Tongbulgyo và hành trình đặc biệt của Phật giáo Hàn Quốc

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phật giáo Hàn Quốc giữ một vai trò quan trọng đối với Phật giáo trên toàn cầu. Điều này được đánh dấu bằng sự nỗ lực nội tại nhằm dung hòa những mâu thuẫn nhận thức trong tư tưởng Phật giáo Đại thừa của quốc gia này.

Các nhà sư đầu tiên của Hàn Quốc đã nhận ra những yếu tố không phù hợp trong các truyền thống Phật giáo nước ngoài khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào Hàn Quốc. Họ đã giải quyết vấn đề này bằng một phương thức tiếp cận toàn diện và thay đổi độc đáo để tạo ra Tongbulgyo (Thông đạt Phật giáo) nhằm làm hài hòa các mâu thuẫn và tranh chấp thông qua nguyên tắc hwajaeng (hòa tranh hay hòa hợp tranh luận), một khái niệm được hầu hết các học giả Hàn Quốc ủng hộ.

Hiện nay, truyền thống Phật giáo Thiền tông (Seon), đặc biệt là tông phái Tào Khê (Jogye) và Thái Cổ (Taego), đang rất phổ biến và chiếm ưu thế trong bối cảnh Phật giáo Hàn Quốc đương đại. Có tầm ảnh hưởng đến các truyền thống Đại thừa khác, đặc biệt là những truyền thống có liên quan chặt chẽ cũng như bắt nguồn từ giáo lý Thiền tông, Phật giáo Hàn Quốc đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa trong tư tưởng Phật giáo Đông Á.

Du nhập vào Hàn Quốc vào năm 372, Phật giáo bước đầu phải đối mặt với nhiều thách thức để hòa nhập với nền văn hóa bản địa. Phải đến thời kỳ Goryeo thì Phật giáo mới có thể phát triển đôi chút, nhưng sau đó bị chững lại trong triều đại Joseon. Chỉ khi các nhà sư Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Triều Tiên trong khoảng thời gian 1592-1598 thì cuộc đàn áp chống lại họ mới chấm dứt.

Tuy nhiên, Phật giáo vẫn tương đối trầm lắng cho đến cuối thời Joseon. Sau thời kỳ Joseon, vai trò của Phật giáo ở Hàn Quốc đã được phục hồi, đặc biệt là trong thời kỳ thuộc địa từ năm 1910 đến năm 1945, khi các tu sĩ Phật giáo không chỉ góp phần chấm dứt sự cai trị của Nhật Bản vào năm 1945 mà còn bắt tay vào những cải cách quan trọng về truyền thống và phương pháp thực hành mang đậm bản sắc văn hóa của họ. Thời kỳ này chứng kiến ​​sự trỗi dậy của hệ tư tưởng Mingung Pulgyo, hay “Phật giáo vì nhân dân”, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề hàng ngày của người dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở thời kỳ Tam quốc, Phật giáo ở Goguryeo, Baekje và Silla đã vượt ra khỏi biên giới của quốc gia. Các nhà sư Hàn Quốc đã thực hiện các chuyến hành hương đến Trung Quốc và Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI và tạo ra các tư tưởng Phật giáo rất đa dạng như Samlon, Gyeyul, Yeolban, Wonyung và Hwaeom.

Sau đó, thời kỳ Goguryeo chứng kiến phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc. Baekje trở thành một trung tâm nghiên cứu Luật tạng đầu tiên dưới thời nhà sư Gyeomik. Ban đầu, triều đại Silla đã kháng cự và đàn áp Phật giáo, nhưng cuối cùng vua Jinheung đã chấp nhận Phật giáo dưới thời ông cai trị và thời gian này cũng trở thành thiên đường cho những trí thức lỗi lạc như Jajang và Wonhyo. Sự ổn định chính trị của Silla đã tạo điều kiện cho một kỷ nguyên hưng thịnh của nền Phật học Hàn Quốc, với các nhân vật nổi tiếng như Wonhyo và Uisang cũng như sự thống trị của trường phái Beopseong, không chỉ ảnh hưởng đến Phật giáo Hàn Quốc mà còn cả Phật giáo Trung Quốc và Tây Tạng.

Sau Thế chiến thứ II, Phật giáo Thiền tông đã thực sự hồi sinh với khoảng một phần tư người Hàn Quốc được xác định là Phật tử trong một cuộc khảo sát vào năm 2005. Tuy nhiên, con số đó có thể nhiều hơn thế bởi vì sự khảo sát vẫn còn hạn chế. Ngoài việc trở thành một tôn giáo chính thức, thì Phật giáo ở quốc gia này đã trở thành một nền tảng triết học và văn hóa có ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của xã hội.

Trong thời hiện đại, Thiền tông, đặc biệt là tông phái Tào Khê đã bao trùm hầu như toàn bộ cảnh quan của Phật giáo Hàn Quốc. Phương pháp thực hành của tông phái này bắt nguồn từ cách tiếp cận tích hợp của Jinul, duy trì sự cân bằng giữa thiền tập và nghiên cứu các bản kinh văn của Phật giáo. Chỉ có một số ít Tăng sĩ và tín đồ theo các tư tưởng của Phật giáo Thái Cổ với mục đích bảo tồn nghệ thuật của Phật giáo truyền thống.

Mặc dù ngày càng đối mặt với nhiều thách thức và sự du nhập của các tư tưởng văn hóa phương Tây, nhưng bản chất của Phật giáo Hàn Quốc vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay. Sự tương tác đa dạng giữa truyền thống, triết học và văn hóa đã hình thành nên Phật giáo Hàn Quốc mang đậm bản sắc của quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.