Trong thời gian diễn ra Hội thảo, phóng viên Giác Ngộ online đã có cuộc trao đổi với các vị đại diện các tỉnh, thành hội đến dự Hội thảo xung quanh vấn đề hoằng pháp tại một số địa phương đặc thù.
* HT. Thích Tịnh Nhãn, Trưởng ban Hoằng pháp THPG tỉnh Bình Định
Công việc hoằng pháp tại tỉnh Bình Định đang từng bước phát triển. Mỗi quận huyện, thành phố đều có một hoặc hai ủy viên hoằng pháp để chăm lo việc hoằng pháp cho địa phương. Tuy nhiên, do Phật sự đa đoan, có vị lại thoái thác trong việc thuyết giảng.
Hiện nay toàn tỉnh có 17 đạo tràng chuyên tu Bát quan trai, niệm Phật, tụng kinh Pháp Hoa, trung bình mỗi quận huyện, thành phố có 2 đạo tràng. Để các Phật tử thấu hiểu đạo, Ban Hoằng pháp đã mở được 6 lớp giáo lý.
Ban Hoằng pháp tỉnh đang đào tạo cho lớp kế thừa, cử người đi học cũng như sẵn sàng đón nhận những vị tốt nghiệp từ trường lớp tham gia, đảm nhận những việc liên quan đến hoằng pháp với ước mong Phật tử hiểu đạo, sống đúng với đạo, Phật hóa trong gia đình.
* TT. Thích Giác Thành, Trưởng ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai
Gia Lai là một tỉnh thuộc cao nguyên Trung Phần, đất rộng người thưa, số lượng Tăng Ni, Phật tử còn rất khiêm tốn. Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 4.000 Phật tử, trong đó có khoảng 30% là Phật tử thuộc dân tộc thiểu số, tuy nhiên để hoằng pháp cho người dân tộc là cả vấn đề nan giải, đó là về ngôn ngữ, tập quán và điều kiện kinh tế.
Chúng tôi mong Ban Hoằng pháp T.Ư quan tâm hỗ trợ về nhân sự, tài chánh… để ngành hoằng pháp tỉnh Gia Lai phát triển tốt hơn. Những vị tốt nghiệp các khóa hoằng pháp cần thực tập ở vùng sâu, vùng xa, như vậy vừa hỗ trợ nhân lực, vừa tạo điều kiện cho người hoằng pháp cọ xát với thực tế. Cụ thể là, khi truyền bá cho người dân tộc, các vị giảng sư chúng ta còn rất bỡ ngỡ về phong tục, tập quán cũng như ngôn ngữ nên tự mày mò phương pháp để cho thính chúng dễ hiểu. Ban Hoằng pháp Trung ương cần có những khóa đào tạo cho Tăng Ni trẻ những khả năng hoằng pháp, khả năng ứng phó, đặc biệt là người hoằng pháp có biết được thổ ngữ, phong tục, tập quán của người dân tộc cần được truyền bá giáo pháp để thuận lợi cho việc hoằng pháp những nơi vùng sâu, vùng xa.
Mặt khác, tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, rất cần có cuộc hội thảo chuyên về hoằng pháp cho người dân tộc thiểu số. Tôi tin chắc rằng, một hội thảo chuyên đề hoằng pháp cho người dân tộc thiểu số không phải đứng trên mặt lý thuyết mà phải thật sự đi vào đời sống, đó mới thực sự là công tác phụng sự thiết thực. Trên cơ sở đó, Ban Trị sự THPG Gia Lai cũng như Ban Hoằng pháp tỉnh đã có nhiều tâm tư và nguyện vọng làm sao để có thiện duyên để tổ chức một hội thảo hoằng pháp chuyên đề về hoằng pháp cho người dân tộc. Hiện nay, chúng tôi cũng đang hoàn thiện các điều kiện để tiến hành công tác Phật sự trọng đại này. Do đó, chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo Giáo hội cũng như Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN quan tâm hỗ trợ.
* ĐĐ. Thích Chơn Lý, Trưởng ban Hoằng pháp THPG tỉnh Bình Phước
Trước hết, chúng tôi xin nói lời tri ân đến Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN cũng như BTS THPG Bình Dương đã tổ chức khóa hội thảo này. Đây là dịp để những người làm trong ngành hoằng pháp gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về công tác hoằng pháp.
Như chúng ta biết, Bình Phước là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên toàn tỉnh có rất ít Tăng Ni cũng như cơ sở tự viện, tuy nhiên tín đồ Phật tử ngày càng đông. Các khóa tu dành cho Phật tử cũng đang từng bước được hình thành. Đây cũng là cơ hội để ngành hoằng pháp tiếp cận với tín đồ Phật tử cũng như cộng đồng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cái khó khăn hiện nay của Ban Hoằng pháp tỉnh Bình Phước đó là vấn đề nhân sự. Hầu hết, việc hướng dẫn tu học cho đồng bào Phật tử trên địa bàn tỉnh Bình Phước là do các vị trụ trì tại các tự viện chủ động đảm trách. Trên cơ sở đó, chúng tôi rất mong sự hỗ trợ của Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN đối với công tác hoằng pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Cụ thể như: phân bổ các giảng sư về giảng dạy tại các đạo tràng tu học, tổ chức bồi dưỡng công tác hoằng pháp cho Tăng Ni trong Ban Hoằng pháp, kết hợp hoằng pháp và từ thiện xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số…
* ĐĐ. Thích Minh Thuận, Trưởng ban Hoằng pháp THPG tỉnh Phú Thọ
Tỉnh Phú Thọ chỉ mới thành lập Ban Trị sự vào cuối thập niên 90, Tăng Ni chưa đến 100, trong đó chỉ khoảng 20 vị có khả năng, trình độ làm việc. Phật tử có tín tâm nhưng chưa thông hiểu Phật pháp, dễ lạc vào mê tín. Gần đây, ở các tỉnh phía Bắc xuất hiện nhiều đạo phái làm xuyên tạc giáo lý Phật giáo, dẫn dụ một số Phật tử thiếu tín tâm cải đạo. Đây cũng là vấn đề trăn trở của ngành hoằng pháp nói chung.
Điều thuận lợi cho Ban Hoằng pháp tỉnh Phú Thọ là được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Trị Sự và chính quyền các cấp nên đến nay đã có 12/13 quận huyện thành lập được Ban Đại diện; 215/234 đại diện cấp xã. Tất cả các quận huyện đều tổ chức được hội nghị hoằng pháp (mỗi khóa 3 ngày).
Sắp đến, Ban Hoằng pháp sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho hoằng pháp viên, thi diễn giảng cho Phật tử có trình độ để góp phần hoằng dương Phật pháp. Vận động mọi người Phật tử sống đúng chánh pháp, Phật hóa trong gia đình để các gia đình được an lạc.
* ĐĐ. Thích Thông Hạnh, Phó ban Hoằng pháp THPG tỉnh Hậu Giang
Hiện nay, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hậu Giang vẫn chưa có văn phòng ổn định, từ đó các ban ngành cũng chưa hoạt động đều tay. Riêng với Ban Hoằng pháp, đội ngũ còn trẻ, chưa kinh nghiệm nên chưa tổ chức được những buổi thuyết giảng với hội chúng lớn.
Trong nhiệm kỳ mới, Ban Hoằng pháp sẽ đầu tư cho các khóa tu của đạo tràng Bát quan trai ở các tự viện, mở rộng thư viện đọc sách cũng như mở lớp giáo lý cho Phật tử tìm hiểu về Phật pháp, đưa giáo pháp đến những nơi xa xôi, nghèo khó.
Hy vọng trong đà phát triển chung của tỉnh Hậu Giang, những hoạt động của Ban Trị sự cũng như Ban Hoằng pháp sẽ phát triển tốt hơn.