Di ảnh Hòa thượng Thích Minh Đàn nơi Tổ đường chùa Vĩnh Tràng |
Hòa thượng Thích Minh Đàn, pháp danh Tâm Liễu, tự An Lạc. Ngài là người làng Mỹ Phong, tổng Thạnh Phong, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang); là đệ tử của cố Hòa thượng Trà Chánh Hậu.
Sau khi kế vị Hòa thượng ân sư giữ gìn chốn Tổ, năm 1930, Hòa thượng Thích Minh Đàn đứng ra trùng tu chùa Vĩnh Tràng với quy mô, kiến trúc hài hòa giữa văn hóa xứ chùa Tháp và lối kiến trúc phương Tây như hiện nay.
Đặc biệt, ngài cho xây dựng lại tam quan, mặt tiền chùa, chánh điện, Tổ đường và bảo tháp Hòa thượng bổn sư bằng đá trắng của Đà Nẵng.
Chư tôn đức thành kính đảnh lễ trước hương án Hòa thượng Thích Minh Đàn |
Tam quan với kiến trúc độc đáo do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933. Về kinh phí được ông Huỳnh Tri Phú và Lý Văn Quang hỗ trợ. Tam quan ở giữa bằng sắt lâu nay vẫn đóng kín. Hai cổng bên xây gạch vươn cao như hai tòa lâu đài cổ.
Nét độc đáo của tam quan chùa Vĩnh Tràng thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện tích dân gian và những đề tài tứ quý, tứ linh, hoa lá…
Dấu ấn về công đức của cố Hòa thượng Thích Minh Đàn đối với chùa Vĩnh Tràng là rất lớn. Ngôi chùa ngày nay là trung tâm văn hóa, hành chánh của Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang ghi tạc công đức này đối với lịch đại Tổ sư và chư vị tiền bối nơi đây.
Dâng phạn thực cúng dường trong ngày tưởng niệm |
Dịp này, Thượng tọa Thích Quảng Lộc, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Quản trị chùa Vĩnh Tràng cùng chư tôn đức Ban Chức sự trường hạ đã cung đối trước Tổ đường dâng hương tưởng niệm; thành kính nguyện cầu chư Tổ sớm “tái hiện đàm hoa” để tiếp tục hoằng dương Phật pháp, làm lợi lạc nhân sinh.