Tổng luận ý nghĩa bốn sinh đạo

NSGN - Bốn sinh đạo là giáo nghĩa được đề cập xuyên suốt từ truyền thống Phật giáo sơ kỳ: các kinh Nikāya và các A-hàm Hán dịch, cho đến: Giáo nghĩa bộ phái và Phật giáo Đại thừa: điển hình là kinh Kim cương1, đại thể thống nhất về mặt ý nghĩa.


monkandmonkey.png

Danh nghĩa và xuất xứ

1- Danh nghĩa

Bốn sinh đạo là giáo nghĩa được đề cập xuyên suốt từ truyền thống Phật giáo sơ kỳ: các kinh Nikāya và các A-hàm Hán dịch, cho đến: Giáo nghĩa bộ phái và Phật giáo Đại thừa: điển hình là kinh Kim cương1, đại thể thống nhất về mặt ý nghĩa.

Định nghĩa Pāli được thấy trong Trường bộ, kinh Phúng tụng:

Catasso yoniyo - aṇḍajayoni, jalābujayoni, saṃsedajayoni, opapātikayoni2, Hán dịch tương đương: Trường A-hàm 8, kinh Chúng tập: “Lại có bốn pháp tức là bốn sinh: 1- Sinh từ trứng, 2- Sinh từ bào thai, 3- Sinh do ẩm thấp, 4- Sinh do biến hóa. Đó gọi là bốn loại sinh đạo”3. Định nghĩa Sanskrit, dẫn bởi Vasubandhu (Thế Thân) trong luận A-tì-đạt-ma Câu-xá iii: aṇḍajā yonir jarāyujā saṃsvedajā upapādukā yoniḥ, “Hữu tình sinh từ trứng, sinh từ thai, sinh từ thấp khí, sinh từ đột biến”4.

2- Từ nguyên

Về ý nghĩa từ “sinh đạo”, Câu-xá luận iii, giải thích có hai ý chính:

Sinh đạo có nghĩa là sinh loại (yonir nāma jātiḥ)5.

Tuy trong đó các chúng sinh có tương giao, pha trộn, nhưng do sự tương đồng miêu duệ mà nói là sinh đạo.

Về định nghĩa (1): Phân biệt yoni - sinh đạo với jāti - sinh loại, Thuận chánh lý 22: “Nói là sinh loại, đó là ý nghĩa của từ chúng sinh. Nếu vậy giới thú cũng được gọi là sinh”6.

Về định nghĩa (2): nguyên văn Sanskrit định nghĩa từ yoni như sau: yuvantyasyāṃ sattvā miśrībhavanti prasavasāmyād iti yoniḥ. Theo đây do động từ căn √yu: tương giao, liên kết. Quang ký 8, giải thích: “Đoạn này là nói về bốn sinh đạo, trong các hữu tình tuy có hình thái đa dạng bất đồng, pha trộn, tương giao, nhưng do tồn tại bốn sinh đạo nên có sự tương đồng giữa mỗi nhóm”7.

3- Xuất xứ

Duyên khởi của bốn sinh đạo này được Đức Phật thuyết giảng cho ngài Sāriputta (Xá-lợi Tử), trong Trung bộ I, Đại kinh sư tử hống (Mahāsīhanāda­sutta)8:

Catasso kho imā Sāriputta yoniyo. Katamā catasso. Aṇdajā yoni jalābujā yoni saṃsedajā yoni opapātikā yoni.

“Này Sāriputta, có bốn sinh đạo. Những gì là bốn? Sinh đạo sinh từ trứng, sinh đạo sinh từ thai, sinh đạo sinh từ thấp khí, sinh đạo sinh từ đột biến”.

Đoạn kinh tương đương trong Hán tạng thuộc kinh Tăng nhất A-hàm 17, bốn pháp, phẩm Tứ đế, kinh số 59.

Hình thái sinh đạo

1- Noãn sinh

Noãn sinh 卵生, Skt.aṇḍa-jā yoniḥ (Tib. sgo nga las skye ba’i gnas; Pāli aṇḍa-ja): sinh đạo noãn sinh, do aṇḍajā làm hình dung từ, giống đực, số nhiều, biến cách 1. Nominative (chủ thuộc): sinh từ trứng; Anh dịch: Born from eggs, egg-born.

Định nghĩa theo kinh tạng Pāli (ibid.)10:

Katamā ca Sāriputta aṇdajā yoni. Ye kho te Sāriputta sattā aṇdakosaṃ abhinibbhijja jāyanti. Ayaṃ vuccati Sāriputta aṇdajā yoni.

“Này Sāriputta, thế nào là sinh đạo sinh từ trứng? Này Sāriputta, các loại chúng sinh phá vỡ vỏ trứng mà sinh, này Sāriputta như thế gọi là sinh đạo sinh từ trứng”.

Định nghĩa tương tự cũng thấy trong Tăng nhất A-hàm 17 (ibid.):

“Thế nào là sinh từ trứng? Sinh ra từ trứng, các loại như gà, chim, quạ, bồ câu, khổng tước, rắn, cá, kiến; thảy đều là sinh từ trứng. Đó gọi là sinh từ trứng”11.

Ngài Vasubandhu giải thích trong Câu-xá luận iii:

aṇḍajā yoniḥ katamā? ye sattvā aṇḍebhyo jāyante, tad yathā-haṃsakroñcacakravākamayūraśukaśārikādayaḥ.

“Sinh đạo sinh từ trứng là thế nào? Đó là các loài chúng sinh được sản sinh từ trứng; như ngỗng, công, anh vũ, nhạn, v.v...”
12

Như vậy, định nghĩa vắn tắt, noãn sinh là các loài sinh ra từ trứng, phá vỡ vỏ trứng mà xuất hiện giữa thế gian.

2- Thai sinh

Thai sinh 胎生, Skt. jarāyujā yoniḥ (Tib. mngal nas skye ba’i skye gnas, Pāli jalābu-ja): sinh đạo thai sinh, do jarāyu-ja làm hình dung từ, giống đực, số nhiều, biến cách 1. Nominative: sinh từ thai. Anh dịch: Uterine birth, born from a womb.

Định nghĩa theo kinh tạng Pāli (ibid.)13:

Katamā ca Sāriputta jalābujā yoni. Ye kho te Sāriputta sattā vatthikosaṃ abhinibbhijja jāyanti. Ayaṃ vuccati Sāriputta jalābujā yoni.

“Và này Sāriputta, thế nào là sinh đạo thai sinh? Này Sāriputta, các loại chúng sinh nào phá bọc thai mà sinh ra, này Sāriputta, như vậy gọi là sinh đạo thai sinh”.

Định nghĩa tương tự cũng thấy trong Tăng nhất A-hàm 17 (ibid.):

“Thế nào là sinh từ thai? Người cùng súc sinh, đến loài vật hai chân. Đó gọi là sinh từ thai”.

Ngài Vasubandhu giải thích trong Câu-xá luận iii như sau:

jarāyujā yoniḥ katamā? ye sattvā jarāyor jāyante, tad yathā - hastyaśvagomahiṣakharavarāhādayaḥ.

 “Thế nào là sinh đạo sinh từ thai? Đó là các loài hữu tình được sinh sản từ thai bào; như voi, ngựa, bò, trâu, heo, dê, lừa v.v..”
14

Trong đây cần nói thêm cụm từ “thai bào”, từ Sanskrit là jarāyu: rắn lột xác, bao ngoài của thai, thai bào hay thai mô. Huyền Tráng dịch: Thai tạng 胎藏. Từ này, Yaśomitra trong Sphuṭārthā Abhidharmakośavyākhyā giải thích: jarāyuryena mātuḥ kukṣau garbho veṣṭitas tiṣṭhati, “từ jarāyur: tồn tại với tử cung được bọc trong hốc bụng của mẹ”15.

3- Thấp sinh

Thấp sinh 濕生, Skt.saṃsveda-jā yoniḥ (Tib. drod gsher las skye ba’i skye gnas, Pāli saṃseda-ja): sinh đạo thấp sinh, dosaṃsveda-ja làm hình dung từ, giống đực, số nhiều, biến cách 1. Nominative: sinh từ thấp khí. Anh dịch:Born from moisture, moisture-born.

Từ Skt.saṃsveda (Pālisaṃveda), nghĩa đen: sự đổ mồ hôi, xuất hản. Nội hàm hiểu gọi theo y khoa hiện đại: sản sinh vô tính, tức không phải sinh ra từ sự tương giao giữa tinh huyết cha mẹ.

Về loài người thấp sinh, ngài Vasubandhu ghi nhận rằng: “Truyền thuyết nói, thời kiếp sơ, vua Māndhātar (Mạn-đà-la), sinh ra từ một cục u (piṭaka) trên đầu vua Upoṣadha”16.

Định nghĩa theo kinh tạng Pāli (ibid.)17:

Katamā ca Sāriputta saṃsedajā yoni. Ye kho te Sāriputta sattā pūtimacche vā jāyanti pūtikuṇape vā pūtikummāse vā candanikāya vā oḷigalle vā jāyanti. Ayaṃ vuccati Sāriputta saṃsedajā yoni.

“Và này Sāriputta, thế nào là sinh đạo thấp sinh? Này Sāriputta, chúng sinh nào sinh ra trong cá ươn, từ xác chết rửa thối, từ cháo thiu thối, trong mương rãnh, hay trong vũng nước bẩn. Này Sāriputta, như vậy gọi là sinh đạo thấp sinh”
.

Tăng nhất A-hàm 17 (ibid.), đọc là nhân duyên sinh 因緣生, được hiểu là sinh ra từ nguyên nhân và điều kiện:

“Thế nào là sinh từ nhân duyên? Những con trùng được sinh từ trong thịt rữa, trùng trong nhà xí, trùng trong thây chết; thảy đều được gọi là sinh từ nhân duyên”18.

Ngài Vasubandhu giải thích trong Câu-xá luận iii:

saṃsvedajā yoniḥ katamā? ye sattvā bhūtasaṃsvedāj jāyante, tad yathā - kṛmikīṭapataṅgamaśakādayaḥ19.

“Thế nào là sinh đạo sinh từ thấp khí? Đó là các loại hữu tình sinh từ sự xuất hãn như côn trùng, bướm, muỗi, mòng các thứ”.

Về sinh đạo thấp sinh (saṃsveda), Yaśomitra minh giải trong Sphuṭārthā Abhidharmakośavyākhyānhư sau:pṛthivyādīnāṃ saṃsvedād dravatvalakṣaṇāj jātā, “được sản sinh từ sự xuất hãn (thấp khí), từ trạng thái dịch thể (lưu động) của các đại chủng như đất chẳng hạn”.

Sinh đạo này còn được gọi là “hàn nhiệt hòa hiệp sinh 寒熱和合生”: sản sinh từ sự hòa hợp giữa nóng và lạnh20.


4- Hóa sinh

Hóa sinh 化生, Skt. aupapādukā yoniḥ (Tib. rdzus te skye ba’i gnas, Pāli opapātika): sinh đạo hóa sinh, do aupapāduka làm hình dung từ, giống đực, số nhiều, biến cách 1. Nominative: sinh từ đột biến. Anh dịch:born from oneself, miraculously born.

Định nghĩa theo kinh tạng Pāli (ibid.)21:

Katamā ca Sāriputta opapātikā yoni. Devā nerayikā ekacce ca manussā ekacce ca vinipātikā. Ayaṃ vuccati Sāriputta opapātikā yoni.

“Và này Sāriputta, thế nào là sinh đạo hóa sinh? Chư Thiên, chúng sinh địa ngục, một phần loài người và một phần đọa ác xứ. Này Sāriputta, đây được nói là sinh đạo hóa sinh”.

Định nghĩa tương tự cũng thấy trong Tăng nhất A-hàm 17 (ibid.):

“Thế nào là sinh từ hóa? Đó là các loại trời, địa ngục, ngạ quỷ, hoặc người, hoặc súc sinh. Đó gọi là sinh từ hóa”22.

Ngài Vasubandhu giải thích trong Câu-xá luận iii như sau:

upapādukā yoniḥ katamā? ye sattvā avikalā ahīnendriyāḥ sarvāṅgapratyaṅgopetāḥ sakṛdupajāyante. ata eva upapadāne sādhukāritvād ‘upapādukāḥ’ ityucyante, tadyathā - devanārakāntarābhavikādayaḥ23.

“Thế nào là sinh đạo sinh từ đột biến? Các loài chúng sinh sinh ra nhất loạt đầy đủ không khiếm khuyết các căn, các chi, mà không tựa gá vào đâu, không có mà hốt nhiên hiện hữu: như chư thiên, chúng sinh nơi địa ngục và trung hữu v.v..”

Trong đoạn văn này, cụm từ upapadāne sādhukāritvād, cũng được dịch là “do sự tác thành hoàn hảo trong khi thọ sinh”.

Phân loại sinh đạo

Theo giải thích của ngài Vasubandhu trong luận Câu-xá iii, loài người và bàng sinh có đầy đủ cả bốn sinh đạo nói trên24.

1- Sinh đạo liên hệ đến nhân thú

(1) Loài người sinh từ trứng(aṇḍajāstāvad): “Như hai Tỷ-khưu Thế-la và Ưu-bà-thế-la sinh từ trứng của chim hạc; ba mươi hai người con của Lộc Mẫu; năm trăm người con của vua Ban-già-la”25.

Về thân thế hai vị Thượng tọa (śailopaśailau sthavirau), theo luậnTì-bà-sa: “Thuở xưa, trong châu này có người lái buôn vào biển bắt được một con hạc cái, hình sắc xinh đẹp kỳ lạ, lấy làm thích thú, nhân đó sinh ra hai quả trứng. Về sau trứng nở sinh hai cậu bé, xinh đẹp và thông minh. Lớn lên xuất gia, cả hai đều đắc quả A-la-hán. Người nhỏ tên là Ưu-ba-thế-la (Upaśaila); người lớn tên là Thế-la (Śaila)”26.

Về thân thế của Lộc Mẫu, tên Sanskrit là Mṛgāramātu (Pāli Migāramātu), biệt danh của bà Visākhā, Hán cũng dịch: Lộc Tử Mẫu 鹿子母. Migāra là bố chồng. Do nhờ bà mà ông được nghe Phật thuyết pháp và đắc quả Dự lưu, nên ông kính trọng bà như là mẹ. Do đó, bà có biệt danh này. Theo thư tịch Pāli, bà có mười người con trai và 10 con gái; không thấy nói đến truyền thuyết sinh trứng. Truyền thuyết này được kể trong nguồn văn học Tây Tạng, có thể đọc trong Tibetan tales derived from Indian sources, dịch từ Tạng ngữ bởi F.Anton von Schiefner, và từ tiếng Đức sang tiếng Anh bởi W.R.S. Ralston.

Về năm trăm người con của vua Ban-già-la (Pañcālarāja), Yaśomitra ghi nhận trong Abhidharmakośavyākhyā: “Vương phi của vua, bà Mahādevī sinh 500 quả trứng. Vua cho hết vào trong hòm rồi thả xuống sông Hằng. Vương phi của vua Licchavi đi tắm, trông thấy bèn vớt lên, trong hòm có 500 đồng tử”27.

(2) Loài người sinh từ thai (jarāyujāḥ): như nhân loại thời hiện nay28.

(3) Loài người sinh từ thấp khí (saṃsvedajāḥ): như Mạn-đà-la, Già-lô và Ô-ba-già-lô, Cáp Man, Am-la-vệ v.v...29

Ý nghĩa này Yaśomitra giải thích:

“1. Theo truyền thuyết, Māndhātṛ sinh ra từ mụt nhọt trên đầu của vua Upoṣadha.

2. Truyền thuyết cũng nói, trên đầu gối vua Māndhātṛ nổi lên hai cục bướu, sau đó vỡ ra hai đồng từ, đó là Caru và Upacaru.

3. Trên ngực vua Brahmadatta nổi lên cục bướu, sau đó vỡ ra, sinh ra người con gái, đó là Kapotamālinī”30.

(4) Loài người sinh từ sự đột biến(upapādukāḥ): Duy chỉ loài người trong thời kiếp sơ31.

2- Sinh đạo liên hệ các hình thái tồn tại khác

- Đối với bàng sinh: “Ba loại sinh đầu, ai cũng có thể thấy biết được; về hóa sinh thì có rồng, yết-lộ-trà v.v...”32

- Đối với tất cả địa ngục, chư thiên và trung hữu: “Duy chỉ có sinh do đột biến”33.

- Đối với quỷ giới: “Thông cả hai, sinh từ thai và sinh từ đột biến”34.

Câu-xá Quang ký giải thích điểm này như sau: tính chất của noãn và thai sinh nhiều ngu si; quỷ không có noãn và thai vì phần nhiều thông minh.

Luận Câu-xá iii ghi nhận trường hợp sinh từ thai như nữ quỷ thưa với ngài Mục-liên35:

pañca putrānahaṃ rātrau divā pañcā tathā parān,

bhakṣayāmi janitvā tān nāsti tṛptistathāpi me.

“Đêm tôi sinh năm con,

Ngày cũng sinh năm đứa.

Sinh được đứa nào ăn đứa đó,

Ăn hết vẫn không thấy no”.

Đoạn văn này cũng được dẫn bởi luận Tì-bà-sa36 và Petavatthu của văn hệ Pāli37. Ngoài ra cũng được thấy trong Lý thú lục ba-la-mật 3. Từ đó, Yaśomitra đi đến kết luận rằng: “Điều này chứng tỏ chúng do hóa sinh; nếu là thai sinh thì ăn tất phải no”38.

Sinh đạo tối thắng

Trong tất cả bốn loại, loại sinh đạo tối thắng, theo ngài Vasubandhu: “Tối thắng chỉ là loại hóa sinh”39.

Nhưng vấn nạn khác được nêu ra: Bồ-tát tối hậu thân được thọ sinh tự tại, nhưng sao lại thọ sinh từ thai40? Điểm này được thảo luận trong Phân biệt thế gian của Câu-xá luận:

“(1) Bởi vì Bồ-tát thị hiện thọ sinh từ thai có đại lợi ích, chính là dẫn dắt thân quyến và thân cận thuộc đại tộc Thích-ca đi vào Chánh pháp.

Lại nữa, giúp cho những người khác biết được Bồ-tát sinh từ dòng tộc Chuyển luân vương mà phát sinh tâm kính mộ, nhân đó mà bỏ tà đạo, hướng đến Chánh pháp.

Lại khiến cho hữu tình cần được hóa độ sinh khởi tăng thượng tâm: Vị ấy cũng là con người mà có thể thành tựu mục đích lớn, chúng ta cũng là con người, sao không thể nhân đây mà khởi sinh chánh cần chuyên tu Chánh pháp?

Vả lại, nếu không như thế thì khó mà biết được chủng tính của ngài, e khiến nghi vực: ‘Con người huyễn hóa này là ai? Là trời hay quỷ?’ Như các ngoài đạo đặt điều xuyên tạc nói: ‘Hơn một trăm kiếp về sau trên thế gian sẽ xuất hiện một nhà đại huyễn thuật bằng huyễn thuật mà ăn nuốt thế gian này’.

Do đó, Bồ-tát đã chọn loại thai sinh để chấm dứt các điều xuyên tạc này.

(2) Có luận sư cho rằng Bồ-tát chọn loại thai sinh với mục đích lưu lại thân giới để cho vô lượng người và các loài khác do nhờ một phen hưng khởi hiến cúng mà sinh vào thiên giới đến hàng nghìn lần và chứng nghiệm giải thoát. Nếu chọn cách hóa sinh, do không có chủng tử ngoại giới, thân thể khi vừa rã sẽ không còn lưu lại hình tích gì, như ngọn đèn khi tắt thì không còn thấy gì.Nếu ai tin rằng Đức Phật có thần thông trì nguyện có thể bảo lưu thân một thời gian dài, thì giải thích (2) trên đây bất thành”41.

Cũng cần nói thêm, trong bốn sinh đạo, loại có nhiều chúng sinh nhất chính là loại hóa sinh42. Ngài Vasubandhu lý giải: “Vì gồm toàn bộ hai thú, một phần của ba thú, và tất cả trung hữu đều thuộc loại hóa sinh”43. Nói rõ, toàn bộ hai thú tức địa ngục và chư thiên; một phần của ba thú tức bàng sinh, quỷ giới và loài người.

Kết luận

Kinh nói: “Các Tỳ-khưu lìa bỏ bốn loại sinh này, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bốn đế. Các Tỳ-khưu, hãy học điều này như vậy”44.

Đức Phật dạy các vị Tỷ-khưu từ bỏ bốn sinh loại này, nghĩa là từ bỏ mọi hình thái của sinh tử, mọi dấu hiệu của phiền não, hay mọi biểu hiện của khổ đau, muốn thực hiện được mục đích lớn này, đòi hỏi hành giả Phật giáo phải học và tìm hiểu giáo nghĩa bốn Thánh đế: Đây là Thánh đế về sự khổ, đây là Thánh đế về tập khởi của khổ, đây là Thánh đếvề sự diệt tận tập khởi của khổ, đây là Thánh đế về con đường đưa đến sự chấm dứt khổ, đó chính là bốn Sự thật của bậc Thánh được Như Lai Thế Tôn tuyên thuyết từ nơi bản thể tịch tĩnh của đại Niết-bàn. Những ai thành tựu pháp môn này, có khả năng chấm dứt sự sinh, dẫn đến Bồ-đề giải thoát. Khi sự sinh đã chấm dứt rồi, thì sự diệt cũng vắng bóng theo, một khi sự sinh và diệt đều an tĩnh, tức khắchành giả chứng nghiệm pháp tính: không sinh-không diệt, an trú hoàn toàn trong Không tính. Nếu hành trì và thể nghiệm được như vậy, hành giả sẽ tự tại thả bước thong dong trong ba cõi: “Hiện thân cát bụi vào muôn nẻo, chữa bệnh trầm kha khắp mọi loài”. (Ôn Trí Thủ).

Phước Nguyên

_______________

(1) Vajracchedikā:aṇḍajāvājarāyujāvāsaṃsvedajāvāaupapāduka. Kim cương (La-thập), tr. 749a6: 若卵生,若胎生,若濕生,若化生.

(2) PTS, D. iii. 230.

(3) Trường 8, tr. 50c8, 四生 tứ sinh: 卵生 noãn sinh, 胎生 thai sinh, 濕生 thấp sinh, 化生 hóa sinh. Bản dịch Việt, Trường A-hàm 1, Tuệ Sỹ dịch (2012), tr. 334.

(4) Hán dịch, Câu-xá 8, tr. 43c24: 謂有情類卵生胎生濕生化生.

(5) Ibid., tr. 43c25: 生謂生類. (6) T29, no. 1562, tr. 467a16: 言生類者, 是眾生義. 若爾, 界趣應亦名生.

(7) T41, no. 1821, tr. 155b5-7: 諸有情中, 雖有種種形貌不同, 餘類, 相雜,而由四生種類各等.

(8) PTS, MN. i. 68: Mahāsīhanāda.

(9) Tăng nhất 17, tr. 632a8: 有此四生. 云何為四? 所謂卵生, 胎生, 濕生,化生.

(10) PTS, ibid. (R.i.73), Mahāsīhanāda.

(11) Tăng nhất 17, tr. 632a9: 彼云何名為卵生?所謂卵生者,鷄、雀、烏、鵲、孔雀、蛇、魚、蟻子之屬,皆是卵生。是謂名為卵生。Bản Việt, TT.Đức Thắng dịch, TT.Tuệ Sỹ hiệu chú (2017), Tăng nhất A-hàm 2, tr. 17.

(12) Hán dịch, Câu-xá 8, tr.43c27:“云何胎生?謂有情類生從胎藏是名胎生,如象馬牛猪羊驢等”.

(13) PTS, ibid. (M.i.73), Mahāsīhanāda.

(14) Hán dịch, Câu-xá 8, tr.43c27:云何胎生?謂有情類生從胎藏是名胎生,如象馬牛猪羊驢等.

(15) Abhidh-k-vy 265 (III.8cd, 9; Tib. 254b).Unrai Wogihara: Sphuṭārthā Abhidharmakośavyākhyā by Yaśomitra, Tokyo 1932-1936.

(16) Câu-xá 28, tr. 44a. (17) PTS, ibid. (M.i.73), Mahāsīhanāda. (18)Tăng nhất 17, tr. 632a13: 彼云何名為因緣生?所謂腐肉中虫、廁中虫、如尸中虫。如是之屬,皆名為因緣生.

(19) Câu-xá 8, tr.43c29:云何濕生?謂有情類生從濕氣是名濕生,如虫飛蛾蚊蚰蜒等.

(20) Chư kinh yếu tập 12, tr. 112c13; Pháp uyển châu lâm 72, tr. 830a6.

(21) PTS, ibid. (M.i.73), Mahāsīhanāda.

(22) Tăng nhất 17, tr.632a15: 彼云何名為化生?所謂諸天、大地獄、餓鬼、若人、若畜生,是謂名為化生.

(23) Câu-xá 8, tr.44a1:云何化生?謂有情類生無所託是名化生,如那落迦、天、中有等.

(24) Kośa iii:ityāha-caturdhā naratiryañcaḥ.

(25) Kośa iii: yathā kroñcīniryātau śailopaśailau sthavirau, mṛgāramātuśca dvārtriṃśat putrāḥ, pañcālarājasya ca pañca putraśatāni.

(26) Quyển 120, tr. 26c24.

(27) Abhidh-k-vy (III.8cd, 9; Tib. 254b): tasya mahādevyāḥ paṃcāṇḍaśatāni jātāni. tena rājñā maṃjūṣāyāṃ prakṣipya gaṃgāyām avavāhitāni. licchavirājena sāṃtaḥpureṇa snāyatā sā maṃjūṣohyamānā dṛṣṭā udghāṭitā ca.

(28) Kośa iii: yathedānīm.

(29) Kośa iii: tadyathā māndhātṛcārūpacārukapotamālinyāmrapālyādayaḥ.

(30) Abhidh-k-vy, ibid.: rājñaḥ khalv api māṃdhātur jānūpari piṭakau jātau tayor vṛddher anvayāt pūrvavad yāvad dārakau jātau. tāv imau cārūpacārau. brahmadattasya kila rājña urasi piṭako jātaḥ. tasya vṛddher anvayāt pūrvavad yāvad dārikā jātā. seyaṃ. kapotamālinīti.

(31) Kośa iii: punaḥ prāthamakalpikāḥ.

(32) Kośa iii:evaṃ tiryañco’pi caturvidhāḥ- trividhā dṛśyanta eva, upapādukāstu suparṇīprabhṛtayaḥ.

(33) Kośa iii: nārakā upapādukāḥ| antarābhavadevāśca, sarve nārakā antarābhavikāḥ| devāścopapadukā eva.

(34) Kośa iii: pretā api jarāyujāḥ, apiśabdādapyupapādukā iti.

(35) Kośa iii: āyuṣmate mahāmaudgalyāyanāya pretī nivedayate.

(36) Quyển 120, tr. 626c22.

(37) Petavatthu 1.28: Kālena pañca puttāni, sāyaṃ pañca punāpare; Vijāyitvāna khādāmi, tepi nā honti me alaṃ.

(38) Abhidh-k-vy 265 (III.8cd, 9).

(39) Kośa iii: katamā yoniḥ sarvasādhvī? Upapādukā.

(40) Vấn nạn nêu ra trong Câu-xá iii: “atha kim arthaṃ caramabhaviko bodhisattvaḥ prāptopapattivaśitve’pi jarāyujāṃ yoniṃ bhajate?”

(41) Kośa iii, Hán dịch, Câu-xá 8, tr. 44a15.

(42) Cf. Kośa iii: katamā yoniḥ sarvabahvī? upapādukaiva

(43) Cf. Kośa iii: sā hi dve gatī- tisṛṇāṃ ca pradeśaḥ, sarve cāntarābhavikā iti||9||

(44)Tăng nhất (Bản dịch Việt, ibid.), tr. 17.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.