GN - Nắng chiều vừa sụp tắt lúc tôi đặt chân đến chân đồi Mandalay huyền hoặc. Trăng mùng 8 lên cao trên bầu trời trong vắt. Những bậc thềm có mái che, từ dưới nhìn lên dốc ngược không biết sẽ chấm dứt chỗ nào vì chút ánh sáng vàng lu lu đâu đó hắt ra không đủ soi sáng lối đi. Phía sau tôi ánh đèn đường ngoài cổng hắt ngược, dọi cái bóng gẫy gập lên mấy bậc thềm như một hình thù ma quái quờ quạng ngả nghiêng trèo lên đồi.
Đồi Mandalay, Myanmar - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Tôi đã tới đồi Mandalay!
Phải, tôi đã đến đây sau nhiều năm tưởng tượng về ngọn đồi nằm ở miền Trung Miến Điện. Ngọn đồi Đức Phật đã đặt chân đến. Ngọn đồi ghi dấu một khoảng thời cực thịnh của Phật giáo Miến Điện khi vua Mindon dời đô về Mandalay vào giữa thế kỷ XIX. Trong các nỗ lực chấn hưng Phật giáo của ông, nổi bật nhất là công trình khắc toàn bộ kinh điển Phật giáo (Tam tạng kinh điển) lên các phiến đá quý trong một khoảnh đất rộng dưới chân đồi, ông xây cất nhiều tu viện lớn, nhưng công việc chưa thập toàn viên mãn thì vua mất. Khi mất, ông không để lại lâu đài lăng tẩm đồ sộ, ngoại trừ toàn bộ kinh điển được khắc trên bia đá.
Một thời gian sau, khoảng đầu thế kỷ XX, bỗng có một nhà khổ hạnh xuất hiện trên đồi Mandalay, lúc đó đã hoang phế dưới sự đô hộ của người Anh, và thành sào huyệt của bọn cướp. Nhà khổ hạnh ngồi tham thiền trên đồi không biết bao nhiêu ngày tháng cho đến lúc người ta đồn đãi có bậc chân tu trên đồi hoang. Tín đồ tấp nập càng lúc càng đông, rồi từ hai bàn tay trắng, nhà khổ hạnh trên đồi Mandalay - nhờ bá tánh cúng dường - đã có thể tiếp tục công việc trùng tu và truyền bá đạo Phật, tiếp tục công việc dang dở của vua Mindon thế kỷ trước.
Nhà khổ hạnh chính là vua Mindon tái sinh.
Bậc đế vương và nhà khổ hạnh giống như hai kiếp người với cuộc sống đối lập, nhưng trong mắt của nhà tu nhất tâm phụng sự, thì đế vương hay khổ hạnh đều là phương tiện để thực hiện một mục tiêu. Vua Mindon ‘chọn’ làm vua để có phương tiện truyền bá lời Phật. Thực vậy, ông không có uy quyền và không tham quyền uy, hầu như quyền cai trị nằm trong tay hoàng thân quốc thích. Dường như ông muốn được yên để chăm lo đạo Phật. Quả là ông đã chọn làm vua để có phương tiện, khi thời thế hết, thực dân Anh xâm chiếm đất nước, thì ông lại chọn phương tiện làm nhà khổ hạnh. Và trong cả hai phương tiện ấy, vai trò nào ông làm cũng tốt.
Tôi biết được câu chuyện trên một phần nhờ dịch cuốn The Way of the White Clouds của Đại sư Anagarika Govinda người Đức, trong đó có chương ‘Trưởng lão Đại Nhẫn, nhà Tiên tri trên đồi Mandalay’, đây là chương tôi đọc nhiều lần đến gần như thuộc từng chi tiết về hành trạng của vua Mindon và nhà khổ hạnh Đại Nhẫn. Còn những mẩu chuyện khác về vua Mindon là nhờ hỏi thăm những người Miến Điện sống ở Mandalay.
Chánh điện chùa Maha Ant Htoo Kan Thar - Ảnh: Trần Nguyện Hải
Tôi vừa leo lên đồi vừa miên man hình ảnh nhà khổ hạnh lang thang đã ở nơi đây gần một thế kỷ trước. Chung quanh tôi bóng tối phủ dày. Mái che trên những bậc thềm cao hun hút không cho ánh trăng dọi tới nên bóng tối như sậm hơn. Các bậc thềm được xây cách quãng để nghỉ mệt, hai bên đều có băng ghế đá dài bằng chiều dài của những bậc thềm. Đôi chân tưởng như rớt ra ngoài nhưng tôi cứ leo không nghỉ, mồ hôi ướt như dưới trời hè. Tôi đã chờ đợi cái ngày đặt chân lên ngọn đồi huyền thoại, và giờ đây đi như đi trong một giấc mộng dài tỉnh táo. Những ngôi nhà tồi tàn ẩn dưới lùm cây hai bên thềm có những đôi mắt tò mò nhìn ra dưới ánh đèn vàng nhợt nhạt. Tiếng chim đâu đó rúc lên thi thoảng. Cứ leo vài chục bậc thang thì có một khu nhà nghỉ, hai bên đều có tôn trí tượng Phật, nhưng ánh đèn vàng từ mấy căn nhà men theo thềm cấp không đủ soi sáng tượng, chỉ thấy lờ mờ đường nét một vị đang ngồi xếp bành. Tôi vừa lạy trong bóng đêm vừa nghỉ mệt, hơi thở đứt quãng. Đi chừng vài chục bậc cấp nữa thì tới một khoảng nhà nghỉ rất rộng, ngay giữa gian có một bóng đèn vàng rọi lên tượng Phật Thích Ca đứng, pho tượng thật vĩ đại, đứng thẳng người cũng chỉ ngang khoảng đầu gối của pho tượng. Tôi phủ phục xuống vừa lạy vừa nghỉ mệt một lúc lâu. Khi đứng lên thì giựt mình thấy có một người đàn ông đứng bên cạnh, miệng cười hiền lành. Ông ta nói gì đó, khi thấy tôi không hiểu liền hỏi bằng tiếng Anh.
- Anh ở đâu đến?
Người đàn ông cười im lặng, cổ ông choàng tràng hạt, bận quần tây chứ không quấn xà-rông như các đàn ông Miến Điện khác. Ông nói ở ngay căn nhà tre bên cạnh lâu rồi, rồi chỉ bức tượng nói gì đó mà tôi đoán là ông ta muốn giải thích đây là Phật gì. Tôi nói Thích Ca Mâu Ni? Ông gật gật đầu tủm tỉm, đến ngồi một bên chân tượng, chỉ tay ra dấu cho tôi hãy ngồi ngay trước tượng Phật, bên cạnh ông. Rồi ông bắt đầu tụng kinh lầm rầm. Tôi đọc một bài Tâm kinh ngắn mặc kệ ông đọc bằng tiếng Miến Điện. Cũng lạ, không hiểu ông đọc kinh gì mà hai thứ tiếng như hòa lẫn nhau trong tiếng lá cây xì xào quanh đồi. Tôi đứng lên rẽ qua hướng trái tính leo tiếp thì ông chợt lên tiếng: “Anh đi phía bên phải này mới tới đỉnh đồi, mất khoảng hăm lăm phút nữa”.
Chùa Shezigon - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Tôi đi tiếp khoảng dăm mươi bậc thì đến một nhà nghỉ chân ở một ngã ba có hai đường lên đồi, nhà nghỉ này cũng có tôn trí một tượng Phật nhỏ ngay ở giữa. Tôi rẽ trái, lúc này ánh sáng đã khá hơn, hai bên có vài ngôi nhà tre nhỏ bán nước và bánh trái, những người Miến ngồi yên lặng không mời mọc gì cả. Tôi cứ leo lên, leo lên nữa, mồ hôi ướt đẫm. Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch có chỉ nên thuê dân địa phương gánh lên đồi hoặc thuê xe chạy men theo sườn lòng vòng cũng lên tới, thì ra là vì cao như vậy. Tôi đi một chặp nữa thì thấy đằng trước có một ngôi chùa khá lớn, ánh sáng vàng hắt ra dìu dịu. Trong chính điện, một pho tượng Thích Ca đứng thẳng thật vĩ đại, còn lớn hơn tượng vừa rồi, tay phải chỉ thẳng ra đằng trước, tay trái để xuôi theo mình nắm chéo vạt áo. Bên phải Phật là đệ tử Anan ngồi xếp nghiêng chân phải xuôi theo chân trái, chắp tay hướng về Phật nhưng đầu quay theo hướng bàn tay chỉ thẳng của Phật. Đôi mắt Anan thật sống động, trong vắt dù dưới ánh đèn vàng. Đây là chùa Shweyattaw do vua Mindo xây. Tương truyền Phật Thích Ca và ngài Anan đã tới chỗ này, khi đó Phật chỉ tay xuống khoảng đất dưới chân đồi và nói với Anan là hơn 2.400 năm sau khi Phật nhập diệt sẽ có một cung điện xây ở đó. Vào năm 1857, vua Mindon dời đô về Mandalay, cho xây một hoàng thành vuông mỗi bề rộng chừng hai cây số ngay dưới chân đồi, vua cho tôn trí hai tôn tượng Thích Ca và Anan này để kỷ niệm bước chân Phật đã đến đây.
Tôi ngồi dưới chân tượng không biết bao lâu, lòng cảm xúc. Phật đã dừng chân nơi đây trong quãng đời hoằng pháp, lúc đó ở đây ra sao? Chắc chắn không có những bậc thềm, nhà nghỉ chân, xung quanh rừng rậm, thú dữ, một ngày nắng khô hay mưa bão, hay một buổi chiều vàng ngồi trên đồi ngắm mặt trời lặn xuống chân núi bên kia dòng sông Voi tha thiết miên man xuôi về Nam. Hai thầy trò ăn gì, mà hẳn hai thầy trò không đến đây vào tháng Sáu ta như bây giờ vì là mùa an cư.
Tôi nghĩ ngợi miên man lẩm cẩm như thế nhưng tai vẫn nghe tiếng lá cây bên ngoài xì xào thật mạnh, những chiếc lá không phải cọ mà đập lên nhau, gió nổi lên cuồn cuộn. Khi đứng lên đi vòng ra ngoài thì thấy vài đứa trẻ tò mò theo sau. Trăng đã lên cao. Thật may, cách đây vài tiếng khi từ phi trường về thành phố, trời đầy mây tưởng như sắp mưa. Bây giờ mây đi đâu hết, chỉ có một mảnh trăng khuyết treo trên đỉnh những ngọn tháp. Nhìn xuống, hoàng thành Mandalay lờ mờ trong ánh đèn vàng buồn bã. Bên ngoài hoàng thành là thành phố Mandalay cũng chỉ hắt hiu các ánh đèn trắng rải rác chứ không rực sáng như nhiều thành phố khác. Gió rít lên từng hồi, không thấy lá nhưng tiếng lá đụng vào nhau nghe như tiếng sóng biển dạt dào giữa đêm khuya. Một vài tiếng chim ‘quác’ lên. Tôi lại leo tiếp, sức lực như đã khôi phục hoàn toàn nhưng chỉ hăng hái vài chục bậc cấp thì tưởng như đi không nổi. Lần này các bậc thềm như dốc hơn, lối đi hai ba ngả túa ra nhưng cứ theo mái che mà tiến, hình như bên ngoài có nhiều chỗ sân rộng, có tiếng người thì thầm đâu đó. Tôi đi qua hai ba khu nhà nghỉ, chỗ nào cũng có tháp hoặc các pho tượng mô tả sinh-lão-bệnh-tử thật ghê sợ, người bệnh gầy xương, người già thì gánh thời gian đè lên tay chống gậy, người mẹ sinh con khó nhọc, người chết mặt ủng da chì quạ bu trên xác, và riêng người chết thì trên đầu nằm mới có tượng một nhà sư. Dường như người chết có vẻ gì hối hận vì tu quá trễ, khi còn trai trẻ, khi còn minh mẫn, mắt sáng tai nghe lại lo toan những điều gì đấy để cuối cùng xác thân tan rữa làm mồi cho bầy quạ đen kinh khủng. Tôi leo miệt mài như thế trong tiếng lá xạc xào, ánh trăng dìu dịu rọi trên những bóng tháp trầm ngâm, rọi nghiêng chân đồi ảo ảo, cho đến khi tưởng sắp ngất đi thì đằng trước, trên cao chót vót, một màu sáng trắng chói lòa soi sáng một cung điện với những hàng cột vuông lấp lánh màu xanh ngọc bích hiện ra.
Tôi đã tới đỉnh đồi! Trên một khoảng đất bằng phẳng rộng rãi, những hàng cột vuông xanh ngọc chống đỡ các lớp mái che hình vòm nối nhau trên một điện Phật vuông vắn, ở bốn mặt đều tôn trí tượng Phật ngồi, tay phải để ngang đùi, bàn tay trái đụng mặt đất chứng minh sự thành đạo, ánh đèn màu lấp lánh linh động soi đôi mắt Phật buồn buồn (mấy hôm sau đi các chùa khác tôi đều thấy đôi mắt và cả khuôn mặt của Phật Miến Điện buồn, không mỉm cười ‘niêm hoa vi tiếu’ như các tôn tượng trong các thiền viện ở Việt Nam). Xung quanh tháp thờ vuông vức là bốn dãy hành lang rộng, mở toang bầu trời bát ngát và nhìn xuống cả một cổ thành Mandalay bằng phẳng. Trên bờ tường người ta dựng những cột tháp cao cách quãng gắn nhiều chuông nhỏ, gió thổi qua và không gian tịch mịch vui lên với tiếng chuông leng keng thanh thoát. Đứng ở mép tường nhìn lên, vầng trăng khuyết thật gần, phả ánh sáng mờ dịu lên những đỉnh tháp vàng tươi, những đỉnh tháp đen đen lầm lầm, và xa dưới kia, cổ thành chìm trong một màu sáng lung linh mờ ảo.
Tôi ngồi thật lâu trước các tượng Phật Thích Ca, thỉnh thoảng có vài người vào lễ thật kính cẩn. Không thấy một tu sĩ bận áo tu nào nhưng không gian như tràn ngập lời Phật trong tiếng chuông dạt dào, như hiện những dấu chân Phật một thời trên đất lành thánh thiện.
Cầu gỗ tếch U Bein - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Tôi đã tới đỉnh đồi Mandalay! Dù nơi đây giờ đã thành một địa chỉ du lịch, đã có hàng quán lảng vảng ăn theo, đã mất nhiều không khí thiền vị của Phật môn, đã mất cái hương vị của im lặng khủng khiếp với những chiếc áo cà-sa lặng lẽ vô ngôn, nhưng hề gì, vì mỗi dấu đất tôi đang đi trên đều có chân Phật đi qua, mỗi cơn gió thổi qua nơi đây cũng là ngọn gió đã thổi bay bay màu áo hoại sắc của Phật, mỗi âm thanh của lá cũng là tiếng lời của lá hơn hai ngàn năm trước. Sự thiêng liêng có hay không tùy nơi mình quán nghĩ. Cho nên mỗi lần dập đầu xuống kính lễ tôn tượng, tôi hình dung Đức Phật và ngài Anan mỉm cười (không chừng hai ngài đang chế giễu một con người sao còn lăn lộn trong luân hồi mê mải), và bỗng thấy nghe như từ lòng đất một chấn động rền rền uy dũng của vô số Bồ-tát Tùng địa dũng xuất. Sự vĩ đại của Phật là dù biết rằng tất cả sẽ tan rã, giáo pháp sẽ tới hồi không được tôn trọng, nhưng không vì thế mà ngưng giáo hóa, theo một cách hiểu thông thường thì thà làm một điều gì còn hơn không làm gì cả. Chính sự mất niềm tin của con người vào giáo pháp đã kéo theo kiếp người tàn tạ, sự mai một của tình yêu, sự biến tướng của ngọn đồi thiêng, tất cả chứng minh sự không có của tất cả.
Hồ Taungthaman - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Tôi đi lần xuống đồi, không biết may hay rủi mà đúng lúc ấy mây đen che kín trăng non, lần mò những khúc nhiều lối đi ngang dọc nên lạc lên lạc xuống. Trời đã khuya. Khi tới ngang chỗ tượng Phật đứng đầu tiên, vẫn còn thấy người đàn ông ngồi tụng kinh thì thầm. Ánh sáng từ tượng Phật màu vàng hắt lên cả con người nhỏ bé của ông một vẻ thâm trầm, cô độc. Không có tiếng chuông và mõ, chỉ có tiếng gió và tiếng tụng kinh thầm thì. Tôi kính cẩn vái chào phía sau lưng ông như cái bắt tay với một người đồng hành quen thuộc.