Tôn giáo của tương lai

Tôn giáo của tương lai
0:00 / 0:00
0:00
GN - Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington dự báo rằng một số tôn giáo lớn trên thế giới sẽ phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động, nhưng ngoại trừ Phật giáo, đây là một điểm đáng lưu tâm.

Bạn có thể cảm thấy điều này thật khó hiểu, nếu như vậy thì tại sao có thể gọi Phật giáo là tôn giáo của tương lai khi những gì Pew dự đoán lại hoàn toàn trái ngược.

Cuối cùng, không có một giáo lý hay khía cạnh nào của tuệ giác Phật giáo mà khoa học tiến bộ ngày nay có thể bác bỏ được, từ khái niệm luân hồi đến tánh không. Sự tái sinh trong Phật giáo hoàn toàn khác với sự mô tả của Ấn Độ giáo; Đức Phật dạy rằng không tồn tại cái được gọi là bản ngã và những gì luân chuyển từ kiếp này sang kiếp khác chỉ là thức. Vì không có gì biến mất hoàn toàn trong vũ trụ này, nó chỉ thay đổi hình thức bên ngoài, ý thức của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại và lưu chuyển.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Theo sự hiểu biết của cá nhân người viết, không có một nền khoa học nào có thể bác bỏ thuyết luân hồi của Phật giáo. Trái lại, khoa học thần kinh hiện đại cũng đã đi đến kết luận rằng không có bản ngã hay cái tôi cá nhân, điều này cũng tương ứng với học thuyết vô ngã của Phật giáo. Nhưng nếu không được học hỏi và chiêm nghiệm giáo pháp một cách sâu sắc, đa số mọi người không thể nhận ra được điều này.

Phật giáo có một kho tàng giáo lý và phương pháp tu tập phong phú đáng kinh ngạc, không những giúp hành giả đạt đến giải thoát mà còn có thể phát triển tình yêu thương và lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh; đặc biệt, những phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi, vượt thời gian, không phân biệt vùng miền hay văn hóa.

Chẳng hạn như phương pháp chánh niệm đã được mọi tầng lớp khác nhau đón nhận một cách nhiệt thành. Ngày nay, các giáo viên, học sinh, chính trị gia, ngôi sao điện ảnh, cảnh sát và cả binh lính đều tìm đến phương pháp chánh niệm với nhiều mục đích khác nhau. Ngay cả ở thế giới phương Tây, nhờ vào sự nỗ lực truyền bá chánh niệm không ngừng nghỉ của các bậc thầy, phương pháp chánh niệm đã dần dần trở thành lối sống hàng ngày của rất nhiều người.

Hơn nữa, lợi ích của phương pháp này đã được chứng minh bằng những thực nghiệm khoa học, và vì thế mà ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Ngay cả một số người theo đạo Cơ Đốc và Hindu cũng đã chấp nhận sự hấp dẫn phổ quát và sức mạnh không thể phủ nhận của phương pháp này.

Mặt khác, theo như dự đoán, các tôn giáo sẽ được truyền bá rộng rãi, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Những nền văn hóa của các quốc gia này không chỉ giữ vững truyền thống của mình mà tỷ lệ sinh rất cao giúp tạo ra một thế hệ mới tiếp nối truyền thống và văn hóa của đất nước. Một khi xã hội phát triển thịnh vượng và chất lượng giáo dục được nâng cao, mỗi người dân sẽ am hiểu về khoa học và trở nên khôn ngoan hơn.

Vì vậy, trái ngược với dự báo ở trên của Pew, giả sử phần lớn các nước trên thế giới cuối cùng sẽ bước vào câu lạc bộ mang tên “các quốc gia phát triển” và ngày càng trở nên hiện đại hóa thì khi đó, Phật giáo là tôn giáo duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhiều người mà không liên quan gì đến truyền thống hữu thần như các tôn giáo khác. Và đây cũng có thể là lý do tại sao nhà vật lý học Albert Einstein tuyên bố rằng Phật giáo là tôn giáo duy nhất tương thích với khoa học hiện đại. Dĩ nhiên, người viết không cho rằng chúng ta cần nên thay đổi Phật giáo để phù hợp với khoa khọc hiện đại, mà hơn thế nữa, Phật giáo vốn đã vượt xa cả khoa học về bản chất.

Các tu sĩ Phật giáo ở châu Á nên nhận ra vấn đề này, để không chỉ nên tập trung vào việc thực hành thiền định cho bản thân mà còn phải giảng dạy cách thực hành thiền cho cộng đồng cư sĩ, chẳng hạn như thiền Tứ niệm xứ. Những giáo lý căn bản của Phật giáo như Tứ diệu đế, Duyên khởi,… cũng nên được truyền bá rộng rãi đến công chúng để những người cư sĩ có thể hiểu được sự thật về cuộc đời và biết cách ứng phó với những khó khăn và thử thách của chính bản thân họ một cách trí tuệ.

Các khóa tu thiền dành cho nhiều đối tượng khác nhau nên được thực hiện để đón nhận tất cả mọi người, không phân biệt xuất thân, học vấn hay tình trạng kinh tế của họ. Châu Á hiện có một số lượng rất lớn người dân có trình độ học vấn cao, họ là những người có thể hiểu được những điều sâu sắc trong những lời dạy của Đức Phật, và theo người viết, họ cũng sẵn sàng thực hành thiền định hơn là chỉ muốn đi đến một ngôi chùa để thắp hương và cầu mong tiền tài, thành công hay danh vị.

Thế giới đang thay đổi với công nghệ kỹ thuật số và khả năng tiếp cận thông tin vượt trội và nhận thức của con người cũng theo đó mà đổi thay. Những gì mà mọi người mong muốn trong năm nay có thể không còn là những gì họ ước mong trong năm tới.

Ở phương Tây, các tôn giáo như Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo truyền thống đang tan biến nhanh chóng đến mức nhiều quốc gia châu Âu trở nên thế tục hóa trong hầu hết mọi khía cạnh. Một xã hội với xu hướng thế tục, không có tâm linh có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như nội tâm nghèo nàn, ít có lòng trắc ẩn, sự cảm thông và vị tha đối với người khác. Vì vậy, đã đến lúc các nhà lãnh đạo Phật giáo phải suy nghĩ lại để định hướng cách chúng ta sẽ truyền bá Phật pháp nhằm đem đến hạnh phúc và bình an cho toàn nhân loại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.