GN - Mấy hôm nay thời tiết thất thường mưa nắng, mùa xuân sắp sửa chuyển giao cho mùa hạ. Trời ban đêm lạnh, ban ngày nhiệt độ nóng dần lên, sự chênh lệch về nhiệt độ ngày và đêm quá lớn, rất dễ làm cho người già như bà ngoại rất mệt mỏi khó chịu khi cơ thể chưa kịp thích nghi.
Bà ngoại là các con tôi gọi, còn tôi thi thoảng cũng gọi bà ngoại nhưng tôi vẫn thích gọi mẹ hơn vì bà là nhạc mẫu (mẹ vợ) của tôi. Hai tiếng mẹ vợ nghe nó thế nào, không tình cảm cho lắm, cho nên tôi thường hay giới thiệu bà với khách bạn đến chơi nhà đây là bà ngoại các cháu. Bà ngoại! Hai tiếng nghe thân thương trìu mến hơn nhiều! Trước đây bà ngoại ở với ông anh vợ, sau đó ông anh được nhà nước điều động vào công tác ở một thành phố phía Nam, ông rất muốn đem mẹ theo để phụng dưỡng vì ông là con trai duy nhất không muốn để mẹ ở lại quê nhà, vì ở quê nhà chỉ còn một cô em gái là bà xã nhà tôi mà thôi, thiên hạ sẽ nói gì khi mẹ phải ở với con gái?
Cuối cùng ông anh phải chiều theo nguyện vọng của mẹ với lý do mẹ không muốn rời bỏ quê hương mồ mả ông bà tổ tiên, và mẹ ở lại với vợ chồng tôi. Đó là một điều may mắn cho nhà tôi, nhất là các cháu rất quý bà ngoại, sớm hôm có tiếng tăm bà còn gì vui hơn! Thứ đến là tôi, người cũng vui không kém, vì bố mẹ tôi mất lâu rồi, nhưng vẫn có cơ hội hàng ngày được có mẹ trong nhà, được gọi bà bằng mẹ, tiếng mẹ thiêng liêng xoáy sâu vào lòng tôi nỗi khát khao tình thương của mẹ hiền. Mẹ không sinh ra tôi, nhưng tôi được quyền gọi mẹ. Tứ thân phụ mẫu, truyền thống đạo lý của cha ông dạy tự ngàn xưa, làm con luôn ghi nhớ để sống cho phải đạo.
Mẹ đã ngoài 80 rồi, mấy năm trước mẹ gặp rắc rối với căn bệnh cao huyết áp, nhưng lạy Phật trời mẹ gặp thầy gặp thuốc cũng đã chữa khỏi. Mắt mẹ sáng, mẹ vẫn còn rất minh mẫn với trí nhớ tốt, bước chân tuy có hơi chậm và nặng nề nhưng mẹ vẫn còn tự phục vụ được. Nhà chúng tôi có vườn rộng trồng rau và một số cây ăn trái. Buổi sáng khi nắng vừa lên và buổi chiều khi bóng xế, trời mát dịu, mẹ luôn tay ngoài vườn nhổ cỏ, quét rác. Mẹ hái một rổ rau tập tàng, gồm nhiều loại rau như mồng tơi, rau dền tía, dền xanh, bông bí, hoa lý…mẹ nách rổ rau, ôm thêm một ôm củi khô, miệng nhai trầu bỏm bẻm đi vào bếp dặn con gái đi chợ nhớ mua vài bìa đậu phụ. Đậu phụ mà nấu canh rau tập tàng thì ngon đáo để cho một bữa cơm chay thêm ít tương chao đạm bạc. Tôi bỗng nhớ đến mẹ đẻ của tôi những ngày tháng cũ. Có một bài thơ viết về mẹ rất hay của nhà thơ Nguyễn Đức Tiên mà tôi rất thích đọc hoài đến thuộc:
Đồi quê nghiêng mái tranh nghèo
Phất phơ màu áo theo chiều nắng lên
Bếp hồng gió lọt qua phên
Gây mùi hương nhớ tận miền quê xa
Sân vườn vàng mấy nụ hoa
Cọng nhang ngún đỏ khói là là bay
Con đi qua tháng qua ngày
Con về môi mẹ đỏ gay miếng trầu.
Mẹ sống một đời nơi cái khúc eo miền Trung này, cái nghèo luôn đeo đẳng người dân nơi đây vì thiên tai lụt bão hạn hán mất mùa, nhưng mẹ như một tượng đài kiên định vững chắc để chở che cho con cháu vượt qua mọi giông gió cuộc đời. Mẹ đã ra đi lâu rồi, nhưng trời Phật đã ban cho nhà tôi một bà ngoại, khi thì tôi gọi là bà ngoại, khi thì tôi gọi mẹ, tôi hạnh phúc quá đi. Mẹ vừa gọi tôi đến đưa cho tôi hai cái phong bì, mỗi phong bì hai trăm ngàn, số tiền riêng của mẹ để dành, bảo tôi đem lên cúng dường hai chùa mà mẹ thường hay đi trước đây. Hai năm trở lại đây, chân mẹ yếu không đến chùa được, mẹ ở nhà niệm Phật hàng đêm ở nhà, sáng niệm danh hiệu A-di-đà một biến, tối cũng niệm một biến. Cũng giống như mẹ đẻ tôi, bà ngoại-mẹ đã truyền thừa cho con cháu đến chùa từ khi còn nhỏ, cho nên đứa con nào cũng hiền lành vì luôn được tưới tẩm bởi chất liệu từ bi trong lời kinh tiếng kệ và tiếng chuông chùa làm cho mọi người tỉnh thức để không làm điều gì sai.
Mẹ đưa hai cái phong bì là để cúng dường lễ Phật đản, mẹ còn dặn dò mua hai chục bông sen thật tươi đem lên chùa cúng Phật. Mẹ dạy, cúng dường là để chùa có cái mà lo lễ lượt rất tốn kém, nào là làm lễ đài, làm mô hình vườn Lâm-tỳ-ni, nơi Đức Phật chào đời, nào là xe hoa, tái hiện lại khung cảnh thuở xa xưa lúc Ngài sanh ra, để mọi người con Phật đến chùa chiêm ngưỡng tưởng nhớ một Đấng Như Lai giáng thế cứu nguy cho cuộc đời là bể khổ này. Ngày xưa mẹ chỉ được học ở lớp xóa mù chữ, cho nên mẹ đọc báo chậm lắm. Những hiểu biết về Phật pháp của mẹ có được để dạy con cháu nhờ vào cái tâm đạo của mẹ, cái tâm đạo của mẹ được truyền thừa từ ông bà thấm vào máu huyết những hạt giống thiện lành, để mẹ có thể sống tốt và dạy con cháu phải lấy tấm lòng son mà đối xử tử tế với nhau.
Mẹ bỗng nhớ vợ chồng ông con trai và các cháu đang sống ở phương xa, mẹ sốt ruột nhắc tên anh, cái thằng quỷ, hắn làm gì mà mấy tuần rồi không gọi điện cho mẹ. Lời nhắc nhở của mẹ phát sóng một tần số gởi đến anh con trai cách xa nghìn cây số. Kỳ diệu và bí ẩn về cái điều thiêng liêng mẫu tử trong lãnh vực ngoại cảm đặc biệt. Bất ngờ anh con trai gọi điện về. Tôi gọi mẹ vào và đưa điện thoại cho mẹ. Mẹ cầm ống nghe mắng yêu: “Cha bố ông sao mà thiêng thế, vừa mới nhắc mà đã nóng ruột rồi hả? Này! Nhớ đưa các cháu nội của bà đi chùa và mua hoa cúng Phật nhé! Phật đản tới nơi rồi!”. Ở bên kia đầu dây, ông con trai xuống giọng nũng nịu như hồi còn bé: “Mẹ ơi, con thèm một tô canh rau tập tàng”. Mẹ lại mắng cho: “Thế biểu mẹ các cháu ra chợ Thị Nghè hay Bà Chiểu cũng được, thiếu gì rau tập tàng và đậu phụ”. Ông con trai lại vờ giả giọng: “Thèm canh rau mẹ nấu thôi”. Mẹ cười to: “Ừ, thì hè này nghỉ hè đem nhau về, mẹ sẽ nấu cho một nồi canh to tướng”.
Tôi đã từng được nghe những cuộc điện thoại giữa mẹ và con trai như thế này. Và cứ mỗi lần nghe, tôi ứa nước mắt nhớ người mẹ hiền của tôi chắc đã vãng sanh nơi miền Tịnh độ, nhưng vẫn luôn nhớ về các con của bà ở cõi Ta-bà đầy sóng gió bất trắc này. Mẹ hiền ơi! Con đang quỳ gối cầu kinh trước mặt Đức Từ Phụ. Kính cẩn xin Ngài cho con đủ lòng thương lớn để yêu thương và chăm sóc bà ngoại các cháu như chăm sóc chính mẹ đẻ của mình.