Tìm hiểu quan niệm khổ đau - Duhkha của Phật giáo

NSGN - Trong nhiều quan niệm của Phật giáo về nhân sinh quan, có thể nói quan niệm về khổ đau - duhkha mang một giá trị rất nhân văn. Phật giáo cho rằng, sự sống tự nó không phải là một sự bất ổn, chính các thể dạng tâm thức của chúng ta làm phát sinh ra khổ đau hay an vui trong cuộc sống của chính mình. Phật giáo chỉ ra bản chất khổ đau của sự hiện hữu là gì và từ đó có thể làm thế nào để ta có thể loại bỏ được nó.

Duc Phat.jpg

Nhập đề

Như bao tôn giáo khác, Phật giáo luôn đề cao triết lý nhân sinh làm sao để con người nhận thức được bản chất của khổ đau và thực hành khổ đau như thế nào để con người không bị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, để khi đối mặt với những nỗi đau khổ của cuộc sống hiện thực, con người biết sống tích cực trong chính cuộc đời ngắn ngủi này.

Đức Phật khi còn là một vị minh quân sống trong nhung lụa, trái tim của Ngài đã cảm nhận được nỗi thống khổ của sinh, lão, bệnh, tử, sự biến đổi không ngừng của vạn vật trên trần thế. Ngài không thể ngồi yên nhìn đồng loại của mình chịu khổ, Ngài đã xuất gia với tâm nguyện là tìm ra phương pháp tu tập chân chính nhất để con người có thể giải thoát được những nỗi khổ về vật chất và tinh thần giữa cuộc đời hiện hữu.

Tìm hiểu quan niệm khổ đau - duhkha của Phật giáo để thấy được tính tích cực của tôn giáo này trong vai trò là kim chỉ nam dẫn lối cho con người nhận thức được khổ và giải thoát khỏi những nỗi khổ mà con người từ khi thọ thai đến khi nhắm mắt xuôi tay phải gánh nhận.

Nội dung

1- Quan niệm Khổ đau - Duhkha trong Phật giáo   

Phật giáo là một tôn giáo ra đời sớm vào khoảng thế kỷ VI đến thế kỷ V TCN(1). Có nhiều quan điểm cho rằng Phật giáo là một tôn giáo bi quan khi cho rằng Phật giáo khuyên chúng ta phải suy tư về khổ đau. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng: “Phật giáo là một tôn giáo có tính triết lý sâu sắc. Phật giáo cho rằng, sự sống tự nó không phải là một sự bất ổn, chính các thể dạng tâm thức của chúng ta làm phát sinh ra khổ đau hay an vui trong cuộc sống của chính mình. Phật giáo chỉ ra bản chất khổ đau của sự hiện hữu là gì và từ đó có thể làm thế nào để ta có thể loại bỏ được nó”(2). Như vậy thì chúng ta phải hiểu như thế nào về từ “khổ đau” hay “duhkha” trong giáo lý nhà Phật?

Duhkha là một từ tiếng Phạn gồm hai từ ghép lại là: duh kha. Kha có nghĩa là cái lỗ tròn ở giữa bánh xe dùng để đưa cái trục xe vào đó. Duh có nghĩa là “bất ổn”, “bất an”, “rối loạn. Theo Philippe Cornu, một học giả lỗi lạc và hiện cũng là Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Âu châu, duhkha  không phải chỉ giản dị có nghĩa là những khổ đau thuộc thân xác hay tinh thần, mà khổ đau còn bao hàm cả những thể dạng bất toại nguyện và những cảm tính bất an mà tất cả chúng ta đều cảm thấy trong cuộc sống của mình. Nói một cách vắn tắt hơn thì đấy là sự bất toại nguyện của sự hiện hữu(3).

Cách hiểu về khổ đau - duhkha rộng hơn, được Hòa thượng Thích Thiện Siêu giải thích khi trình bày về Khổ đế, Hòa thượng cho rằng, duhkha ngoài nghĩa là bất toại nguyện thì phải được hiểu đầy đủ với 4 nghĩa: Khổ, Vô thường, Không và Vô ngã - đây là 4 Pháp ấn quan trọng của Phật giáo(4).

Như vậy, khi tìm hiểu về khổ đau - duhkha chúng ta không chỉ dừng lại ở cách hiểu đó là sự bất an, rối loạn ở thể xác lẫn tinh thần mà duhkha còn bao hàm cả trạng thái hạnh phúc tương đối. Khi con người hiểu rõ được căn nguyên của sự vật, hiện tượng, con người sẽ tự tìm cho mình được cách giải thoát ra khỏi những bấn loạn hiện hữu. Đó mới chính là giá trị của từ duhkha trong quan niệm Phật giáo. 

Trong bài thuyết giảng đầu tiên tại Thành Ba-la-nại - Varanasi (Varanasi nằm bên bờ Tây sông Hằng, thuộc bang Utta Pradesh Ấn Độ) cho 5 anh em nhà Kiều Trần Như - 5 đệ tử đầu tiên của Phật, Đức Phật đã nêu ra Bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế) và trong sự thật thứ nhất Đức Phật nêu lên khái niệm về khổ đau và vô thường, đấy là những gì làm nền tảng cho giáo lý. Dựa trên nền tảng đó Bốn sự thật liên kết chặt chẽ và mạch lạc với nhau giúp hình thành toàn bộ đạo pháp. Bốn sự thật ấy như sau:

a- Sự sống là khổ đau, bởi vì tất cả đều vô thường (Khổ đế). Có tám loại khổ chính mà con người phải gánh chịu: 1) khổ vì sinh, 2) khổ vì lão, 3) khổ vì bệnh, 4) khổ vì tử, 5) khổ vì phải kết hợp với những gì hay với những người mà mình không thích (oán tăng hội), 6) khổ vì phải xa lìa những gì hay những người mà mình yêu quý (ái biệt ly), 7) khổ vì không thực hiện được hạnh phúc mà mình ước mơ (cầu bất đắc), 8) khổ vì phải gánh chịu sự biến động của năm thứ cấu hợp hay ngũ uẩn (skandha) - một cấu hợp vật chất tạo ra thân xác (sắc) và bốn cấu hợp thuộc lãnh vực tâm thần, tất cả kết hợp với nhau tạo ra cá thể con người (thụ, tưởng, hành, thức). Bốn khổ trước thuộc về sinh lý; ba khổ tiếp theo thuộc về tâm lý và khổ cuối cùng chung cho cả tâm - sinh lý.

b- Nguồn gốc của khổ đau phát sinh từ dục vọng (Tập đế) - do Thập nhị nhân duyên  (tức là 12 nhân duyên có quan hệ mật thiết, cái này làm nhân, làm duyên cho cái kia, cái này là quả của cái trước, đồng thời làm nhân cho cái sau) tạo ra chu trình khép kín trong mỗi con người, gồm: vô minh - hành - thức - danh sắc -lục nhập - xúc - thụ - ái - thủ - hữu - sinh - lão - tử.

c- Phương thuốc chữa chạy là đình chỉ mọi dục vọng (Diệt đế). Muốn diệt trừ khổ đau thì phải diệt trừ vô minh. Khi vô minh bị diệt thì trí tuệ được chiếu sáng, khi đó con người sẽ hiểu rõ được bản chất của vũ trụ và con người để thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.

d- Có một con đường mang lại sự chấm dứt đó, đấy là con đường gồm tám giới luật (Đạo đế) (Bát chánh đạo). Đấy là con đường cao quý gồm có tám nhánh, ấy là sự quán thấy đúng, tư duy đúng, ngôn từ đúng, hành động đúng, phương tiện sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúng, sự tĩnh tâm đúng. Tám nhánh của Bát Chánh đạo được phân ra làm ba nhóm:

* Nhóm thứ nhất thuộc về đạo đức hay giới luật (sila) gồm có:

a- Ngôn từ đúng(Chính ngữ): không nói dối, không dèm pha, không nói những lời hung bạo, không nguyền rủa, không ba hoa vô ích.

b- Hành động đúng (Chính mệnh): không sát sinh, không trộm cắp, tôn trọng luân lý trong lĩnh vực tính dục, giúp đỡ người khác biết sống một cách ngay thật.

c- Phương tiện sinh sống đúng (Chính nghiệp): không sinh sống bằng những nghề làm hại đến người khác và các chúng sinh khác (chẳng hạn như buôn bán khí giới, lường gạt, làm nghề đồ tể, chăn nuôi súc vật để giết thịt, phá rừng...), nói chung là phải biết tôn trọng sự sống và kính trọng tất cả chúng sinh.

* Nhóm thứ hai thuộc sự tĩnh tâm hay thiền định (samadhi) gồm có:

a- Cố gắng đúng (Chính tinh tiến): ngăn chận các thói quen tâm thần kém đạo đức phát sinh trở lại, không để cho các thứ dục vọng độc hại mới phát sinh và điều khiển mình, cố gắng tạo ra các thể dạng tâm thức lành mạnh và tốt đẹp, phát huy thêm những thể dạng tâm thức tốt sẵn có.

b- Chú tâm đúng (Chính niệm): ý thức và chú tâm vào thân xác, giác cảm, sự sinh hoạt tâm thần, tư duy và các khái niệm.

c- Tập trung tâm thức đúng (Chính định): đây là lãnh vực thiền định, chẳng hạn như sự tập trung tâm thức bằng hơi thở.

* Nhóm thứ ba là sự hiểu biết tối thượng hay Bát-nhã (prajna) gồm có:

a- Tư duy đúng (Chính tư duy): tức là từ bỏ hay là quên chính mình, không ích kỷ, yêu thương tất cả chúng sinh và bất bạo động.

b- Sự hiểu biết đúng (Chính kiến): thấu triệt được Tứ Diệu đế.

Như vậy, hơn hai thế kỷ trước, Đức Phật đã tìm ra căn bệnh khổ đauduhkha mà con người thường xuyên phải gánh chịu trên thân xác và trong tâm thức. Ngài phân tích cho chúng ta thấy nguyên nhân sâu kín của đủ mọi thứ bệnh tật đang đày đọa con người và kê ra một toa thuốc hóa giải tận cội rễ của tất cả các thứ khổ đau ấy mà Ngài gọi chung là duhkha. Phương thức của Ngài đưa ra đó là tự mỗi người hãy nhận ra sự vô minh của mình để diệt trừ nó, hãy nhận thức về tính vô thường của thế giới, tính vô ngã của chủ thể. Khi đó, con người mới tự mình đem lại an lạc trong cuộc đời mà không bị những nỗi khổ đau bám víu, đưa con người vào trạng thái bất an và lo sợ trong cuộc sống.

2- Sự vận hành của khổ đau - duhkha trong đời sống người Việt Nam hiện nay

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đã tồn tại và phát triển cả tôn giáo thế giới và tôn giáo bản địa. Theo dõi số liệu thống kê các tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ (tính đến tháng 2 năm 2011) để thấy được sự quay trở lại của tâm thức tôn giáo ở nước ta trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn. (Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ, 2011)(5). (Xem bảng số liệu thống kê).

Stt

Tên tổ chức tôn giáo

Số tín đồ

Số chức sắc

Số cơ sở thờ tự

Ghi chú

1

Phật giáo

10.000.000

42.000

15.500

Tin Lành: 2.000 điểm nhóm được đăng ký hoạt động và 10 tổ chức được công nhận; chức sắc chủ yếu tự phong.

2

Công giáo

6.100.000

20.000

6.000

3

Tin Lành

1.500.000

3.000

500

4

Cao Đài

2.471.000

12.722

1.331

5

Phật giáo Hòa Hảo

1.260.000

2.579

39

6

Hồi giáo

72.732

700

77

7

Baha’i

7.000

8

Tứ Ân Hiếu Nghĩa

70.000

409

78

9

Bửu Sơn Kỳ Hương

15.000

19

10

Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội

1.500.000

4.800

206

11

Phật đường Minh sư đạo

11.124

300

54

12

Minh lý Tam tông miếu

1.058

72

4

13

Bà-la-môn

54.068

158

37

Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu đối với người Việt. Khảo nghiệm tiến trình lịch sử Việt Nam từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta để thấy rằng, dù cho tồn tại những điều kiện khách quan của lịch sử, do những chính sách của nhà nước mỗi thời kỳ tác động vào Phật giáo, thì trong lòng nhân dân Phật giáo vẫn là một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Dưới chế độ phong kiến, tùy theo hoàn cảnh lịch sử, mỗi triều đại có sự lựa chọn trong cách ứng xử với Phật giáo khác nhau, nhưng tựu chung lại Phật giáo là một thành tố văn hóa không thể thiếu trong bức tranh văn hóa Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam hiện đại có những dấu ấn phát triển riêng, gắn với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Quân dân một lòng đồng sức chống lại súng đạn của quân thù. Trong hoàn cảnh ấy, Phật giáo một mặt vẫn tiếp tục duy trì hoạt động Phật pháp của mình, mặt khác Phật giáo cũng đồng hành với hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Có nhiều tấm gương Phật tử, Tăng sĩ hy sinh vì đạo pháp và dân tộc như Hòa thượng Thích Quảng Đức; Phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám... Nhìn lại giai đoạn lịch sử này, dường như nỗi đau khổ cá nhân của mỗi người dân tạm gác lại cho mục đích sống còn là giải phóng dân tộc độc lập. Vì thế, tính nhập thế của Phật giáo cũng thể hiện rất rõ trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Sau khi đất nước hoàn toàn được thống nhất (30-4-1975), đặc biệt là từ sau thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, các tôn giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng lại tiếp tục đồng hành với công cuộc xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh. Cuộc sống con người có nhiều tiến bộ hơn thì sinh hoạt tôn giáo cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Lý giải cho điều này, nhà nghiên cứu Phillip Taylor cho rằng: “sự hồi sinh của tôn giáo ở Việt Nam như là sự phản hồi lại những chính sách của nhà nước khi chuyển đổi nền kinh tế. Tôn giáo có thể là một phần bồi đắp cũng như đáp ứng một số nhu cầu tâm linh và tâm sinh lý của người dân khi phải đối đầu với sự bấp bênh của kinh tế thị trường; Nhà nước như là người có quyền quyết định hình thức tôn giáo nào nên loại bỏ và hình thức tôn giáo nào nên nuôi dưỡng, khuyến khích, phát triển…”(6)

Xã hội càng phát triển bao nhiêu thì cái tôi cá nhân càng được khẳng định bấy nhiêu. Về vật chất, có thể con người có được những cái mình muốn nhưng ngược lại đời sống tinh thần của họ lại rơi vào trạng thái cô đơn, sợ hãi nhiều hơn ngay giữa những thứ xa hoa trong đời sống. Họ lo sợ không có việc làm kiếm được nhiều tiền để có thể mua nhà cao, xe đẹp; càng lo sợ đến nỗi đau bệnh tật, sợ hãi bất an khi nghĩ về cái chết... Chính Đức Phật đã nói, nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước biển, nỗi đau khổ của con người luôn hiện hữu. Nếu như mỗi người không tự mình vận hành nỗi đau khổ - duhkha ấy theo một tâm thức tự tại, nhận thức được tính vô thường của vạn vật, tính vô ngã của chủ thể thì sự sợ hãi, đau khổ sẽ còn thường trực trong mỗi cá nhân.

Hiện nay, đa số người Việt Nam theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm những hành sự của Phật giáo (từ nghi thức thờ cúng, tang ma, nghi lễ cầu an, cầu siêu...). Phải chăng con người tìm thấy được ở tôn giáo này những phương thức để giải thoát khỏi nỗi khổ đau - duhkha trong cuộc đời. Phật giáo đã chỉ ra được căn nguyên của nỗi khổ, không dừng lại ở đó, Phật giáo còn đưa ra phương cách giúp con người giải thoát được những bất an, khổ đau đang hiện hữu.

Phật giáo bàn về khổ đau - duhkha ở nhiều lớp nghĩa khác nhau, nhưng cái điểm chung ở đây chính là do vô minh mà ra. Muốn diệt trừ duhkha thì con người phải diệt trừ vô minh. Mà ai là người diệt trừ khổ đau - câu trả lời là sự tự thân vận động của mỗi một con người. Sự tự thân ấy không có cách nào khác là trang bị những hiểu biết về quy luật luân hồi sinh tử, thuyết vô ngã, vô thường mà giáo lý đạo Phật đã chỉ ra cho mỗi chúng ta. Khi mà con người đã nhận thức rõ được bản chất của vạn vật được vận hành theo quy luật sinh tử luân hồi, vô ngã, vô thường thì khi đó con người đối mặt với khổ đau - duhkha một cách rất an nhiên tự tại. Đó chính là giá trị của đạo Phật mang lại cho chúng sinh.

Kết luận

Phật giáo chủ trương giúp con người giải thoát khỏi khổ đau - Duhkha ngay chính cuộc sống hiện tại. Khi con người nhận thức được căn nguyên của khổ là do vô minh, vạn vật đều vận hành theo quy luật vô thường, vô ngã, nhân quả. Khi đó, con người tự mình luyện tập, tự mình vượt lên chính những khổ đau ấy bằng một tâm thế an nhiên tự tại, làm được như vậy con người đã tu đạt đến cõi Niết-bàn - tức là con người tự giải thoát được thân tâm khỏi khổ đau, đạt đến trạng thái tĩnh tại, vô lo.

Việt Nam là quốc gia tồn tại nhiều tôn giáo, trong đó Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất. Phật giáo có những quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan gần gũi với hiện thực cuộc sống con người. Cuộc sống con người ngày càng phát triển về vật chất thì nhu cầu tinh thần của con người cũng không ngừng tăng lên, trong đó, nhu cầu tâm linh có xu hướng tăng mạnh mẽ. Tính bất ổn của cuộc sống, sự lo lắng về vật chất và sở hữu vật chất cũng là căn nguyên làm cho nỗi lo lắng của con người tăng lên. Cùng với sự gia tăng bệnh tật, sự biến đổi khí hậu, những thiên tai bất ngờ đổ xuống, sự sợ hãi khi nghĩ về sự sống và cái chết... Tất cả những điều đó làm cho con người rơi vào trạng thái khổ đau.

Khi đến với Phật giáo, con người không chỉ nhận thức được bản chất của khổ đau mà còn biết cách giải thoát khỏi những khổ đau ấy ngay tại cuộc sống hiện hữu. Đó chính là tính nhân văn mà Phật giáo đem lại cho cuộc sống nhân loại.

TS. Hoàng Sĩ Nguyên - ThS. Lê Thu Huyền

_________________________________

(1) Hoàng Tâm Xuyên, (2012), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.214.

(2)  Trích theo: Hoang Phong. Khổ đau phát sinh và vận hành như thế nào. Nxb. Phương Đông, 2012, tr209.

(3) Hoang Phong, sđ d, tr.209.

(4) Trích theo Thích Thiện Siêu. Vô ngã là Niết-bàn. Nxb. Tôn giáo, 2002, tr43.

(5) Trích theo: Đỗ Quang Hưng.  Tái cấu hình đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Những thách thức về mặt pháp lý. Đăng trên http://www.btgcp.gov.vn (Mục:Công tác nghiên cứu khoa học, trao đổi ý kiến)

(6) Trích theo:Phillip Taylor, Modernity and Re-enhantment in Post-revolutionary Vietnam, 2007, p.7-15.

*************

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Đỗ Quang Hưng (2012), Tái cấu hình đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Những thách thức về mặt pháp lý. Đăng trên http://www.btgcp.gov.vn (Mục:Công tác nghiên cứu khoa học, trao đổi ý kiến)

2- Phillip Taylor (2007), Modernity and Re-enhantment in Post-revolutionary Vietnam, p.7-15.

3- Hoang Phong (2012), Khổ đau phát sinh và vận hành như thế nào, Nxb. Phương Đông, tr209.

4- Phòng Thông tin tư liệu - Ban Tôn giáo Chính Phủ (1995), Một số tôn giáo ở Việt Nam (tài liệu tham khảo - lưu hành nội bộ), Hà Nội, tr.47.

5- Thích Thiện Siêu (2002), Vô ngã là niết bàn. Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr43.

6- Hoàng Tâm Xuyên (2012), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 569.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.