GNO - Tôi năm nay 27 tuổi, thỉnh thoảng có theo mẹ đến chùa lễ Phật, làm từ thiện. Có chuyện lạ là từ nhỏ lúc tôi chưa biết gì về đạo Phật cho đến nay, tôi hay nằm mơ toàn thấy những việc liên quan đến Phật pháp. Cụ thể là: Lúc trước tôi hay nằm mơ đi đến các chùa. Những năm gần đây, tôi mơ thấy bà ngoại (đã mất khoảng 10 năm trước) với vẻ mặt đau khổ. Tôi khuyên bà niệm Phật rồi cùng niệm với bà thì bỗng nhiên bà hết đau đớn và mỉm cười.
Rồi tôi lại mơ thấy một nhà sư ôm bình bát đi khất thực trên vùng núi đá khô cằn. Một lần khác, tôi mơ thấy kiếp trước tôi chết được chôn dưới một gốc thơm (khóm) trong vườn và đầu thai vào chính ngôi nhà hiện nay. Trong một giấc mơ khác, tôi bị lạc vào một hoa viên rất đẹp có gắn bảng hiệu là “Vườn Bát Nhã”. Tôi thực sự không biết vườn Bát Nhã là vườn gì. Hỏi mẹ thì nghe mẹ nói kinh Phật có một bộ kinh tên Bát Nhã.
Gần đây tôi mơ thấy Bồ-tát Quán Thế Âm. Trong mơ, Ngài biến ra nhiều hình tướng khác nhau, có khi là thân nam chứ không phải chỉ hình ảnh thân nữ như thường thấy. Có một việc rất lạ nữa là trong lúc ngủ, mỗi khi gặp ác mộng hay sợ hãi thì trong tâm tự nhiên niệm Phật. Và chuyện tự nhiên niệm Phật khi đang ngủ xảy ra hầu như thường xuyên, từ lúc nhỏ cho đến bây giờ.
Trước đây khi tôi chưa biết về Phật pháp, chưa hề biết niệm Phật, sao lại có thói quen đó? Mong quý Báo giải đáp vì sao lại có những giấc mơ như vậy? Tôi cần phải làm gì? Tại sao mẹ tôi là Phật tử thuần thành, tin tưởng tuyệt đối vào Tam bảo mà không khi nào có giấc mơ giống tôi?
(HOÀNG NHƯ, tracynguyen84...@yahoo.com)
Bạn Hoàng Như thân mến!
Trước khi bạn biết đến chùa chiền và Phật pháp nói chung mà lại thường mơ thấy mình đi thăm viếng các cảnh chùa cũng như trong mơ biết niệm Phật chứng tỏ rằng những hạt giống (chủng tử) lành ấy đã được bạn gieo trồng trong tâm thức trong những đời kiếp quá khứ, nay hội đủ nhân duyên nên biểu hiện ra.
Theo Tâm học Phật giáo (Duy thức học), những hành nghiệp chúng ta đã tạo ra bằng suy nghĩ, lời nói và hành động vốn không mất đi mà được lưu giữ trong tạng thức (thức A-lại-da). Khi tái sanh ở đời sống tiếp theo, những hạt giống này vẫn được bảo lưu trọn vẹn trong tâm thức, cùng với việc huân tập thêm những hạt giống mới trong đời đã tạo nên tính cách đặc thù của mỗi cá nhân. Việc mỗi người hiện hữu trên đời với mỗi tính cách, không người nào giống với người nào được giải thích trên cơ sở này.
Thường thì sau khi tái sanh, chúng ta không có khả năng nhớ lại quá khứ. Lúc nhỏ khi tâm thức còn tinh khôi, thỉnh thoảng chúng ta cảm nhận được một số kinh nghiệm của tiền kiếp nhưng khá mờ nhạt nhưng đến khi trưởng thành tâm trí bận rộn, đầu óc không mấy khi thanh thản nên những cảm nhận ấy gần như mất hẳn.
Riêng bạn đã có sự cảm nhận về tiền kiếp khá rõ ràng thông qua những giấc mơ. Giấc mơ của chúng ta có nhiều dạng loại, và cho đến nay giấc mơ vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Nhà phân tâm học Freud xem “giấc mơ như là một phản ứng tâm-sinh-lý của con người, không những phản ảnh những khát vọng che giấu mà còn là một hình thức giải tỏa những ẩn ức tâm sinh lý đã chìm sâu trong vô thức”. Tuy vậy, ngoài những mơ-mộng bình thường, con người còn có một số giấc mơ về những điều chưa từng gặp hay chưa hề nghĩ tới trong đời, hoặc mơ thấy những điều sắp xảy ra ở tương lai chính xác một cách lạ lùng.
Theo đại luận sư Buddhapàlita (Phật Hộ, 470-550), có 4 nhân duyên chính tạo thành giấc mơ. Đó là: (1)- Những xáo trộn của các yếu tố, bộ phận trong cơ thể (những giấc mơ đại loại như thấy mình đang bay trên không, bị rơi xuống từ núi cao, hay bị thú dữ tấn công…). (2)- Những kinh nghiệm đã trải qua (những người chạy trốn trên biển sau đó thường hay nằm mơ thấy tàu chìm hoặc bị rượt đuổi). (3)- Những ảnh hưởng của thần thánh, chư thiên (báo mộng). (4)- Và cuối cùng là điềm báo trước. Đáng chú ý là nhân duyên thứ tư “Điềm báo trước”, do công đức hay ác nghiệp của mỗi cá nhân tạo ra ở trong đời sống này hay từ những kiếp trước. Theo ngài Buddhapàlita, giấc mơ ấy chính là sự báo trước của những cái quả đã chín muồi sẽ được biểu hiện ra trong đời sống thật trên cơ sở của luật nhân quả và nghiệp báo (Tâm Hà Lê Công Đa, Phật giáo, Khoa học và giấc mơ).
Như vậy, những gì bạn mơ thấy (trong khi hiện đời chưa từng gặp) vốn đã có trong tâm thức của bạn được huân tập từ những kiếp trước. Bạn có phước duyên mà người khác hiếm khi có được, đó là lúc năm thức trước (nhãn, nhĩ…, thân thức) tạm nghỉ thì ý thức tự động câu thông được với những dữ liệu trong tạng thức và biểu hiện bằng những giấc mơ. Tuy đó là những hình ảnh “thật” nhưng rời rạc, thiếu nhất quán vì các hạt giống trong tạng thức không đứng yên mà vận động không ngừng.
Những giấc mơ của bạn cho thấy bạn đã từng tu tập (nhất là niệm Phật) trong quá khứ. Nếu đời này bạn tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành công trên lộ trình tu học.
Chúc bạn tinh tấn!