GNO - Tôi có một thắc mắc là vào thời Đức Phật tại thế, có những vị vua như Bình Sa vương và các trưởng giả lấy rất nhiều vợ. Họ là những Phật tử thuần thành, thân cận Tăng đoàn, hộ pháp đắc lực, vậy họ có phạm giới thứ ba không? Riêng tôi còn độc thân nhưng trót thương người đàn ông đã có vợ con. Tôi biết như vậy là sai, có lỗi với vợ người ta nhưng tôi không dứt ra được. Tôi yêu người ấy đến độ sẵn sàng làm mẹ đơn thân và nếu sau này anh ấy có bỏ rơi tôi thì tôi vẫn chấp nhận một mình nuôi con khôn lớn. Tôi muốn biết việc thương và ăn ở với người đã có gia đình như vậy thì theo luật nhân quả phạm tội gì, quả báo thế nào, muốn thoát ra phải làm sao?
(DIỆU TUYÊN, tuyen...@gmail.com)
Bạn Diệu Tuyên thân mến!
Giới thứ ba (không tà dâm) là một giới hạnh quan trọng. Người Phật tử phát nguyện giữ giới thứ ba là nguyện chung thủy, yêu thương, đầy đủ trách nhiệm với vợ/chồng của mình thông qua việc kết hôn hợp pháp. Chính việc “kết hôn hợp pháp” khiến cho giới thứ ba linh động, tùy thuộc vào pháp luật và luật tục của mỗi bộ tộc, địa phương, xứ sở.
Đơn cử tại Ấn Độ thời Phật tại thế, những người đàn ông thế lực và giàu sang thường có nhiều vợ. Những người vợ ấy được cưới hỏi đàng hoàng, được luật pháp và cộng đồng công nhận. Dù nhiều vợ nhưng các nam Phật tử ấy vẫn không phạm giới thứ ba. Ngược lại, nếu một bộ tộc có tập tục đa phu, khi trở thành nữ Phật tử họ có nhiều chồng hợp pháp, đầy đủ yêu thương và trách nhiệm, vẫn không phạm giới thứ ba.
Ở nước ta, pháp luật chỉ cho phép hôn nhân một vợ một chồng. Do vậy, những người Phật tử đã lập gia đình mà có các quan hệ ngoài giá thú thì được xem là ngoại tình, phạm giới thứ ba. Mở rộng thêm, người Phật tử chưa lập gia đình mà sống buông thả, đam mê phóng túng theo dục vọng cũng phạm giới thứ ba. Vì giới thứ ba có liên hệ đến pháp luật và luật tục nên không thể rập khuôn mà linh động, tùy thuộc vào thực tiễn mà diễn giải và ứng dụng cho phù hợp.
Đối với trường hợp của bạn, đúng như bạn đã nhận thức “vậy là sai”. Cuộc sống có muôn màu, mỗi người một nghiệp lực, con tim và lý trí chẳng chung đường, nên say mê người đã có gia đình đến độ “không dứt ra được” cũng không phải là cá biệt. Nếu bạn là Phật tử thì hãy dũng cảm, thấy sai thì phải sửa, sửa được mới thực sự an vui.
Đức Phật dạy muốn thoát khỏi lưới ái thì tự mình phải thức tỉnh, không ai có thể làm thay. Bình tâm quán chiếu để thấy rõ ràng ba phương diện của ái dục, đó là: vị ngọt, sự nguy hiểm và xuất ly. Vị ngọt thì bạn đã nếm rồi, hạnh phúc. Nhưng đó là hạnh phúc của đứa trẻ đang liếm mật trên lưỡi dao. Họa đứt lưỡi đang cận kề, nguy hiểm đang rình rập.
Sự nguy hiểm đầu tiên đang chờ bạn là bị đánh ghen. Cây kim giấu mãi cũng có ngày lòi ra, không ai có thể lường trước những hậu quả bi thảm của cuồng ghen. Không ít trường hợp chết chóc, tù tội, thân bại, danh liệt xuất phát từ ghen tuông. Kế nữa là gia đình kia sẽ lục đục, bất hòa, thậm chí tan rã. Bấy giờ, bạn không những “có lỗi với vợ người ta” mà cả con cái của họ nữa. Bạn là một trong những tác nhân chính phá nát hạnh phúc của người khác. Cha mẹ và người thân cũng đau buồn về bạn. Nếu may mắn những điều kia không xảy ra, bạn tự nguyện làm mẹ đơn thân nuôi con thì bạn có phần lỗi với con, con bạn phải chịu nhiều thiệt thòi.
Còn một nguy hiểm nữa là bạn đang tạo nghiệp ác, chắc chắn sẽ nhận lấy quả báo. Nhãn tiền là những quả báo như đã trình bày. Nếu việc ấy đem đến bất hạnh cho nhiều người thì quả báo nặng nề hơn. Bạn hãy suy tư thật nhiều về sự nguy hiểm mà mình có thể gánh chịu để dần tỉnh ra. Đến một lúc nào đó, lòng bạn đủ vững, trí bạn đủ sáng, thấy rõ các phương diện của ái dục liền mạnh mẽ quyết định thoát ra. Đó là sự xuất ly.
Đời sống cần nhiều niềm vui, vui nhất là bình yên và thanh thản. Bạn có chút vui mà nguy hiểm, bất an, nguy cơ phải chịu nhiều hệ lụy thì cần xem lại và từ bỏ. Tâm tịnh và trí sáng, thấy rõ toàn bộ vấn đề mới có thể làm được việc này.
Chúc bạn tinh tấn!