Tỉnh Lào Cai có hơn 150 người chết và mất tích do cơn bão số 3 gây ra, là địa phương thiệt hại nặng nề nhất. Cả trăm năm nay, tỉnh Lào Cai chưa khi nào thiệt hại nặng nề trong một trận thiên tai lớn đến như vậy, số người chết nhiều đến như vậy.
Từ ngày 23 đến 26-9-2024, chúng tôi đến những nơi bị thiệt hại kinh hoàng nhất trong thiên tai do bão số 3 vừa qua gây ra tại tỉnh Lào Cai. Mặc dù những trận lũ quét, sạt lở đất, lũ bùn xảy ra đã hơn 2 tuần, nhưng cảnh tang thương vẫn trùm lên các xóm làng.
Tang thương Làng Nủ
Con đường từ thị trấn Phố Ràng (trung tâm của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đến thôn Làng Nủ khoảng 20km, xe phải đi mất hơn 2 giờ đồng hồ, bởi con đường vốn dĩ đã rất nhỏ hẹp quanh co trên đồi núi, với rất nhiều ngầm tràn và rất nhiều cung đường bị sạt lở. Đến nơi, tận mắt thấy Làng Nủ tan hoang sau trận lũ quét, không ai cầm được lòng. Cả một ngôi làng rộng lớn tọa lạc giữa lòng chảo bốn bề núi vây quanh, nay đã thành một mặt phẳng rộng hơn 2-3 km2, đỏ quạch màu bùn đất. Những chiếc máy xúc vẫn cần mẫn tìm kiếm người mất tích phía xa xa, như những con kiến lọt thỏm giữa một vùng đất phẳng khổng lồ.
Rời khỏi khu thôn làng vừa bị “xóa sổ”, chúng tôi đến khu tạm cư mới cho người dân thôn Làng Nủ, cách đó chừng 2km. Đây là nơi người dân Làng Nủ ở tạm trong thời gian chờ xây khu nhà mới. Khu tạm cư mới của người dân Làng Nủ với 2 dãy nhà, tổng số hơn 15 căn phòng khá rộng rãi, mang lại nơi ở an toàn và ổn định cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bà Hoàng Thị Dâu, đang sống tại một căn phòng trong khu tạm cư cho biết: “Từ khi chào đời đến nay đã hơn 60 tuổi mà tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy cảnh tượng thiên tai như thế này bao giờ. Tôi được đứa con gái kéo tay chạy lên đồi cọ. Lúc đó nhìn xuống cả làng đã chìm trong biển đất bùn. Tất cả nhà cửa, tài sản bị vùi lấp hết, không đem theo được bất cứ thứ gì. Giờ ở chỗ tạm này, người ta đem cho mấy bát hương để tạm thờ tổ tiên, thờ chồng, chứ con trai, con dâu và cháu nội mới mất chưa làm đám tang, nên chưa lập bàn thờ”.
Theo bà Hoa, hiện nay người dân Làng Nủ còn sống sót thì sống bằng lương thực do chính quyền địa phương và Nhà nước cấp; bát đĩa, thực phẩm… đều do người làm thiện nguyện đến tặng…
Những người Dao mất nhà ở Bản Mẹt
Ngày 25-9, chúng tôi đến huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - một trong những nơi bị thiệt hại kinh hoàng nhất trong thiên tai do bão số 3 gây ra.
Tại nhà văn hóa xóm Mẹt Ngoài, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà hiện có 6 hộ dân với 37 nhân khẩu đang phải tạm thời tá túc trong không gian chật hẹp tại đây, vì đã mất hết nhà cửa. Từ nhà văn hóa này ở dưới chân núi, họ chỉ tay lên đỉnh núi cho chúng tôi thấy một khu vực đỏ quạch. Đó chính là bản Mẹt Thượng của 6 hộ toàn là người Dao.
Ông Trần Đình Tiên, trưởng thôn Bản Mẹt, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà nói: “Hiện ngoài 6 gia đình đã được sơ tán đến đây, thì vẫn còn 22 nhà dân khác ở lưng chừng núi cũng đang bị khối núi lở treo trên đầu, nguy cơ khối đất khổng lồ bị sập xuống bất cứ lúc nào. Hiện tại chúng tôi chưa biết bố trí cho 6 hộ đã mất nhà và 22 hộ đang bị nguy hiểm ở đâu bây giờ, đành phải chờ xã, huyện tìm phương án quyết định”.
Theo ông Trần Đình Tiên, thôn Mẹt gồm có 3 bản là Mẹt Thượng, Mẹt Ngoài và Mẹt Trong, với tổng số 181 hộ dân. Trong đó, riêng bản Mẹt Ngoài có 44 hộ người Mông; bản Mẹt Thượng thì toàn người Dao.
Trong những ngày bão số 3, cùng với sạt lở trên núi, thì dưới chân núi ngập trắng, có những nhà bị ngập sâu 3-7 mét. Dẫn đến toàn bộ diện tích trồng lúa, ngô và hoa màu đều bị ngập trắng, mất sạch.
Cốc Lầu tan hoang sau cơn giận dữ của sông Chảy
Rời xã Bảo Nhai, chúng tôi tiếp tục ngược lên vùng sâu của huyện. Đến cầu Nậm Tôm, xe ô-tô con và xe tải trọng cỡ nhỏ chở hàng không thể đi được nữa. Tất thảy các đoàn đi cứu trợ đành dừng lại, dỡ hàng xuống và phát quà tại đây. Rất đông người dân từ các bản làng vùng sâu đi hàng chục km ra đây để nhận nhận quà.
Chúng tôi phải di chuyển bằng xe công nông theo dọc bờ sông Chảy. Một bên sông Chảy là xã Cốc Lầu, một bên là xã Nậm Lúc. Suốt dọc đường đi, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp, cả hai bên sông Chảy, trùng điệp núi đồi đỏ quạch và nham nhở do đất đai lở xuống. Không chỉ đất trên núi lở trùm xuống gần hết con đường, mà dưới đường chỗ nào đất cũng rẽ ra nứt toác. Ngồi trên xe công nông mà bất an, lúc nào cũng thấy xe nghiêng, cảm giác những mảnh đất dưới đường sẵn sàng sụt xuống kéo người và xe xuống sông bất cứ lúc nào.
Bế đứa con chừng 3 tuổi, chị Trương Thị Hoa ở xóm Nậm Dấn, thôn Kho Vàng, đứng trước hai ngôi nhà đã bị sập. Chị Hoa cho biết, hai ngôi nhà này gồm nhà của Hoa và nhà của cô chú (mẹ chồng của Hoa), với tổng số 8 nhân khẩu. Hiện chồng của Hoa đã mất tích vẫn chưa tìm được, còn nhà cô thì mất 2 người, hiện mới đã tìm thấy xác của người em họ, trong khi ông chú vẫn mất tích.
“Hiện tại 5 người trong gia đình phải ở tạm trong một chiếc lán cũ nát ở quả đồi gần đó. Đây là căn nhà cũ của gia đình trước khi chuyển ra bờ sông. Bây giờ ngôi nhà mới xây bằng gạch đã bị sập đổ rồi, nên đành chuyển về tạm ở lán cũ, nhưng đồi chỗ đó cũng đang bị sạt, ở cũng không an toàn nữa”, Hoa nói.
Kinh hoàng Nậm Tông
Đã hai tuần sau trận lũ quét, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc vẫn tan hoang và ngổn ngang. Đây từng là nơi bình yên của 22 hộ, 81 con người, giờ chỉ còn lại những mảnh gỗ vương vãi, quan tài nằm rải rác trên đường, ruộng vườn xanh tươi thành vũng bùn lầy. Theo người dân ở đây kể lại, vào đầu giờ chiều ngày 10-9, đỉnh núi ở thôn Nậm Tông bất ngờ đổ sập xuống sau những ngày mưa lớn. Trong phút chốc, hàng nghìn khối đất, đá, cây cối theo dòng suối trôi xuống, san phẳng nơi sinh sống của các hộ dân thôn Nậm Tông. Vụ sạt lở cuốn lấp 8 nhà dân, làm 18 người chết và mất tích.
Do sạt lở, mưa lũ trong nhiều ngày, đến nay nơi đây hầu như bị biệt lập với bên ngoài. Con đường duy nhất lên thôn là phải vượt núi, băng rừng, leo bộ ngược dốc trên 4km mới lên được đến nơi. Tuy vậy, hàng trăm tình nguyện viên cùng nhiều đoàn thiện nguyện từ mọi miền Tổ quốc không quản ngại khó khăn, vất vả, bằng tất cả tình yêu thương đã lên với đỉnh Nậm Tông.
Ông Lý A Hải, Trưởng thôn Nậm Tông cho biết, hôm đó mưa rất to. Nhà ông Hải ở trên núi cao, chỗ đó không bị lũ tràn. Đứng từ trên núi cao, Lý A Hải thấy một vệt trắng xóa kéo từ trên đỉnh núi xuống suối Bản Cái lổm ngổm đất đá với vài ngôi nhà chỏng chơ, nghiêng ngả. Không có sóng điện thoại để báo tin lên cấp trên, ông Hải phải chạy bộ hơn 10km ra UBND xã Nậm Lúc báo tin. Sau đó, ông cùng với các cán bộ xã đem theo các đồ cứu trợ chạy về bản Cái để tìm cách cứu người.
Đoàn cứu trợ gồm 9 người men theo đường vòng, lối người dân hay đi làm rẫy. “Quãng đường hơn 10km, sạt lở, đất đá, tre, nứa bủa vây lối đi. Bảy giờ rưỡi tối, nhóm người mới đến nơi. Thấy người chết, người bị thương nằm la liệt. Có 18 người ở bản chết và mất tích. Suốt những ngày qua, tôi không ngủ được. Chợp mắt, anh lại thấy cảnh anh em, người dân trong bản nằm la liệt, vùi trong bùn đất và nước đục”, ông Lý A Hải nói.
Anh Lý Seo Thỏ kể lại: Hôm ấy, ngày 10-9-2024, anh đang ở trên núi để chăn dê. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng nổ như bom, anh nhìn ngay về làng. Ngọn núi ngàn xanh đầu xóm bản Cái sụp xuống, trơ trụi. Tiếng nước chảy, tiếng đá tảng và cây rừng va vào nhau ầm ầm không ngớt. Dải đất trống nằm ngổn ngang với cây cành trơ xương. Lý Seo Thỏ vội vàng lao nhanh về nhà, đến đầu bản, người làng trông thấy anh, bảo: “Vợ và hai đứa con mày đang ngủ thì bị lũ cuốn mất rồi”. Đứa con đầu của Thỏ mới hai tuổi, đứa sau mới sáu tháng. Thỏ lao vội ra giữa dòng nước dữ để tìm vợ con, nhưng bị mọi người cản lại. Hơn 1 tiếng sau, anh tìm thấy xác vợ và hai con mắc kẹt dưới thân cây ở góc suối.
Khi lũ quét, sạt lở xảy ra, Ma Thị Xua (sinh năm 1989) cùng gia đình đang ăn trưa tại nhà em gái cách đó chỉ một đoạn. Xua kể: Ngồi ở nhà người em gái, bỗng nhiên thấy dòng lũ bùn đá trườn dọc suối tràn xuống thung lũng khiến cả bản biến mất. Bản Cái chỉ còn dòng nước đỏ ngòm, mênh mông, gầm gào và hoang dại. Căn nhà của Xua nằm cạnh bờ suối bị xô lệch, đất ào ào tràn vào nhà, ngập ngang cổ, mọi người hoảng loạn, la hét. Đây là căn nhà duy nhất dưới suối còn sót lại. Đám người cố trườn ra khỏi đống bùn, để tìm người mắc kẹt, trong đó có con gái của Xua đã bị vùi lấp.
Những chuyến xe “0 đồng” chở nặng yêu thương
Con đường từ phố Lu của huyện Bảo Thắng là tuyến dường huyết mạch nối từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Quốc lộ 2 đến huyện Bắc Hà. Từ khi bão lũ tang thương ập đến, trên tuyến đường này mọc lên những quán cơm, quán nước “0 đồng”, những trạm trung chuyển hàng cứu trợ, bất kể ngày đêm như những trạm dừng chân yêu thương, san sẻ từng hơi ấm, từng bữa ăn cho những người đi cứu trợ.
Nhà vợ chồng chị Thu - anh Dũng ở huyện Bảo Thắng vừa là quán cơm “0 đồng” với hơn 1.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày, cũng là một địa điểm tập kết trung chuyển của các chuyến xe hàng cứu trợ. Những chiếc xe tải trọng lớn đi đến đây, hàng bốc xuống, rồi được chuyển sang những xe tải trọng nhỏ hơn, vận chuyển tới từng bản làng, để phát đến tận tay từng hộ dân bị thiệt hại do thiên tai…
Anh Trương Đình Thuận, một lái xe chở hàng “0 đồng” cứu trợ từ Long An ra Lào Cai, cho biết đơn vị dịch vụ xe vận tải mà anh đang làm việc có 7 xe tải trọng 20 tấn chạy liên tục. Chi phí xăng dầu là do chủ xe tự bỏ ra, bình quân mỗi chuyến xe chở hàng từ Nam ra miền Bắc hết hơn 10 triệu đồng tiền dầu. Mình đi lái thì được chủ xe trả tiền lương.
Mỗi xe vận chuyển hàng cứu trợ, trong đó có nhiều loại hàng hóa khác nhau, có xe toàn gạo, có xe lại là thực phẩm, xà phòng, đồ dùng nhà bếp; có xe lại chở sữa, cá, thịt đóng hộp; xe chở quần áo, dép, sách vở học sinh…
“Để cùng chung tay với đồng bào khắc phục hậu quả sau mưa lũ, với tinh thần ‘tương thân tương ái’, ‘lá lành đùm lá rách’ của dân tộc, những ngày qua, tôi đã dùng 4 chiếc xe bán tải, từ 1,5 - 2,5 tấn của gia đình để vận chuyển hàng cứu trợ và nhu yếu phẩm giúp các đoàn thiện nguyện từ khắp các vùng miền đến với bà con ở các xã vùng tâm lũ gây sạt lở, do bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 tại các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng... trên địa bàn tỉnh”, anh Phan Nhật Quang, thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng là một lái xe thiện nguyện tại đây chia sẻ.