Tìm lại mình

Giác Ngộ - Mấy ai biết giữ mình và tìm lại chính mình. Nên với những ai lầm lỡ đánh mất bản thân, xã hội phải giúp họ tìm lại giá trị bản thân, tìm lại ý nghĩa đích thực của đời sống, giúp họ trở thành những người hữu ích. Việc nhắc nhở, thức tỉnh, giúp họ tìm lại mình rất cần sự sẻ chia, nỗ lực của những người thân, của gia đình và toàn xã hội.
WTTT.jpg

Ảnh minh họa

Một lần Đức Phật đang tịnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi:

- Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?

Một người trong số các thanh niên nói cho Đức Phật biết tại sao họ đi tìm cô gái ấy:

- 29 cặp vợ chồng chúng tôi đến đây vui chơi, riêng một người chưa có vợ nên dắt theo một nữ tỳ. Cô ta đã thừa dịp chúng tôi không để ý, lấy hết vàng bạc trốn đi mất.

Đức Phật ôn tồn hỏi các thanh niên:

- Này các thiện nam tử, đi tìm cô gái đó và đi tìm chính mình, việc nào quan trọng hơn?

Các thanh niên trả lời:

- Thưa Sa-môn, đi tìm chính mình là việc làm quan trọng hơn.

- Vậy các thiện nam tử hãy ngồi xuống đây!

Sau khi các thanh niên ngồi xuống, Đức Phật nói pháp Tứ Thánh đế cho họ nghe. Cuối bài pháp, cả 30 thanh niên đều giác ngộ, xin Phật xuất gia. Đức Phật chấp thuận cho họ xuất gia và gia nhập Tăng đoàn. (Theo Lịch sử Đức Phật)

Bài học đạo lý:

Ðức Phật nhắc nhở các thanh niên rằng tìm lại chính mình mới là việc làm quan trọng nhất, cũng như đánh mất bản thân mới là nỗi lo thật sự chứ không phải là vấn đề đánh mất các vật ngoài thân như sắc đẹp, tiền tài…

Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy ngày nay có khá nhiều người đánh mất bản thân mình (dính vào tham nhũng, tham lạm công quỹ, mua quan bán chức, lừa đảo chiếm đoạt…) chỉ vì danh vọng, sắc đẹp, tiền tài để rồi lâm vào vòng lao lý mà hậu quả để lại không chỉ riêng bản thân họ mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Một bộ phận giới trẻ tự đánh mất mình khi ngày đêm vùi chôn tuổi thanh xuân vào những thú vui tạm bợ, bán rẻ tương lai, vắt kiệt nhựa sống, buông thả trong ăn chơi sa đọa như ma túy, rượu bia, sắc dục, bạc bài… trở thành những kẻ bê tha, bệ rạc. Trong khi xã hội rất cần họ biết đem tuổi trẻ của mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước, sống hữu ích, làm đẹp cho tự thân và cuộc đời.

Giới trẻ nhận thức như thế nào về giá trị cuộc sống, về giá trị bản thân, và gia đình quản giáo con cái như thế nào, nhà trường giáo dục thế hệ con em những gì, thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng như thế nào từ môi trường xã hội v.v... là những vấn đề mọi người cần quan tâm hướng đạo, dắt dìu để thế hệ trẻ không rơi vào chỗ đánh mất bản thân mà không hay biết.

Mấy ai biết giữ mình và tìm lại chính mình. Nên với những ai lầm lỡ đánh mất bản thân, xã hội phải giúp họ tìm lại giá trị bản thân, tìm lại ý nghĩa đích thực của đời sống, giúp họ trở thành những người hữu ích. Việc nhắc nhở, thức tỉnh, giúp họ tìm lại mình rất cần sự sẻ chia, nỗ lực của những người thân, của gia đình và toàn xã hội.

Do vậy, tìm về tuệ giác của đạo Phật để sống hướng thiện, bình an, đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người là điều trở nên vô cùng cần thiết. Tìm lại chính mình để hiểu rõ ràng và chính xác về thân, tâm cùng thế giới để thiết lập các quan niệm sống và những giá trị sống phù hợp với tuệ giác Duyên khởi mới đích thực là điều cần và nên làm để xây dựng hạnh phúc, an vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.