Tại buổi tọa đàm, nhà văn Trần Thùy Mai, tác giả tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” đã phát biểu giới thiệu cơ duyên viết nên tiểu thuyết. Bộ sách gồm hai quyển, lấy bối cảnh hậu cung để làm nền cho câu chuyện về cuộc đời bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, sau trở thành Hoàng Thái hậu Từ Dụ.
Thời gian tác phẩm trải dài 30 năm, qua ba triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; từ lúc Phạm Thị Hằng 13 tuổi theo cha ở phương Nam về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung.
Thượng tọa Thích Phước Đạt, Phó Thường trực Ban Giáo dục T.Ư phát biểu |
Ngoài trục trung tâm xoay quanh bà Từ Dụ, tiểu thuyết mở rộng biên độ với các nhân vật tương ứng mối quan hệ quân thần, huynh đệ. Những yêu ghét, hận thù, toan tính, thủ đoạn cùng tồn tại trong hậu cung, được hóa giải bằng tình yêu, lòng từ bi, nổi bật là hình tượng Từ Dụ thái hậu - người phụ nữ ở trung tâm quyền lực triều Nguyễn. Tác phẩm từng đoạt giải Sách Hay hồi tháng 9-2020.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam cho biết Ban Tổ chức chọn tỉnh Tiền Giang làm một trong những điểm để tổ chức buổi tọa đàm chủ đề của tiểu thuyết này cũng vì nơi đây chính là quê hương của Từ Dụ thái hậu.
Các nhà văn, nhà thơ tham dự buổi tọa đàm đã bày tỏ cảm xúc của mình khi đọc tiểu thuyết và chúc mừng đến nhà văn Trần Thùy Mai vì tác phẩm đã đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm của Hội Nhà văn Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Buổi tọa đàm được diễn ra trong không khí ấm cúng, qua đó giúp cho các Tăng Ni sinh đang theo học tại Trường Trung cấp Phật học Tiền Giang hiểu thêm về nhân vật lịch sử “Từ Dụ thái hậu”, một người con của vùng đất Tiền Giang.