Pháp cú có tất cả 423 bài kệ, nguyên gốc là từ ngôn ngữ Pali, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Sau đây là bài kệ thứ 376, dịch ra tiếng Việt:
“Giao thiệp khéo thân thiện,
Cử chỉ mực đoan trang.
Do vậy hưởng vui nhiều,
Sẽ dứt mọi khổ đau”.
Còn về bản tiếng Anh, có thể không chỉ có một bản; sau đây là bản dịch của Thiền sư Sujato Bhikkhu từ kinh điển Pali:
Mix with spiritual friends,
who are tireless and pure of livelihood.
Share what you have with others,
being skillful in your conduct.
And when you’re full of joy,
you’ll make an end to suffering.
Tôi xin tạm dịch:
Hòa hợp với những bạn tâm linh,
những người không nản lòng và trong sáng về sinh kế.
Chia sẻ những gì bạn có với người khác,
Khéo léo trong ứng xử.
Và khi bạn tràn đầy niềm vui,
bạn chấm dứt nỗi đau.
Đã có bản tiếng Việt, sao tôi còn tìm đến bản tiếng Anh và dịch ra tiếng Việt?
Ấy là do một nữ Phật tử phương Tây - Lynn Kelly - (có blog trên trang mạng Phật giáo Buddhanet.net), đã thẩm thấu rất nhiều bài kệ trong kinh Pháp cú (Dhammapada), trong đó có bài kệ trên, và viết cảm nhận của mình. Xin tạm dịch dưới đây.
***
Bài kệ này là một sự khuyến khích làm những gì đem lại niềm vui. Niềm vui khác với hạnh phúc; niềm vui ít phù du hơn và ít phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Khi bạn đã vun đắp tình bạn tốt với những người tốt, trái tim bạn được hưởng cảm giác ấm áp, khiến sau này bạn nhớ cảm giác đó bất cứ lúc nào. Hạnh phúc thường thường như một cơn thèm đường; chúng ta có được thứ mình muốn và gần như ngay sau đó, sự rung động qua đi và trạng thái không hài lòng thông thường của chúng ta quay trở lại.
Chia sẻ và chăm sóc trong các mối quan hệ của chúng ta đòi hỏi thời gian và chú tâm. Chúng ta có thể dần dần làm cho mọi lời nói và hành động có chủ ý hơn, suy nghĩ chín chắn hơn. Điều này đặt ra một câu hỏi kinh điển: Chúng ta có nên tốt ngay cả khi chúng ta không cảm thấy thích điều đó, hay chúng ta nên đợi cho đến khi một nguồn cảm hứng chân thành mang lại tốt đẹp đến với chúng ta? Nếu suy nghĩ thấu đáo câu hỏi này, chúng ta có thể kết luận rằng, tốt nhất là hành xử theo những cách có lợi ích khi chúng ta muốn và cả khi chúng ta không muốn.
Nếu gặp khó khăn trong việc quyết định có nên thực hiện một hành động có lợi ích hay không, chúng ta có thể lùi lại, chờ đợi và xem xét đầy đủ các lựa chọn của mình. Jack Kornfield (một nhà Phật học, một thiền sư nổi tiếng) đã từng khuyên: “Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội để bao dung”.
Điều quan trọng là chúng ta cố gắng làm cho mình ngày càng khéo léo hơn với tư cách là những người bạn. Nỗ lực này sẽ thu hút những người khác tương đồng và cũng làm sâu sắc thêm tình bạn mà chúng ta đã có.
Trong thực tập, chúng ta có thể thấy rằng việc hướng dẫn lời nói và hành động của mình theo những cách được cân nhắc sẽ mang lại niềm vui, hoặc nếu không phải là niềm vui thì cũng là một trạng thái bình yên tương đối. Chúng ta sẽ không bao giờ hối hận khi làm một hành động vô hại, vô hại cho mình và vô hại cho người; chúng ta thường sẽ hối hận khi hành động có hại hoặc bỏ lỡ cơ hội để làm điều tốt. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu chúng ta luôn hướng đến việc chấm dứt đau khổ, chắc chắn chúng ta sẽ đi theo hướng đó.