Tôn kính Đức Phật

Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đức Phật là một bậc vô song, trải qua hơn 2.500 năm và mãi về sau , mọi người, đều thể hiện lòng tôn kính: lễ lạy, cúi đầu, tụng niệm, xưng tán hồng danh Phật… và nhập tâm Phật. Phần đông Phật tử đều có không gian thờ Phật trong nhà.

Trở về thời Đức Phật, không có gì ghi dấu, không có gì làm hình tượng, thì đệ tử của Ngài hướng về Ngài như thế nào, một khi Ngài nhập Niết-bàn? Ngài A Nan, một bậc thông tuệ với trí nhớ phi thường, đã thưa với Đức Phật, và Như Lai đã dạy:

Này A Nan, có bốn nơi mà người có lòng thành kính nên đến chiêm ngưỡng và tôn kính. Bốn nơi đó là gì?

Tại đây, Như Lai đã ra đời! A Nan, đây là nơi mà người có lòng thành kính nên đến viếng thăm và chiêm ngưỡng với lòng tôn kính.

Tại đây, Như Lai đã đạt giác ngộ viên mãn, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác! Này A Nan, đây là nơi mà người có lòng thành kính nên đến chiêm ngưỡng và tôn kính.

Tại đây, Như Lai chuyển bánh xe Pháp vô song! Này A Nan, đây là nơi mà người có lòng thành kính nên đến viếng thăm và chiêm ngưỡng với lòng tôn kính.

Tại đây, Như Lai đã nhập Niết-bàn, nơi không còn yếu tố bám víu nào nữa! Này A Nan, đây là nơi mà người có lòng thành kính nên đến viếng thăm và chiêm ngưỡng với lòng tôn kính.

Này A Nan, đây là bốn nơi mà một người có lòng thành kính nên đến thăm và chiêm ngưỡng với lòng tôn kính. Và thực sự sẽ đến những nơi này, A Nan, các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni có lòng thành kính, nam và nữ cư sĩ, suy ngẫm rằng: ‘Ở đây Như Lai đã sinh ra! Ở đây Như Lai đã trở thành vị giác ngộ hoàn toàn trong sự giác ngộ vô song, tối thượng! Ở đây Như Lai đã chuyển bánh xe Pháp vô song! Ở đây Như Lai đã nhập diệt vào Niết-bàn trong đó không còn yếu tố bám víu nào nữa!’”.

Đức Phật cũng tán thành xây bảo tháp. “Này A Nan, một Như Lai, một A-la-hán, một Đấng Toàn giác xứng đáng với một bảo tháp? Bởi vì, A Nan, khi nghĩ rằng: ‘Đây là bảo tháp của Đức Thế Tôn, A-la-hán, Đấng Toàn giác!’, tâm của nhiều người sẽ được bình an và trở nên vui vẻ; và khi bình an như vậy, tâm của họ được vững vàng với niềm tin, và khi thân hoại mạng chung, họ sẽ được tái sinh vào cõi an lạc của thiên giới”.

Trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử, đạo Phật phát triển cả ở phía Bắc và phía Nam, trải rộng ra Đông Tây, nhưng ở chính Ấn Độ, đạo Phật rực rỡ rồi suy tàn, và các thắng tích tưởng như biến mất trên bản đồ thế giới. Nhưng hơn ngàn năm sau, Tứ động tâm vẫn còn đó và xuất hiện trở lại, tuy kiến trúc xưa không còn nữa nhưng sự thiêng liêng lại tăng lên bội phần, và người hành hương lại càng tưởng nhớ đến Đức Phật, đúng như lời dạy của Như Lai cho ngài A Nan.

Các thế hệ Phật tử sau này đã biết tạc tượng để tưởng nhớ đến Phật. Tượng Phật xuất hiện từ khi nào? Chưa rõ thời điểm chính xác và ở đâu, nhưng hình tượng Phật đã được khắc trên đá, trong hang động, mà nổi bật ngày nay là hệ thống hang động Đôn Hoàng ở Trung Quốc (hang động sớm nhất là từ năm 366). Ngoài ra, tại vùng đất Gandhāra (thuộc Pakistan ngày nay), người ta đã khám phá tượng Phật bằng đá.

Qua dòng chảy của lịch sử, đạo Phật có lúc thăng, lúc trầm, nhưng ngày nay, sự phát triển và lan tỏa đạo pháp đã khắp toàn cầu, và từ thuở đệ tử của Ngài tưởng nhớ đến Ngài bằng cách hành hương đến 4 Thánh địa và bảo tháp, cho đến nay, Phật đã hiển hiện ở tu viện, chùa, tịnh thất, tư gia cùng khắp trên thế giới, với tượng Phật và Bồ-tát đầy mỹ thuật và trang nghiêm.

Nhưng thật kỳ diệu, Như Lai như đã thấy trước viễn cảnh đó, và đã bảo Ngài A Nan:

“Này A Nan, không phải như vậy mà Như Lai được vinh danh, tôn kính và sùng bái ở mức độ cao nhất. Nhưng, này A Nan, bất kỳ Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni, nam hay nữ cư sĩ nào, tuân thủ giáo pháp, sống ngay thẳng trong giáo pháp, đi theo con đường của giáo pháp, thì chính bởi người như vậy mà Như Lai được vinh danh, tôn kính và sùng bái ở mức độ cao nhất. Do đó, A Nan, các ngươi nên rèn luyện bản thân như vậy: ‘Chúng ta sẽ tuân thủ giáo pháp, sống ngay thẳng trong giáo pháp, đi theo con đường của giáo pháp’”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.