Tôi đi tu Bát quan trai

Ảnh Liễu Quán
Ảnh Liễu Quán

Mãi gần hai năm về hưu, sau khi đi chùa được   vài tháng, tôi mới biết trên địa bàn tôi từng công tác có một ngôi chùa như thế. Đó là chùa Từ Minh, thuộc phường 5, thị xã Đông Hà, Quảng Trị, do thầy Từ Chính làm trụ trì. Từ chùa Châu Quang, tôi nghe được thông tin ở chùa Từ Minh có khóa tu Bát quan trai (BQT).

Đối với tôi, cụm từ “tu BQT” thật là mới mẻ. Sau Tết Kỷ Sửu, tôi tìm đến để tìm hiểu. Ngôi chùa rất nhỏ và nằm giữa một khu dân cư đông đúc nhưng lại có địa thế thông thoáng và ưa nhìn. Chùa gồm một ngôi chánh điện ba gian với các tượng Phật rất đẹp. Bên phải có một nhà Tăng cũng ba gian, có nơi thờ Tổ và phòng tiếp khách kiêm thư viện. Phía bên kia là mấy gian bếp cũ làm cho cấu trúc chùa có hình chữ U. Nối giữa nhà Tăng và chánh điện là một cái sạp che bằng tôn, nền láng xi măng, bài trí đơn giản nhưng đầy đủ, sau này tôi biết đó là nơi để chúng ngồi niệm Phật và nghe thuyết pháp. Mái trước của chánh điện được cơi nới bằng những tấm tôn cũ, chắp nối, cho thấy chùa đang trong thời kỳ gian khổ.

 Nhưng bù lại, thái độ của mấy người (sau này tôi biết họ ở trong Ban Quản chúng) mà tôi gặp ở văn phòng lại rất niềm nở và thân thiện. Họ kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của tôi (một người hưu trí, đã cảm mến đạo, nhưng có lẽ, từ thẳm sâu vẫn còn đôi chút nghi hoặc) và mời tôi ngày 23 âm lịch đến dự khóa tu BQT đầu tiên của năm mới. Tôi đã đến và bước đầu hiểu được thế nào là tu BQT giới và được dặn dò phải giữ giới trong một ngày, một đêm. Buổi sáng, sau khi được truyền giới và ngồi niệm Phật khá lâu, tôi thú vị nhất là đến giờ ăn trưa. Mọi người vừa niệm Phật vừa lần lượt ngồi vào bàn, thực hiện các động tác cắm thìa, xoay bát, ấn quyết, nâng bát và ăn, uống… đều theo tiếng chuông và trong chánh niệm.

 Suất cơm chay vừa phải với mấy món đơn giản nhưng như một chị bạn mới quen rỉ vào tai tôi “thật là giá trị”. Ăn xong, tôi còn thích hơn nữa vì lần đầu tiên được đi kinh hành. Mọi người chắp tay, bước chầm chậm vòng quanh phía ngoài chánh điện, gót chân đặt xuống trước, miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật sao cho chữ “A” và chữ “Phật” rơi vào bàn chân phải. Sau ba vòng, mọi người lần lượt quy tập vào chánh điện, lễ lạy Phật và một số nghi thức khác rồi nghỉ trưa. Lúc này mọi người trật tự tìm bất cứ chỗ nào có thể, trải chiếu xuống đất rồi từng nhóm nằm, nói chuyện cũng nho nhỏ. Nhiều người rất dễ ngủ, chỉ một lúc sau, thậm chí họ đã ngáy. Còn tôi, những buổi trưa đó đều rất khó ngủ.

Phải hàng chục năm rồi bây giờ mỗi tháng tôi lại được nằm dưới đất một lần với ý nghĩa khác hẳn. Tôi nghĩ tới Đức Thích Ca Mâu Ni, từ một thái tử, vứt bỏ cuộc sống nhung lụa để trở thành người không nhà cửa, không vợ con, phải đi khất thực, ngồi ăn dưới gốc cây, ngủ dưới màn trời và trên chiếu đất, rồi ngồi thiền liên tục 49 ngày đêm để đắc đạo, trở thành Đức Phật, mở ra một con đường mới cho nhân loại, quần sinh. Và hôm nay đây (những ngày 23 ÂL hàng tháng chẳng hạn) tại chùa Từ Minh  và nhiều nơi khác, chúng tôi đang được hướng dẫn đặt những bước chân đầu tiên quy hướng theo con đường mà Đức Phật đã vạch ra.

Hết giờ nghỉ trưa, chúng tôi lại ngồi niệm Phật và chờ đến giờ nghe thuyết pháp. Các vị giảng sư mà chúng tôi được thọ giáo nhiều nhất là thầy Huệ Nhẫn và thầy Hải Tạng. Thầy Huệ Nhẫn có cách nói chân thật và dí dỏm bẩm sinh. Thầy lại rất thực tế và coi trọng việc hướng dẫn thực hành. Vì thế sau các giờ của thầy, ai cũng thấy vui vẻ và an tâm. Về nhà mỗi khi nghĩ đến thầy, tôi vẫn còn bật cười mà không quên chữ “tu”.

Còn thầy Hải Tạng là người chu đáo, sâu sắc và phảng phất nét tài hoa. Tôi đã đọc hoặc nghe ở đâu đó hai từ “mưa pháp”. Đúng thật. Mỗi khi nghe các thầy thuyết pháp, cả đạo tràng khoảng ba chục người, phần lớn là phụ nữ lớn tuổi, vốn tiềm ẩn rất nhiều nhức mỏi, thế mà mọi người đều ngồi im lặng và háo hức như… đất khô. Có hôm nghe thầy Hải Tạng thuyết giảng xong, tôi và một chị vốn đã có đồng cảm, đến đứng trước mặt nhau, nhìn mà không nói gì rồi ôm chầm nhau vui sướng vì sự tuyệt vời của bài pháp.

Sự hấp dẫn của các khóa tu BQT ở chùa Từ Minh  còn có nhân tố quan trọng nữa là tổ nấu ăn và Ban Quản chúng (BQC). Tổ nấu ăn là các bác, các chị Phật tử thuần thành và có những em thanh thiếu niên giúp đỡ đã cho chúng tôi được thưởng thức những bữa cơm ngon lành và ấm áp. Còn BQC có 4-5 người đàn ông. Họ khiêm tốn, nhã nhặn và hết mình vì công việc. Nhiều người trong số họ đã được đi tu học ở chùa Hoằng Pháp TP.HCM. Đạo tràng có rất nhiều người già, mà già thì mỗi người khó tính mỗi kiểu, nhưng hình như chưa có ai được thể hiện “năng khiếu”.

Thế là tôi đến chùa Từ Minh  tham gia các khóa tu BQT đã được 7 tháng. Thời gian chưa dài, nhưng cùng với những đêm đi chùa đọc kinh, sám hối, xem băng đĩa, đọc báo chí Phật giáo, lòng tôi như dịu dần đi, vững vàng hơn trước những sóng gió và cay nghiệt của cuộc đời. Mỗi khi lễ lạy Phật và quỳ trước Tam bảo, tôi cảm thấy một niềm an ổn và tin tưởng vô bờ. Đó là điều trước đây chưa từng có ở trong tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.