GNO - Sáng nay, 9-10, tại chùa Quán Sứ (số 73 Quán Sứ, P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) đã diễn ra toạ đàm khoa học "Di sản Phật giáo thời Lý với Thăng Long - Hà Nội" nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020).
Buổi toạ đàm do HĐTS GHPGVN kết hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự buổi tọa đàm có HT.TS.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; chư vị Phó Chủ tịch HĐTS: HT.TS.Thích Gia Quang, HT.TS.Thích Bảo Nghiêm; TT.TS.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.TS.Thích Thanh Đạt, UVTK HĐTS, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội; TT.TS.Thích Thọ Lạc, UVTK HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư; TT.TS.Thích Thanh Huân, UV HĐTS, Phó Văn phòng 1 T.Ư cùng chư tôn đức HĐTS.
PGS.TS.Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Phạm Bảo Khánh, Phó ban Tôn giáo - Sở Nội vụ TP.Hà Nội cùng các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành về lịch sử Phật giáo thời Lý.
Ông Chu Văn Tuấn phát biểu
Trong phát biểu đề dẫn, PGS.TS.Chu Văn Tuấn nhận định: “Nhà Lý, vương triều Lý tồn tại hơn 200 năm, từ năm 1009 đến năm 1225 với chín đời vua. Trong khoảng thời gian này, quốc gia Đại Việt phát triển cường thịnh trên mọi lĩnh vực. Trong đó, với sự sùng kính của các vị hoàng đế, những vị cao tăng đã làm cho đạo Phật trở thành nền tảng tư tưởng của xã hội, là kim chỉ nam thể hiện sức sống tự lực tự cường, tinh thần độc lập dân tộc".
Theo ông Tuấn, những đóng góp của Phật giáo thời Lý đến nay đã từng bước làm sáng tỏ trên nhiều phương diện, song việc làm rõ những giá trị di sản vật thể, phi vật thể thời kỳ này ngày càng trở nên cần thiết.
"Việc này không chỉ nhằm tôn vinh Phật giáo ở thời Lý mà quan trọng hơn là làm thế nào kế thừa, phát huy giá trị di sản Phật giáo thời Lý trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay”, PGS.TS.Chu Văn Tuấn nhấn mạnh.
TT.Thích Đức Thiện phát biểu
Nhiều nhà nghiên cứu trao đổi tại tọa đàm
Tọa đàm có 10 bài tham luận đóng góp từ chư tôn đức cùng các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành; qua đó làm sáng tỏ hơn về vương triều Lý nói chung và Phật giáo thời Lý nói riêng.
Nội dung tham luận khẳng định sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) đã mở ra “một nền Phật giáo Việt Nam đích thực”, “một nền Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “thời kỳ xuất hiện nhiều bậc cao tăng kiệt xuất”… đóng góp tích cực cho quốc gia, dân tộc.