Ngoài tiếp nhận các thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, những nỗi lo của người dân, sự chia sẻ ấm lòng của người dân cả nước với Sài Gòn, tinh thần dấn thân phục vụ của Tăng Ni, Phật tử nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh… thì những người quan tâm tới Phật giáo vừa xôn xao về chuyện thêu dệt trên mạng: “Đại lão Hòa thượng được ơn trở lại đạo nhờ đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ”.
Sự việc đã được báo Giác Ngộ trên Giác Ngộ online (ngày 12-7, ở trang Điểm nhìn) bằng những luận chứng, luận cứ rõ ràng. Công việc này đã từng được báo Giác Ngộ thực hiện trong những vụ việc nói sai lệch, dựng chuyện về Phật giáo khác, chẳng hạn như vụ “Chuyện một ni cô đến với Giáo điểm Tin Mừng” mấy năm trước.
Cuộc chiến với tin giả
Có thể thấy, thời của mạng xã hội, tin giả đang tràn lan với nhiều biểu hiện. Người tung tin có nhiều động cơ, từ câu view, câu like đến muốn nhiễu loạn thông tin, gây phương hại đến cá nhân, tập thể hoặc phá hoại, tạo hiểu lầm nghiêm trọng liên quan đến tôn giáo, tổ chức nào đó…
Mới đây, ngay thời điểm chống dịch căng thẳng, Trung tâm báo chí TP.HCM đã tuyên bố - hình ảnh lan truyền được cho là xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM là thông tin giả mạo. Thông cáo từ trung tâm này viết: “Hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh xác chết ở Indonesia nhưng bị một số tài khoản tung tin đây là hình ảnh xác chết bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch”.
Liên quan đến những tin giả, tin đồn thất thiệt như vậy trong công tác chống dịch không phải là hiếm. Giác Ngộ online ngày 14-7 thông tin việc chia sẻ tin giả, tin đồn đang là vấn nạn. Bản tin của phóng viên Hà My cho hay, “trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc TP.HCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lock down) dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa; thông tin cho rằng lãnh đạo thành phố bị nhiễm Covid-19”. Những tin tức này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chống dịch của thành phố, khiến xảy ra cảnh tích trữ thực phẩm, ùn ùn đi chợ, siêu thị - vi phạm nguyên tắc chống dịch - giãn cách, không tập trung.
Cũng giống như Trung tâm báo chí TP, trước tình hình tin giả hoành hành, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã phải phát lời kêu gọi: “Đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác...”.
Dù luôn được trấn an và hướng dẫn cần bình tĩnh trước tin sai sự thật, tin đồn vô căn cứ nhưng số đông trên mạng không phải ai cũng đủ độ lùi khi tiếp nhận một nguồn tin với nội dung thêu dệt, bịa đặt với hình ảnh vay mượn, cắt ghép như “xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM”.
Mỗi người một “chiến binh”
Ai cũng hiểu tác hại khôn lường của tin giả, tin đồn sai sự thật. Nó có thể gây ra những phản ứng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, rối loạn xã hội. Đã có những trường hợp bị xử lý hành chính đến hình sự vì những thông tin giả mạo của mình. Ngay tại Mỹ, nạn tin giả cũng đang hết sức nguy hiểm, đáng quan ngại. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo giới đã nhấn mạnh: “Mạng xã hội đang “giết người” bằng thông tin sai về đại dịch”. Ông chủ Nhà Trắng nói đó là thông điệp muốn gửi đến các mạng xã hội, trong đó có Facebook - nơi đang lan truyền nhiều thông tin sai lệch về dịch Covid-19 và mức độ an toàn của các loại vắc-xin khiến tốc độ tiêm chủng tại nước này chậm lại.
Trong khi đó, Thư ký báo chí - người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng đưa ra thông điệp tương tự khi chỉ trích mạng xã hội Facebook vì cho phép các thông tin sai lệch về các loại vắc-xin phòng Covid-19 được đăng tải trên nền tảng truyền thông xã hội được nhiều người sử dụng này.
“Ngoài ra, mạng xã hội cũng chưa làm đủ mạnh để chấm dứt tình trạng lan tràn các thông tin sai lệch về dịch bệnh”, bà Jen Psaki nói và cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden thường xuyên liên lạc với Facebook và chỉ ra những bài đăng “có vấn đề” để mạng xã hội này xử lý.
“Thông tin sai lệch về sức khỏe là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó có thể gây nhầm lẫn, gieo rắc sự tin tưởng, gây tổn hại đến sức khỏe của mọi người và phá hoại các nỗ lực y tế cộng đồng. Hạn chế việc lan truyền thông tin sai lệch về sức khỏe là mệnh lệnh công dân và đạo đức”, trong bài báo liên quan nội dung tin giả, Vivek Murthy - Tổng Y sỹ Mỹ nhận định.
Rõ ràng, ở một đất nước hiện đại như Mỹ mà tình trạng tin giả, tin đồn trên mạng xã hội cũng là vấn đề lớn, người dân vẫn bị “mắc bẫy”.
Có thể thấy, tin giả thường đánh vào sự tò mò, gây sốc với những dòng tít giật gân; đánh vào tâm lý lo lắng của người dân tham gia mạng xã hội giữa lúc nguy cấp như dịch bệnh. Một nhóm khác, những người phá hoại đoàn kết tôn giáo, mong muốn cải đạo người khác cũng hay tung những hình ảnh, nội dung ngụy tạo, sắp đặt, cắt ghép theo chủ đích. Những sự vụ ở đầu bài báo là một ví dụ.
Làm sao để chống tin giả, tin đồn xâm nhập vào tâm trí, ăn mòn mảnh đất tâm của mỗi người? Thiết nghĩ, phải chuẩn bị tâm lý bình tĩnh, luôn trong tâm thế kiểm chứng mọi thông tin. Có gì bất thường trong thông tin hay nguồn tin này từ đâu, ai phát ngôn, hình ảnh này có phải cắt ghép…?
Giáo hội và các kênh truyền thông Phật giáo cần chủ động chống tin giả, tin đồn
Mạng xã hội hiện nay ngoài một kênh để chơi, giải trí, còn là công cụ để hoằng pháp nếu biết vận dụng. Qua đó, bên cạnh những thông tin đúng, nội dung hay giúp nuôi dưỡng thân tâm thì cũng có những “thức ăn bẩn” khiến người xem, nghe, đọc bị rối loạn. Do đó, Giáo hội cần có người phát ngôn đính chính, lên tiếng trong những thông tin sai lạc như đã từng xảy ra liên quan đến Phật giáo.
Các kênh truyền thông cũng cần chủ động trong phản biện, đưa tin cảnh giác tín đồ trước tin giả, tin đồn chống lại Phật giáo. Mặt khác, ngay cả phát ngôn chưa chuẩn mang tính cá nhân của “người nhà” cũng cần chấn chỉnh, tránh gây mất đoàn kết, hiểu lầm về quan điểm của Giáo hội, giáo lý Phật-đà. Mong lắm việc làm này được đồng bộ chứ không chỉ là những tiếng chuông đơn lẻ như Giác Ngộ đã làm thời gian qua.
Trong kinh, Đức Phật cũng có dạy về việc thiết lập một niềm tin. Cụ thể, kinh Kamala, Đức Phật dặn dò: “Ðừng vội tin tưởng những cái gì mà người ta thường lập đi lập lại luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một tập tục cổ truyền đã trải qua nhiều thời đại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là điều người ta hay đồn và hay nói đến luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do bút tích thánh nhân xưa để lại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một luật lệ đặt ra từ lâu và được xem như là chánh đáng. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do quyền năng của một bậc thầy hoặc do quyền lực của một nhà truyền giáo. Tất cả những gì hợp với lý trí xét định, hãy tin”.
Lời dạy này có thể là một sự thực tập, để ngày nay trong khi tiếp nhận quá nhiều thông tin ta có sự quán chiếu, “làm việc” với từng thông tin có thể là hư dối đang lan truyền. Trước khi có cơ quan chuyên trách để đính chính, làm ra ngô ra khoai các loại thông tin sai sự thật, thì mỗi người cần có bộ lọc, không để mình sa lầy hoặc sa đà vào tin giả, tin đồn. Đối với người đã vững lập trường và nắm thông tin một cách đầy đủ thì những luận điệu giả sẽ khó qua mắt. Điềm tĩnh trong kiểm soát các thông tin cũng là góp phần giữ cho mình bình an, tham gia chống dịch hiện nay.
“Đại dịch tin giả, tin đồn” với virus cùng tên sẽ không còn đất sống nếu ta học và hành bài kinh Kamala một cách thuần thục.
Tung tin giả bị xử phạt ra sao?
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: Xử phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: Xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Điều 156, Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội vu khống như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…