Tiếng nói chung trong các dị biệt về tôn giáo và văn hóa

GN - Như GN đã đưa tin, từ ngày 9 đến 11-7 vừa qua, Viện Nghiên cứu Phật học VN và Hiệp hội Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa Nam Á và Đông Nam Á - Ấn Độ đồng tổ chức Hội thảo chủ đề “Vùng ASEAN và Nam Á: Nơi giao hòa của Văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á” tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP.HCM). 

HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, đồng Trưởng ban Tổ chức đã có bài phát biểu khai mạc. GN trích giới thiệu cùng quý độc giả.

H5.jpg
HT.Thích Trí Quảng phát biểu khai mạc

“Không có hòa bình sẽ không có phát triển và tiến bộ đích thực. Chiến tranh và các xung đột bạo lực khắp thế giới đã tạo ra các khổ đau bất tận trong lịch sử quá khứ và tiếp tục đe dọa sự hiện hữu hòa bình của nhân loại. Kết quả là, nhân loại cần nhấn mạnh một cách có ý nghĩa, xây dựng hòa bình và sự phục hồi hậu xung đột. Trong thế giới đẫm lệ bởi xung đột, mâu thuẫn và đe dọa tiềm tàng của chủ nghĩa khủng bố, cũng như các bạo lực dân tộc đã ảnh hưởng đến xã hội và cá nhân thì việc xây dựng nền hòa bình bền vững đã trở thành thách thức toàn cầu nghiêm trọng.

Hơn thế nữa, trong thế giới hiện tại, bất kỳ khi nào nhân loại và xã hội đang chìm trong xung đột, con người có khuynh hướng dùng đến bạo lực; thay vào đó, chúng ta nên giải quyết vấn nạn bằng cách sử dụng hòa giải hơn là bạo lực như một công cụ nhằm quản trị xung đột. Hòa bình do đó được xem là sự lựa chọn tốt nhất.

Các bất bình đẳng giới tính là chủ đề được thảo luận sống động ngay cả trong thế giới hiện đại hôm nay. Các bạo lực chống lại phụ nữ, các thiếu sót về quyền phụ nữ, sự chênh lệch tiền lương… gây ra các thảm họa cho phụ nữ, ngay cả trong các nước phát triển. Đây là những điều được tìm thấy nghiêm trọng tại các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á. Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia ủng hộ và trao quyền cho phụ nữ trong các cộng đồng phồn thịnh về kinh tế và xã hội thì đồng lúc đó, các tập tục địa phương và các thói quen liên thế hệ là rất khó phá vỡ, tạo ra vòng lạm dụng chống lại phụ nữ vốn rất khó thay đổi kịp thời.

Các nghiên cứu học thuật Phật giáo đã cung cấp các tuệ giác vào tâm cũng như sự phát triển của nó thông qua giáo dục. Với sự nhấn mạnh “sự vật trong chính nó”, Phật giáo chỉ ra con đường, phương tiện tập thể và cá nhân khảo cứu về tâm và các điều kiện phát sinh vô giá trong thế giới hỗn loạn ngày nay. Theo cách này, giới trẻ sẽ hướng đến trí tuệ hơn là kiến thức đơn thuần và tìm ra cách làm việc cùng nhau trong các thiết chế đồng sáng tạo, hòa hợp, dựa trên tâm từ bi, thay vì lòng tham. Với động cơ, thiền quán và sự nhấn mạnh về phương tiện quyền xảo, Phật giáo tìm ra các hình thái phá hủy vô minh và mở ra các viễn cảnh mới cho học thuật tích cực.

Nhiệm vụ của các thiết chế học thuật tôn giáo là giữ gìn tinh thần trí tuệ châu Á sống động và làm cho trí tuệ này mang lại lợi ích cho nhân loại. Nhìn từ chiều kích này, giáo dục Phật giáo đóng vai trò ý nghĩa và thực tiễn trong thế giới hiện đại.

Hãy để các tư tưởng cao quý trở thành ánh sáng dẫn dắt thế giới, xóa đi vô minh trong tâm trí mỗi người, mang sự phát triển đến với khả năng bền vững vì nhân loại, và quan trọng hơn, vì hòa hợp và hòa bình trên thế giới này”.

HT.Thích Trí Quảng

........................

(Tựa của GN)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.