Trà đạo

GN - Tôn Vân là một mái chùa quê ở tận miền Cần Giuộc. Đã gọi là chùa quê nên những thành viên trong chùa cũng rất thật thà, chất phác. Lần đầu tiên sư tỷ từ Trung Quốc mang về bộ kỷ trà đạo, các sư muội mắt tròn xoe, mồm há hốc:

- Là đồ chơi hả sư tỷ?

- Nhỏ vậy sao uống?

- Cái bình nhỏ xíu, cái ly tí nị, em chỉ làm một ngụm là cạn ngay!

Sư phụ cười, nói:

- Những người uống cái này chắc là rảnh rỗi lắm!

tra dao.jpg

Trà đạo - Ảnh minh họa

Được ngồi cùng sư phụ và mấy sư muội uống trà là một giấc mơ mà sư tỷ ôm ấp từ bao năm du học xa chùa. Năm nay sư tỷ có dịp trở về quê nhà ăn Tết, lòng hăm hở mang theo một bộ kỷ trà gồm trà cụ và các loại trà ngon như: Thiết Quan Âm, Trà Hồng, Long Tĩnh, Đại Hồng Pháo..., mong rằng có thể cho các sư muội mình thưởng thức một lần các danh trà mà mọi người đều ưa thích. Thế mà, giờ đây nghe sư phụ cùng mấy sư muội nói vậy, giấc mơ uống trà của tỷ dường như bị tắt ngấm.

Tết ùa về, chùa lại tất bật với bao công việc: làm mứt, gói bánh, cắt tỉa hoa kiểng, treo lồng đèn, cờ xí, cắm hoa v.v... Ôi! Bao nhiêu là công việc, thế là bộ kỷ trà âm thầm bị lãng quên trong một góc chùa.

Mãi đến sau Tết, như thường lệ, sư tỷ lên chùa dẫn chúng tụng kinh thời Tịnh độ, đến phẩm Thí dụ thứ ba trong kinh Pháp hoa, lòng nghĩ Tết đã sắp hết, việc chùa cũng không còn nhiều như hôm chưa Tết nên tỷ cố ngồi dẫn chúng tụng hết phẩm kinh, kế đó phục nguyện cả một lô một lốc tên cầu an, cầu siêu của Phật tử thập phương viếng chùa đầu năm ghi lại. Sư tỷ kết thúc buổi tụng kinh trong trạng thái mệt lả vì từ trưa đến giờ lo tất bật với các phái đoàn đến viếng chùa nên chưa có một hột cơm nào trong bụng. Vừa bước khỏi nhà Tổ, một sư muội chạy lên hét:

- Sư tỷ ơi! Thầy bảo mời tỷ xuống uống trà.

Như không tin vào tai mình, sư tỷ hỏi lại:

- Thật không?

- Dạ thật! Lúc nãy thầy dạy, khi nào sư tỷ tụng kinh xuống, mình uống trà.

Giải vội y áo, cái đói, cái mệt như vụt bay xa, sư tỷ lật đật soạn tìm bộ kỷ trà đáng thương của mình; còn sư muội thì chạy đi hái hoa sứ để trang trí cho khung cảnh thêm “thiền”. Buổi trà đạo đầu tiên của thầy trò diễn ra một cách đột ngột như thế! Thầy trò mười mấy người cùng ngồi quanh thành hình bầu dục; sư tỷ làm trà chủ, giới thiệu về trà đạo, ý nghĩa trà đạo và cách uống cũng như cách pha chế trà đạo cho thầy cùng mấy sư muội nghe. Buổi trà đạo được mở đầu bằng giọng hát trong veo dí dỏm của An Trúc, và thâm trầm sâu lắng của An Nguyệt. Chủ đề của buổi trà đạo được sư tỷ đặt ra với đề tài là: “Vì sao tôi đi tu!”.

Hớp một ngụm trà, bằng giọng nói trầm trầm êm lắng, thầy kể lại vì sao thầy đi tu. Quê thầy ở tận xứ Quảng xa xôi, hồi đó đất nước mình vừa giải phóng nên còn nghèo lắm. Gia đình thầy di dân vào thành phố, và như định số đã an bài, cả nhà thầy ở gần chùa Phật Quang. Từ đó, hàng ngày nhìn dòng người đến chùa lễ Phật tụng kinh, hạt giống bồ-đề trong lòng thầy như được tưới tẩm. Bằng chí nguyện vững vàng, thầy đã vượt qua sự cấm ngăn của gia đình và đến với đạo, xuất gia tu học. Thầy kết thúc bằng lời khuyên các đệ tử rằng: dù ở đâu, làm bất cứ việc gì, miễn lòng mình kiên định thì chư Phật và Bồ-tát sẽ gia hộ cho mình đạt được kết quả như ý muốn.

Quay sang một sư muội, sư tỷ hỏi:

- Vì sao em đi tu?

- Em đi tu vì em... thích vô Sài Gòn!

Câu trả lời thật ngây thơ của ni cô trẻ tuổi! Mười mấy năm về trước, vừa tròn 10 tuổi, cô từ Quảng Trị vào trong này tu học. Hồi đó, cô chỉ là một cô bé nhỏ xíu, ôm ước vọng vô Sài Gòn, thế nên đã vào chùa tu cho đến tận bây giờ. Thoạt nghe qua, tưởng chừng như em chẳng có chí nguyện xuất gia gì. Nhưng, với cái tuổi lên mười ấy, được lớn lên trong cảnh thiền môn, hạt giống bồ-đề trong em đã nứt mầm, nảy nở cao lớn, vươn xa.

Phía bên kia, một sư muội khác giơ tay muốn chia sẻ. Cô vốn là sinh viên đại học kinh tế vừa ra trường về xã đi làm chưa bao lâu lại phát tâm đi tu. Cô kể: hồi đó mỗi lần đi làm chạy xe ngang qua chùa, em đều “nghía” vào chùa một cái, và cứ mỗi lần “nghía” ấy, hạt giống bồ-đề trong em lại chuyển mầm, rồi đến một hôm em chợt phát hiện:

- A! Chùa này không có cổng rào! Chính vì sự phát hiện ấy đã tạo một bước đột phá trong cuộc đời em. Hôm ấy, ở lại trực ban đến gần 3 giờ sáng, em ra nói với chú bảo vệ là em đi chùa tụng công phu khuya. Thế rồi, em xách xe chạy một mạch đến chùa. Lúc này chuông thức chúng vẫn chưa đánh, chùa quê lúc ấy không cổng không rào nên em dễ dàng “đột nhập” vào chùa mà không người hay biết. Em đến đứng trên đầu nằm một sư cô chờ đợi, khiến mọi người còn đang mơ màng trong giấc chiêm bao chợt giật mình thức giấc vì “sốc”. Và rồi, những ngày sau đó em luôn tạo ra những cú sốc như thế cho thầy và quý sư cô.

Cho đến một ngày, căn lành đã chín, em vượt qua mọi thử thách để rời khỏi căn nhà thế tục, vào nhà Như Lai và mặc y Như Lai. Cũng không biết có phải vì em hay xuất hiện vào lúc đêm khuya như thế hay không mà thầy lại đặt cho em pháp danh là An Nguyệt. Nguyệt chính là mặt trăng đã soi sáng cho em trên con đường tìm về cội nguồn giác ngộ trong những đêm khuya. Năm xưa, Đức Thế Tôn ngộ đạo khi Ngài nhìn lên thấy sao Mai vừa mọc. Còn em, em giác ngộ cuộc đời về nương vào cửa Phật cũng là lúc tinh mơ như thế!

Thầy thêm vào: Hồi đó, cha mẹ An Nguyệt phản đối dữ lắm. Cha nó nói rằng: “Công tôi nuôi con ăn học lớn lên, mới tốt nghiệp chưa phụ giúp trả ơn gì cho cha mẹ giờ lại đòi đi tu, làm sao tôi chấp nhận được”. Trước lời quả quyết như đinh đóng cột đó, An Nguyệt vẫn quyết định vào chùa công quả. Qua một thời gian, An Nguyệt năn nỉ thầy thế phát. Thấy tấm lòng sắt son vì đạo đó, thầy cắn răng liều một phen dẫn An Nguyệt về nhà, xin cha mẹ nó cho nó xuất gia.

Dọc đường, thầy cứ thon thót lo sợ, sợ cha mẹ An Nguyệt nổi nóng không cho, xách gậy đuổi ra khỏi nhà. Ấy vậy mà sự việc lại diễn ra ngoài sức tưởng tượng của thầy. Thấy thầy vừa bước vào cửa, cha mẹ An Nguyệt lại niềm nở chạy ra chào đón, rót nước mời, và khi thầy đặt vấn đề xin cho An Nguyệt xuất gia, cha mẹ nó rơm rớm nước mắt nói:

- Thôi, nếu như con Thơm nó đã quyết thì tôi cũng không ngăn cản nữa!

Như trút được gánh nặng, thầy dạy An Nguyệt lạy cha mẹ trước khi cát ái từ thân. Xong, thầy bảo An Nguyệt dẫn thầy đến nhà nội, nhà ngoại nó để nó lạy ông bà. Mọi việc đều diễn ra thuận lợi. Dọc đường về nhà, ai thấy nó cũng tặc lưỡi thầm tiếc rẻ: “Đại học kinh tế vừa ra trường mà lại đi tu”. Họ đâu biết rằng dù bằng cấp học vị có cao đến đâu đi chăng nữa thì cũng vô dụng khi vô thường đến; bằng cấp học vị không giải quyết được những đau khổ sanh tử của con người. Chỉ có mảnh bằng giải thoát mà chư Phật cấp mới có thể vượt qua mọi chướng lụy của trần lao.

Liếc nhìn sang bên kia, sư tỷ phát hiện một tiểu ni đang vắt chóp sang một bên ngồi ngoẻo cổ ngủ. “Trời! Mình chế trà Thiết Quan Âm cho nó uống mà nó vẫn ngủ”. Tỷ đưa tay vào áo lần vội chiếc đồng hồ. Đã hơn 10 giờ đêm rồi, đến lúc phải kết thúc buổi trà đạo để khuya mai còn phải thức dậy lên chùa công phu. Sư tỷ tổng kết lại ý nghĩa của buổi trà đạo hôm nay, nhắc lại tình thương giữa thầy và trò.

Ngoài kia, hương sứ thoảng bay cuốn theo làn gió nhẹ. Tách trà đã cạn, ngôi sao hôm đã lên cao, tiếng côn trùng cũng đang râm ran hòa cùng âm điệu nhè nhẹ trầm trầm của sư tỷ. Buổi trà đạo kết thúc trong tình thương yêu hòa hợp, đón nhận một ngày mai tươi sáng của Ni chúng chùa Tôn Vân...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.