Chư tôn đức Chứng minh, Chủ tọa đoàn |
Chứng minh buổi tọa đàm có Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang; Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Nam tông Khmer; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, lãnh đạo các cấp chính quyền cùng các nhà nghiên cứu, học giả tham dự.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh thời gian qua Phật giáo Nam tông Khmer đã có những sinh hoạt đồng bộ và nhịp nhàng trong lòng Giáo hội. Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cũng bày tỏ niềm hoan hỷ và tán thán những thành tựu Phật sự đã đạt được của Phật giáo Nam tông Khmer trong hơn 40 năm qua.
"Buổi tọa đàm 'Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh An Giang đồng hành cùng dân tộc' hôm nay mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, đồng thời là tiền đề, sức bật và định hướng cho các hoạt động sắp tới của Giáo hội, trong đó có Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định.
Hòa thượng Danh Lung phát biểu đề dẫn |
Hòa thượng Danh Lung báo cáo đề dẫn cho biết mục đích của việc tổ chức buổi toạ đàm là hy vọng nhận được ý kiến đóng góp của mọi người, cũng như những thông tin về văn hóa, lịch sử tại các tự viện thuộc Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang. Từ những thông tin đó góp phần làm sáng tỏ vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer trong quá trình đồng hành cùng dân tộc, cũng như trong quá trình phát triển của Phật giáo tỉnh nhà.
Thông qua tọa đàm, Hòa thượng cũng mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến để tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể kinh lá buông" ngày mai, 11-5 thành công tốt đẹp và có được những kế hoạch hoạt động cụ thể, góp phần tiếp tục phát triển Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer thời gian tới.
Thượng tọa Lý Đức, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trụ trì chùa Som Rông đóng góp ý kiến |
Bên cạnh việc làm sáng tỏ vấn đề Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc trên nhiều khía cạnh thì tọa đàm cũng nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer liên quan đến vấn đề ổn định và phát triển hệ phái trong giai đoạn hiện nay.
Các nội dung mà các đại biểu mong muốn đó là đẩy mạnh phát triển giáo dục đối với chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer An Giang trong việc mở thêm các lớp đào tạo ngôn ngữ Pali; hỗ trợ kinh phí du học cho chư Tăng; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức liên quan đến pháp luật Nhà nước với các trụ trì; bảo vệ và làm sống lại di sản văn hóa phi vật thể kinh lá buông...
Hòa thượng Thích Thiện Thống giải đáp các ý kiến của đại biểu tại tọa đàm |
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Hòa thượng Thích Thiện Thống trân trọng ghi nhận và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của mọi người. Hòa thượng cho biết trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có khoảng 66 cơ sở tự viện hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Phật giáo Nam tông Khmer đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên cũng còn nhiều lĩnh vực cần được quan tâm, nhất là về vấn đề giáo dục.
Hòa thượng Thích Thiện Thống cũng thông tin thêm Giáo hội sẽ tiếp thu và có phương hướng giải quyết cụ thể nhằm góp phần hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer phát triển hơn trong giai đoạn hiện nay.
Ngày mai, 11-5, sẽ chính thức khai mạc Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể kinh lá buông”, tại chùa Sà-lôn, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các tỉnh, thành.
Một số hình ảnh buổi tọa đàm tại chùa Sà-lôn sáng 10-5:
Quang cảnh buổi tọa đàm "Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh An Giang đồng hành cùng dân tộc" vào sáng 10-5, tại chùa Sà-lôn |