Tích đức theo cách đơn giản nhất?

Tích đức theo cách đơn giản nhất?
0:00 / 0:00
0:00
GNo - Theo Phật giáo, vun bồi phước đức là một trong những pháp tu quan trọng, được thực hiện liên tục trong đời sống hàng ngày. Tùy vào khả năng, điều kiện và hoàn cảnh thực tế của mỗi người mà thực hiện việc tích đức trồng phước khác nhau.

GNO - Tôi nhận thức được rằng, con người sống trên đời cần phải tích đức. Vậy xin hỏi quý Báo, theo Phật giáo, cách nào đơn giản nhất để tích đức?

(TUYẾT NHI, tuyetnhids...@gmail.com)

Bạn Tuyết Nhi thân mến!

Tích đức là tích lũy công đức, vun bồi phước báo để trang nghiêm tự thân, giúp cho đời sống trong hiện tại và tương lai luôn được an lạc. Những ai từng kinh qua những biến động, thăng trầm trong cuộc sống đều biết rõ “có tài mà cậy chi tài”. Bởi tài năng chỉ là điều kiện cần, phước đức mới là điều kiện đủ để phát triển ổn định, thành công lâu dài trong cuộc sống. Cho nên những ai ỷ tài, cậy thế mà sống vô nhân, thất đức thì sớm muộn gì cơ nghiệp cũng sụp đổ do hết phước.

Theo Phật giáo, vun bồi phước đức là một trong những pháp tu quan trọng, được thực hiện liên tục trong đời sống hàng ngày. Tùy vào khả năng, điều kiện và hoàn cảnh thực tế của mỗi người mà thực hiện việc tích đức trồng phước khác nhau.

Trước hết, phát tâm quy y Tam bảo tạo ra phước đức vô cùng to lớn. Đây là bước ngoặt quan trọng trong đời sống của một người. Ngày trước chưa quy y, chúng ta sống theo thói quen với những tri thức, tập tục, quan niệm và định kiến riêng. Khi đã quy y Tam bảo, người Phật tử đã có một định hướng sống thiện lành, tránh được việc sai trái và xấu ác, nhờ vậy phước đức tăng trưởng.

Song hành với quy y, người Phật tử phát tâm tuân giữ năm nhân cách đạo đức (không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện) để tự hoàn thiện chính mình là đại phước. Chỉ cần gìn giữ một phần hay toàn phần năm nhân cách đạo đức ấy thì không chỉ cá nhân, gia đình mà cả xã hội đều được an lành. Người giữ gìn năm giới quý báu chắc chắn là một công dân tốt, một Phật tử chuẩn mực. Người không giữ giới hay bị khuyết giới nhiều quá thì phước đức suy giảm, lâu dần sẽ hết phước.

Kế đến, để tích phước, mỗi người cần phát tâm sống thiện lành để bòn phước, tích đức hàng ngày. Sống thiện lành bao gồm nhiều lĩnh vực trong đời sống như: tập cho đi, thường giúp người, hành hỷ xả và tha thứ, thấy rõ nhân quả của những hành vi thiện ác, phát tâm tu tập.

Cho đi là tâm hạnh sẻ chia trong điều kiện và khả năng của mình. Dễ nhất là nhường cơm sẻ áo, cho đi một phần tài sản (tài thí). Cũng có thể chia sẻ kiến thức khiến người thấy rõ đúng sai, biết hướng thiện và sống có đạo lý (pháp thí). Dành thời gian để an ủi khi người gặp nạn, trấn an vỗ về khi người sợ hãi, lắng nghe để thấu hiểu giúp người nhẹ lòng, vơi bớt khổ đau (vô úy thí).

Sẵn sàng giúp người trong khả năng của mình cũng là cách tích phước hiệu quả. Chúng ta thường hay bỏ qua nhiều cơ hội giúp người trong tầm tay vì nghĩ các việc ấy nhỏ nhặt, hoặc không liên quan, không phải là việc của mình, chính điều này khiến ta lãng phí cơ hội vun bồi phước đức. Đơn cử như giúp đỡ cho người già, phụ nữ mang thai, trẻ em; giúp đỡ người tàn tật hay bị hoạn nạn v.v...

Hỷ xả và tha thứ cho lầm lỗi của người cũng giúp mình tích đức. Bởi ta cũng thường lầm lỗi nên ai có lỗi với mình thì hãy tha thứ và hỷ xả. Chuyện gì đã qua thì hãy cho qua để tâm thanh thản, luôn hướng đến những điều tốt lành của người để thêm tin yêu vào cuộc sống.

Thấy rõ nhân quả của những hành vi thiện ác để sống thiện lành là nền tảng của sự tích đức. Người thấy rõ và tin hiểu nhân quả nên việc xấu ác sẽ không làm, việc thiện lành thì cố gắng làm, nhờ đó phước đức tự thân ngày càng tăng trưởng.

Điều quan trọng để tích đức chính là tu tập, sửa đổi thân tâm của chính mình. Chuyển ba nghiệp thân (giết hại, trộm cướp, tà hạnh), khẩu (nói dối, nói thô ác, nói chia rẽ, nói xu nịnh), ý (tham lam, sân hận, si mê) từ xấu ác sang hiền thiện chính là cách tích phước, bồi đức mạnh mẽ và hiệu quả nhất.

Tóm lại, phước đức sẽ nâng đỡ cho đời sống con người được bình an, tốt lành. Phước đức không tự có nên phải thường xuyên vun bồi. Nhiều người không biết điều này nên vô tư hưởng phước cũ mà không tạo ra phước mới, đến khi hết phước cơ nghiệp và thọ mạng đều sụp đổ. Vì thế hãy sống thiện, làm lành theo lời Phật dạy thì phước đức sẽ sung mãn, phước càng nhiều thì sẽ khắc chế và chuyển hóa được tai họa, khiến cho đời sống trở nên có ý nghĩa, hạnh phúc và an vui hơn.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.