HỎI: Tôi xuất gia được 3 năm, hiện cuộc sống thiền môn của tôi luôn gặp phiền não. Có lần tôi phạm lỗi với thầy nên đã sám hối và phát nguyện trước Đức Phật rằng sẽ không bao giờ có ý tưởng bỏ đi nơi khác. Nhưng rồi thời gian trôi qua, tôi thật sự bất an bởi thầy không thương tôi giống như các huynh đệ khác. Tôi đau khổ lắm vì lòng rất thương thầy.
Sự phiền não ảnh hưởng rất nhiều đến việc tu cũng như việc học nhưng tôi không buông bỏ được tình cảm của mình. Trong thâm tâm tôi thật sự yêu quý đường tu của mình, kính yêu Đức Phật, thương cuộc sống trong chùa nhưng lại quá đau khổ vì lụy vào ái chấp. Tôi thật sự muốn thoát ra và không biết nên làm thế nào vì đã nguyện với Đức Phật ở lại. Xin quý Báo hãy giúp tôi.
(CHÚ TIỂU, ncon075...@gmail.com)
Bạn Chú Tiểu thân mến!
Trước hết, chúng tôi khá mừng cho bạn vì bạn đã bắt đầu thấy ra nguyên nhân chính yếu của vấn đề, đó là “quá đau khổ vì lụy vào ái chấp”. Đức Phật đã xác quyết, nguyên nhân của khổ là tham ái và vô minh. Ái dù bất cứ hình thái nào: ái tình, ái dục, ái luyến, ái chấp, ái ta, ái người, ái thầy v.v… cũng đều dẫn đến khổ đau.
Chỉ có tâm từ mới là yêu thương đích thực, tình yêu của từ tâm rộng lớn như mẹ yêu con, như Phật thương chúng sinh, luôn mang đến lợi mình và ích người. Nhưng tâm từ không có sẵn, phải tưới tẩm và vun bồi mới được nuôi lớn để chan hòa. Còn bình thường yêu thương theo nghiệp, dù là thương thầy thì cũng chỉ là tâm ái hoặc tâm từ trá hình. Nếu không phải tâm từ thì càng “yêu nhau lắm, cắn nhau đau” mà thôi. Hiện khá nhiều người chưa phân biệt được tâm ái và tâm từ, thậm chí ngộ nhận ái là từ, rồi yêu thương, rồi đắm chìm trong đau khổ.
Thế nên, việc đầu tiên bạn phải thấy rõ khổ đau của bạn là do quá thương thầy, chính xác là luyến ái thầy. Phải nhổ cái gốc rễ luyến ái này lên thì mới hết khổ đau. Đành rằng, khi xa gia đình thế tục vào chùa sống đời xuất gia, mỗi người đều cần tình thương của thầy và huynh đệ. Tuy nhiên, tình thương và quý kính nhau của người xuất gia cần chừng mực, nhất là phải đúng pháp, ái kính lẫn nhau để hướng đến đoạn tận ái. Thương thầy bằng sự kính quý, chân thành phụng mạng nhưng phải tuân theo những quy định của giới luật. Giới luật của người xuất gia quy định rất rõ ràng về cách tôn kính thầy.
Khi đã chấp nhận sống đời xuất gia thì phải là người “biết sống một mình”, điểm tựa vững chắc nhất cho bản thân chính là nương tựa chính mình. Ngay cả thầy cũng chỉ là người chỉ đường, trợ duyên cho mình biết cách “nương tựa chính mình” mà thôi. Và như thế, thầy có thương mình ít mà thương các huynh đệ khác nhiều cũng là chuyện thường tình. Thầy thương bao nhiêu nhờ bấy nhiêu, thậm chí thầy thương ít hoặc không thương (không ghét) cũng chẳng sao. Bạn bất an và đau khổ khi thấy thầy thương huynh đệ nhiều hơn là do tâm ái chấp của bạn chi phối, dẫn dắt nên mới ra cớ sự. Bất an và đau khổ của bạn trong tình huống này nhuốm màu ấm ức, ganh ghét, đố kỵ (như ghen tuông) là tâm ái và tâm sân cần phải trị liệu và chuyển hóa.
Điều bạn cần làm là tìm cách chuyển hóa tâm ái yêu thành ái kính. Bạn đã “thật sự yêu quý đường tu của mình, kính yêu Đức Phật, thương cuộc sống trong chùa” thì hãy mở rộng tấm lòng, kính yêu thầy hết lòng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Bạn nên dành thời gian lễ bái sám hối nghiệp ái, trầm tư về ái là nguyên nhân của mọi đau khổ cho bạn, quan trọng nhất là trau dồi giới-định-tuệ để chuyển hóa. Giới giúp bạn ái kính thầy như Phật, định giúp bạn tập trung tư tưởng và ổn định tinh thần, tuệ giúp bạn sáng tỏ ái dục là khổ để xả ly.
Sau một thời gian nỗ lực sám hối và tu tập mà không chuyển hóa tích cực thì giải pháp tiếp theo là bạn nên tránh duyên, thoát ly khỏi người xưa cảnh cũ. Bạn đã khấn nguyện trước Đức Phật sẽ ở lại thì cũng có thể khấn nguyện xin Phật ra đi nhằm thuận lợi hơn cho tu tập. Đức Phật từ bi luôn tạo điều kiện cho hàng đệ tử tiến tu. Vì thế bạn hãy mạnh dạn khấn nguyện với Phật, trình thưa với thầy và rời đi mà không có gì thất kính. Tuy vậy, tránh duyên cũng chỉ là giải pháp tạm thời, phát huy giới-định-tuệ để chuyển hóa ái nghiệp của bản thân mới là cách trị liệu tận gốc.
Chúc bạn tinh tấn!
(tuvangiacngo@yahoo.com)