Tìm lại dòng tranh kiếng Nam bộ xưa

Trong các loại tranh thờ ở Nam Bộ xưa, không thể không nhắc đến dòng tranh kiếng (kính). Tranh kiếng ra đời khoảng đầu thế kỷ XX, đến nay, dù không còn thịnh hành nhưng những tác phẩm tranh kiếng Nam Bộ được nhiều nhà nghiên cứu cất công sưu tầm và lưu giữ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì cuộc triển lãm tranh kiếng lần đầu ở nước ta được ghi nhận là của ông Trương Cung Vinh (tên thường gọi: họa sĩ Vạn Huê) diễn ra vào năm 1957 tại Phòng Thông tin Đô Thành (góc đường Catina - Bônna, nay là đường Đồng Khởi - Lê Lợi).

Tìm lại dòng tranh kiếng Nam bộ xưa ảnh 1
Cửu Thiên Huyền Nữ, tranh kiếng Lái Thiêu

Kể từ 1957 đến nay chưa có một cuộc triển lãm tranh kiếng nào khác dù loại hình mỹ thuật này từng tồn tại và phát triển mạnh mẽ, tạo nên các dòng tranh kiếng ở các địa phương như Chợ Lớn, Lái Thiêu, Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang), và dòng tranh kiếng Khmer Trà Vinh, Sóc Trăng nổi tiếng.

Tìm lại dòng tranh kiếng Nam bộ xưa ảnh 2
Tranh kiếng chủ đề chư vị thần, Phật, Bồ tát

Có thể nói, trong hơn 100 năm qua, tranh kiếng đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mỹ thuật của công chúng khắp các thôn xã từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ và trở thành những tác phẩm nghệ thuật không thể thiếu được trong các gia đình.

Theo nhiều tư liệu lịch sử thì tranh kiếng có mặt ở cung đình Huế từ thời Minh Mạng - Thiệu Trị. Song đó là các sản phẩm mỹ nghệ nhập khẩu.

Đến đầu thế kỷ XX, các di dân Quảng Đông đến lập nghiệp ở vùng Chợ Lớn, bắt đầu mở các tiệm kiếng, buôn bán các loại kiếng tráng thủy để soi mặt, lộng khuôn hình, tủ, khung cửa chớp, cửa gió... và các loại tranh kiếng như các bức đại tự và các bức thư họa dùng trong việc khánh chúc tân gia, khai trương, mừng thọ... ra đời từ đây.

Đến những năm 1920, nghề vẽ tranh kiếng chuyển địa bàn về Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) - là xứ sở đang trên đà phát triển các nghề thủ công như thợ gốm, thợ mộc, thợ sơn quang dầu (sơn guốc, đũa, mâm, khay, quả trắp...), thợ cẩn xà cừ... Đây là nơi hội tụ cho dòng tranh kiếng Lái Thiêu phát đạt.

Sau đó, khoảng những năm 1940-1950, nghề làm tranh kiếng lan tỏa khắp lục tỉnh Nam Kỳ, trụ lại ở Mỹ Tho, Cai Lậy, Gò Công (Tiền Giang ngày nay), Chợ Mới (An Giang) và thâm nhập vào cộng đồng Khmer tạo nên dòng tranh kiếng Khmer Nam bộ ở Trà Vinh và Sóc Trăng...

Tìm lại dòng tranh kiếng Nam bộ xưa ảnh 3
Tranh kiếng Khmer Nam Bộ

Tất cả các dòng tranh kiếng trong hơn một thế kỷ qua đã sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm đồ sộ với nhiều chủng loại đa dạng, từ tranh thờ tổ tiên, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí nội thất, tranh thần, Phật, Bồ-tát... Ở đó có loại tranh vẽ thuần bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy, độc đáo nhất là tranh kiếng cẩn ốc xà cừ rất được công chúng ưa chuộng.

Từ ngày 18-8-2013 đến ngày 21-8-2013 tại chùa Phật học Xá Lợi (89 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra cuộc triển lãm tranh kiếng lần 2 do Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Ban Phật học chùa Xá Lợi tổ chức với sự đóng góp của các nhà sưu tập Lý Lược Tam, Nguyễn Anh Kiệt, Nguyễn Đại Phúc, Huỳnh Duy Thiết, Huỳnh Thanh Bình...

Triển lãm là nơi tập hợp trên dưới 100 tác phẩm tiêu biểu từ bộ sưu tập 1.600 sản phẩm hiện sưu tầm được. Các bức tranh kiếng này thuộc nhiều chủng loại, từ tranh thờ tổ tiên, tranh trang trí (thường gọi là tranh cửa buồng), tranh phong cảnh (tứ thời, tứ thú, tứ dân...), tranh chúc tụng (tân gia, khai trương, mừng thọ, tân hôn...), tranh chư vị thần, Phật, Bồ-tát...

Thanh Thanh (PetroTimes)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.