Trải qua những chông chênh mới biết mình còn thương mẹ

GNO - Sinh ra, lớn lên và già đi là quy luật tự nhiên của dòng đời vạn biến. Một đời người luôn trải qua muôn vàn khó khăn gian lao và thử thách. Có người được giàu sang hạnh phúc nhưng bên cạnh đó lại có những mảnh đời bất hạnh cơ cực.

Hầu như đứa trẻ nào sinh ra và lớn lên cũng được nâng niu từ những đôi bàn tay của người cha, người mẹ nhưng tuổi thơ của tôi lại không được may mắn như những đứa trẻ khác.

Vu lan 1.jpg

Từ khi sinh ra, mới tròn 6 tháng tuổi, tôi như một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì ba mẹ đã bỏ mình mà đi. Với đôi bàn tay khô gầy, đôi bàn tay ấy đã cưu mang sự sống của nó chính là bà nội, một thân một mình nuôi tôi khôn lớn. Vậy rồi cơn bệnh hiểm nghèo ập tới đã cướp đi nội - vừa là người cha vừa là người mẹ đem tất cả tình thương dành cho đứa cháu.

Lúc lên 10 tuổi, tôi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, đã vươn lên trên tất cả để mà sống, để chống chọi với khó khăn. Ở độ tuổi đó, con nhà người ta là tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi còn với tôi là cái tuổi một thân một mình bươn chãi trong cuộc sống đầy gian khổ.

Đôi lúc tự nghĩ: “con đâu có lỗi gì tại sao ba, mẹ lại bỏ con mà đi, con ghét ba mẹ”, rồi mang sâu trong lòng nỗi oán trách... Nhưng tôi cũng luôn tự hứa với bản thân rằng sẽ sống thật tốt, học thật giỏi, tương lai tươi sáng hơn.

Vậy rồi thời gian cứ thế mà qua đi, ngày một lớn dần, suy nghĩ cũng chín chắn hơn, tôi quyết định từ bỏ tất cả để đi theo con đường xuất gia.

Bắt đầu từ đó, tôi ngộ ra được nhiều điều, trong lòng không còn buồn giận, oán trách ba mẹ nữa. Tôi đã nhận ra rằng tất cả là nghiệp mình phải trả, tôi học cảm ơn người sinh ra, cho mình hình hài này. Và rồi tôi đã liên lạc lại với ba mẹ nhưng thật sự, tình cảm của ba mẹ - tôi không cảm nhận được. Tôi cảm thấy ngại ngùng khi gọi từ “ba”, “mẹ” - có lẽ do sống quen với bàn tay nâng niu của nội, tình thương của mọi người, bản năng tự lập từ lúc nhỏ hay là sự vô tâm khi 18 năm trôi qua gặp lại ba mẹ bỗng thấy lạ lẫm chi lạ?

Ngày xuống tóc rồi tới ngày thọ giới, sư Như Minh cất lên bài thơ Vu lan khiến lòng tôi xúc động nghẹn ngào, thầm lặng thương ba mẹ nhiều lắm. Dù ba mẹ không tham dự ngày mình thọ giới nhưng tôi nghiêng mình lạy ba mẹ như thể ba mẹ vẫn ở đâu đấy.

 Cái lạy đầu tiên này, tôi cảm ơn ba mẹ đã cho nó thân hình này, cho mình trải nghiệm bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống. Cái lạy thứ hai tôi thật lòng tạ lỗi với đấng sinh thành vì chẳng bao giờ gần bên ba mẹ, nhổ tóc sâu cho ba hay bê cho mẹ ly nước, và cũng chẳng bao giờ cận kề bên ba mẹ phụng dưỡng ba mẹ lúc về già. Cái lạy cuối cùng tôi tỏ lòng hiếu kính công đức sinh thành đã sinh ra một cô con gái của Như Lai.

Trong cuộc sống người tu hành cũng đôi lúc gập ghềnh và trắc trở, có lần vấp ngã, tôi lại nghĩ vẩn vơ - cầm chiếc điện thoại gọi cho mẹ, trong đầu suy nghĩ sẽ nói rằng: “mẹ ơi con về nhà nha”, nhưng cuối cùng không làm được mà chỉ hỏi: “mẹ ơi mẹ có khỏe không?”.

Vậy rồi tôi cũng đã vượt qua tất cả, thấy ấm áp, hạnh phúc ở nơi đất khách quê người nhưng mà mỗi mùa Vu lan về trái tim cũng vỡ òa khi nghe lại bài hát Bông Hồng Cài Áo: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ, đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn... Rồi một chiều nào đó, con về, nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói, nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là con thương mẹ không?”.

Tình thương về người sinh ra mình sau tất cả chính là điều còn đọng lại mà tôi nghĩ đó cũng là kết quả của quá trình học Phật, xả ly những phiền não thường tình của con người…

Thích nữ Đức Hà
(Chùa Từ An, P.Thủy Xuân, TP.Huế)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

Từ 23-7 đến 1-8, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh Phương, Nguyện Pháp…

Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi.

Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.