Đây như là ngôi chùa của sư cô, tuy cơ sở vật chất còn tạm bợ nhưng được cái là đất chùa rộng hơn 2.000m2, nếu bỏ tiền ra mua thì sư cô khó có thể mua được miếng đất rộng như vậy, nhưng đây là cơ duyên, mẹ của sư cô đã hiến cúng toàn bộ số đất này để cho cô xây chùa, công đức vô lượng.
Chú tiểu học bài - Ảnh minh họa
Tuy chùa ngay rìa thành phố, hai mặt giáp với nghĩa trang, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, xa khu dân cư, nhưng bù lại là sự yên tĩnh. Sự yên tĩnh của ngôi chùa và tiếng tăm đức hạnh của sư cô khiến cho ngôi chùa ngày càng đông khách thập phương đến tu tập, tuy chỉ mới hơn ba năm. Lần đầu tiên đến tịnh thất Viên Quang tôi thấy hình như có cái gì đó thân quen.
Mới bước vào cổng thấy một tiểu mặc chiếc áo nhật bình màu lam, tươi cười vái chào: “Mô Phật! Chào bác Đ.!”. Tôi đã nhận ra đây là cháu Rốt, cháu của người bạn, vì cháu là con thứ tư của đôi vợ chồng này đã bị vỡ kế hoạch nhiều lần, cho nên gọi cháu là Rốt (có nghĩa là út thôi không đẻ nữa). Không gặp cháu chưa tới một năm, bất ngờ cháu đã trở thành một “chú Tiểu” chững chạc nhiều, cháu lại cho tôi một thông tin bất ngờ khác: “Mẹ cháu vừa đẻ thêm một em bé đặt tên là Rôn”.
Đúng gần một năm tôi không ghé thăm nhà tiểu Rốt, (Tiểu có một cái tên đạo do sư cô đặt cho là Nguyện, nhưng trong chùa gọi tiểu Rốt nghe hay hay nên quen gọi tên này) cho nên mọi sự thay đổi không ngờ, qua buổi chuyện trò đàm đạo với sư cô mới biết rõ hơn về lý do đi tu của tiểu Rốt. Năm ngoái tiểu Rốt có người anh 15 tuổi, xuất gia tu học ở chùa tỉnh hội, Tiểu đi chùa thấy anh đã trở thành một chú tiểu rất oai nghi, về nhà nói lên nguyện vọng này với ba mẹ và như vậy là cháu đi luôn, rất dễ dàng!
Tiểu Rốt 10 tuổi thôi mà rất sáng dạ, kinh kệ thuộc khá nhiều rồi, học hành chăm chỉ, hình ảnh tiểu Rốt cầm cái chuông nhỏ đứng cạnh sư cô trong những buổi lễ thật là đẹp, khiến cho những đạo hữu hành lễ khi nhìn Tiểu cũng thấy thương thương: “Con cái nhà ai, mới chừng ấy tuổi đã rời xa cha mẹ, thật tội nghiệp”, nhưng tiểu Rốt rất vui, miệng luôn tươi cười, ai đến ai về Tiểu mau mồm mau miệng chào hỏi ríu rít như chim sáo.
Có người hàng xóm với nhà tiểu Rốt, buông chuyện đoán gần đoán xa: “Cha thì đi xe ôm, bác thì tâm thần (ông bác này là bạn tôi, thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm để giúp đỡ bác này một ít áo quần, tiền bạc gọi là tình bạn đồng môn đồng sư thời thơ ấu), mẹ thì chỉ lo đẻ, không cho con đi tu thì lấy gì mà nuôi, ông anh đi năm trước, cô em đi năm sau...”. Sư cô cho rằng dư luận người ta ưng nói gì thì nói, nhưng người ta nói nghèo không có ăn phải cho con đi tu là hoàn toàn không chính xác. Sư cô xác nhận tiểu Rốt có căn tu, tương lai của Tiểu rất triển vọng.
Về sau tôi đến ngôi tịnh thất Viên Quang này rất đều và thường mua tặng Tiểu sách bút, kem đánh răng và thứ mà Tiểu thích nhất là kẹo cao su. Tôi chọc Tiểu ăn kẹo nhiều sún răng là người ta gọi là tiểu “Sún” đấy.
Từ khi biết ngôi chùa tiểu Rốt ở, bác Hai tâm thần của Tiểu thỉnh thoảng đến thăm, mỗi lần đến sư cô đều sai tiểu Rốt mang nước và bánh trái hoa quả mời bác Hai ăn, còn gói một túi cho bác mang về cho em bé Rôn ở nhà nữa. Bác điên nhưng bác không phá phách chi ai, nghe đâu hồi trẻ bác có yêu một cô gái đẹp lắm, sau đó cô đi lấy chồng, vậy là bác thất tình đến giờ.
Nhân dịp tôi có người bạn cùng lớp về thăm quê, muốn ghé thăm nhà bác Hai và giúp bác Hai chút ít tiền gọi là tình bạn tương thân tương ái. Hai chúng tôi đến vào buổi sáng sớm vì sợ đến muộn không gặp bác Hai. Khi hai chúng tôi đến trước ngõ, thấy tiếng ồn trong nhà, bác Hai đang ăn chuối, ba của tiểu Rốt cầm cây chổi đánh nhẹ vào mông bác Hai và nói lớn: “Chuối đã cúng đâu mà bác đã bẻ ăn”. Khi đó tiểu Rốt từ nhà sau đi lên kéo ông ba ra, ôm lấy bác Hai rưng rưng nước mắt. Còn bác Hai thì bình thản vừa ăn chuối vừa cười như không có chuyện gì xảy ra.
Thấy chúng tôi bước vào, bác Hai từ trong tiềm thức sâu thẳm hình như đã nhận ra chúng tôi là người quen, nên đưa tay chào theo kiểu nhà binh rồi mời chúng tôi ngồi. Vỡ lẽ ra, chúng tôi đến đúng ngày giỗ của cụ bà thân sinh ra bác Hai, trên bàn thờ đặt hoa quả bông chuối tươm tất, nhưng chuối đã bị bác Hai bẻ mất hai quả. Tôi nói với ba của tiểu Rốt: “Không sao đâu anh à, vong linh ông bà sống khôn thác thiêng về đây thấy bác Hai như vậy cũng không nỡ nào quở trách đâu”.
Chúng tôi ra về, nhưng hình ảnh rất đẹp của tiểu Rốt đang khóc sà vào lòng người bác điên khùng để che chở cho bác ấy, khiến tôi vô cùng xúc động nên đọc liền mấy câu: “Chắp tay tôi xá/ Chú tiểu quét hiên/ Mai sau chú lớn/ Thành ông Bụt hiền”.
Cùng quý độc giả: Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm. Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ. Giác Ngộ |