữ đến trời vực.

Do đó, nếu một hành giả tu tập theo pháp môn dung hợp “tụng kinh-trì chú-niệm Phật” như khá nhiều chùa hiện nay, thiết nghĩ vẫn nên trì chú theo phiên âm Phạn-Hán-Việt như trước nay vẫn hành trì. Riêng hành giả nào có chí nguyện chuyên về Mật tông, hoặc xem việc trì chú là pháp môn chính thì nên chọn cách trì chú theo nguyên bản tiếng Phạn. Tất nhiên, trì chú bằng tiếng Phạn là điều cần thiết, nên làm nhưng không đơn thuần như một số người vẫn nghĩ là “trì niệm thần chú bằng tiếng Phạn mới ‘bắt được tần số’ và giao cảm với chư Phật và Bồ-tát”.

Theo các nhà chuyên môn, tiếng Phạn có cấu trúc ngữ âm rất đặc thù (âm vực rộng, trầm bổng đa dạng), khi trì niệm đúng cách, âm thanh thần chú phát ra như Phạm âm (âm thanh của Phạm thiên), hải triều âm (âm thanh sóng biển) tác động đến não bộ với những hiệu ứng rung động đặc biệt, góp phần làm cho tâm tư lắng đọng, vọng niệm dứt bặt, thành tựu chánh định.

Nói như thế không có nghĩa là trì tụng thần chú Phạn-Hán-Việt là không có linh nghiệm. Nếu tâm trì niệm chí thành và chuyên nhất vào thần chú thì vẫn có kết quả không thể nghĩ bàn. Do đó, nếu bạn muốn thì thay đổi sang trì chú tiếng Phạn, còn không thì cứ trì niệm như bình thường.

Riêng vấn đề tụng kinh, Phật tử Việt Nam hiện nay phải nên tụng kinh bằng tiếng Việt. Không vì bất cứ lý do gì mà tụng kinh âm Hán-Việt. Thực tế thì không nhiều người am tường tiếng Hán mà cứ đeo bám theo cách tụng kinh âm Hán-Việt là một sự “cố chấp” không nên có. Đạo Phật chủ trương “đến để thấy”, đọc kinh mà không hiểu gì cả thì làm sao nhận chân được lời Phật dạy để ứng dụng hành trì.

Chúng tôi cũng từng nghe Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN chuẩn bị ấn hành bản kinh Nhật tụng tiếng Việt chuẩn hóa phổ biến cho toàn quốc từ khá lâu nhưng đến nay vẫn đang trông chờ. Thiết nghĩ, đây cũng là một Phật sự quan trọng mà Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN cần nhanh chóng hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết được tụng đọc kinh điển bằng tiếng Việt của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.