GN - Kể từ năm 2009 đến nay, ngày nào chùa Từ Quang (B1/7 Quốc lộ 1A, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng tiếp nhận phương danh người gửi cầu siêu thai nhi…
Hóa giải nỗi khuất tất trong lòng
Chính vì lẽ đó mà khi nhắc tới chùa Từ Quang, ai cũng gọi là “chùa cầu siêu thai nhi” - nơi tổ chức trai đàn cầu siêu thai nhi - một nhu cầu có thật, trong nỗi trăn trở, giày vò của những người mẹ, người cha lỡ lầm, chọn giải pháp bỏ hài nhi, núm ruột của mình.
Lễ cầu siêu thai nhi tại chùa Từ Quang (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: CTV
Trong số những lần cầu siêu thai nhi, có lần, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân - một vị bác sĩ nghỉ hưu đã đứng lên khóc ngất sau khi nghe thầy giảng sư chia sẻ đề tài “Mẹ ơi, xin đừng bỏ con”. Bác sĩ Vân nói, bà đã làm nghề phá thai này nhiều năm, chính bà đã giết chết hàng ngàn sinh linh bé bỏng khi các em chưa chào đời. Biết Phật pháp, bà ngộ ra rằng, đó là nghề không tốt, gây ra nghiệp ác quá nặng, nên bà đứng giữa đại chúng bộc bạch, sám hối - thầy Giác Thiện kể. |
“Lễ cầu siêu thai nhi vì thế không đơn thuần là cầu nguyện cho hương linh thai nhi siêu sanh mà trở thành lễ… sám hối của những bậc làm cha làm mẹ. Ở trong sâu thẳm tâm hồn những ai từng bỏ thai nhi hay thậm chí là vô tình làm hư thai cũng đều cảm thấy ray rứt, thấy xót xa vì không giữ lại (hoặc không giữ được) giọt máu của mình” - ĐĐ.Thích Giác Thiện, trụ trì chùa Từ Quang cho biết.
Chính vì hiểu được điều đó, nên năm 2009 nhà chùa quyết định tổ chức lễ trai đàn cầu siêu thai nhi. Thời điểm được chọn là vào tháng Tám, mùa Trung thu; lúc đó cô Phật tử Liên Thành (người thành khẩn xin chùa tổ chức một trai đàn dành riêng cho thai nhi) chỉ thông báo “nội bộ” khoảng 250 người “đồng bệnh tương lân”. Thế nhưng, sau khi thông báo được truyền đi bằng miệng đó thì tới ngày lễ chính, con số hương linh thai nhi đăng ký cho trai đàn này là trên 5.000 - 6.000. Đại đức trụ trì đặt vấn đề: “Tại sao số lượng hương linh đăng ký lại nhiều như vậy, nếu không phải là nhu cầu để những người mẹ, người cha gửi gắm đứa con xấu số của mình?”.
Rõ ràng là vậy, vì chính từ những ngày diễn ra trai đàn cầu siêu thai nhi, Ban Tổ chức đã ghi nhận được rất nhiều hình ảnh xót xa, khóc ngất, những thì thầm khấn nguyện trong nỗi ân hận của những bà mẹ, có người trung niên, có những người còn rất trẻ. Ở đó, không chỉ là buổi lễ mang tính chất tâm linh cầu khấn mà còn có chương trình thuyết pháp, dựa trên lời dạy về phá thai mang nghiệp nặng mà Phật đã thuyết trong kinh Diệt tội trường thọ cũng như luân lý đạo đức làm người trong việc giữ gìn thai nhi, chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Rồi sau đó, hàng tháng, tại chùa Từ Quang đều có lớp học chia sẻ về kỹ năng sống liên quan tới tình yêu, gia đình cùng những giá trị thiện lành trên tinh thần khoa học và lời Phật dạy. “Chủ yếu là để các bạn trẻ bước vào đời có một chút kiến thức, làm tư lương trong cuộc sống để không bừa bãi trong quan hệ, cũng như biết bảo vệ bản thân mình trước cám dỗ của dục lạc…”, thầy trụ trì nói.
Đánh thức ý thức cộng đồng
Đó chính là ý thức sống hướng thiện, hướng thượng, đừng ham đắm dục lạc để rồi phải rơi vào nỗi khổ đau, dằn vặt suốt đời vì lỗi lầm của mình. Đại đức Giác Thiện chia sẻ: “Năng lượng tình dục ai cũng có cả, tuy nhiên, việc thỏa mãn nó chỉ làm con người vui nhất thời nhưng nếu không cẩn thận, để cho nó chế ngự mình thì sẽ sinh ra hệ lụy, trong đó có việc mang thai ngoài ý muốn, dẫn tới phá thai, rồi đau khổ dai dẳng”. Thầy cũng cho rằng, nếu lỡ mang thai thì tuyệt đối không nên phá, bởi sẽ có tác động lâu dài về mặt nhân quả. Đại đức nói về nhân quả trong chiều sâu quá khứ, hiện tại, vị lai, chứng minh rằng, con người ngày càng đối xử tệ bạc, ác độc với nhau, thế giới chiến tranh, loạn lạc cũng có một phần của việc phá thai - sát hại con người.
Thầy chia sẻ: “Thử tưởng tượng, khi ai đó nói nặng nhẹ với mình một câu mà có khi mình còn buồn giận mấy ngày, huống hồ là tác động - hành động dẫn tới giết chết một sinh thể (dẫu chỉ là dạng bào thai, nhưng đã có thần thức, cảm và hiểu được). Đặc biệt là người đưa tới cái chết cho thai nhi đó chính là mẹ, cha mình thì nỗi oán hận trong tâm thức hài nhi đó sẽ càng lớn, và trong vòng luân hồi sẽ trở nên oán thù, xâm hại lẫn nhau…”.
Trên cơ sở đó, thầy còn cho rằng: “Nếu sống đẹp trong tình yêu, biết giữ gìn để không xảy ra những hệ lụy đau lòng như phá thai cũng chính là góp phần gìn giữ thế giới này trở nên thân ái, hòa bình”. Qua chương trình, không chỉ có dưỡng nuôi ý thức đó, mà nhà chùa còn làm từ thiện từ chính số tịnh tài mà những bà mẹ có con ký tự, gửi vào lễ trai đàn này. Vì theo thầy, để những hương linh ấy được siêu thoát hay ít ra được an ủi thì phải có phước đức hồi hướng. Ngoài phước lực do chư Tăng Ni chứng minh, yểm trợ, từ sự cầu nguyện sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ-tát thì việc tạo phước điền do sự hỷ cúng của cha mẹ các hương linh hài nhi cũng thêm năng lượng lành tốt giúp họ vượt thoát khổ đau…
Phong Châu
___________________
- Bài 1: Nỗi đau & ân hận muộn màng
- Bài 2: Lời khuyên chân thành