Sư cô tham gia đứng lớp là hình ảnh thân thiện trong lớp mầm non do Phật giáo quản lý
Một trong những chủ trương cụ thể theo hướng đổi mới đó là “Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non”, diễn ra vào ngày 8-11 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh do Ủy ban Trung ương MTTQVN và Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp tổ chức, với sự tham dự của đại biểu 12 tôn giáo, đại diện cho các cơ sở từ thiện, giáo dục mầm non trên cả nước.
Với Phật giáo, nhìn vào thực tế hiện nay, có thể nói chúng ta đã gần như bỏ ngỏ lĩnh vực giáo dục hướng ra xã hội. Một ví dụ trong lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục tư thục đã từng là thế mạnh của Phật giáo, thì nay còn lại con số quá khiêm tốn.
Trong báo cáo mới đây tại hội nghị nêu trên, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có 144 cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo phụ trách, Công giáo chiếm đa số (141 cơ sở), Phật giáo chỉ có 3 cơ sở! Thực tế này không chỉ riêng tại thành phố sôi động nhất nước là TP.Hồ Chí Minh, mà phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành khác, ngay tại cố đô Huế, nơi được mệnh danh là trung tâm Phật giáo có 22 trường mầm non của các tôn giáo thì Công giáo có tới 16 cơ sở, còn Phật giáo cũng chỉ có 6 trường, v.v…
Theo đánh giá chung, có nhiều cơ sở giáo dục mầm non do Công giáo tổ chức đã có sự đầu tư rất lớn về mọi mặt, riêng cơ sở vật chất có nơi đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng, và thường các cơ sở trường mầm non đó đều ở trong khuôn viên hoặc nằm ngay bên cạnh cơ sở tôn giáo.
Như chúng ta biết, với nhu cầu của người dân về việc gửi con vào các trường mầm non là rất lớn, và ở tình hình thực tế như hiện nay qua một vài con số trên, người Phật tử dù muốn nhưng rất khó để có thể tìm ra một cơ sở như ý để gởi gắm con cái mình, mà nhiều khi phải bấm bụng đưa vào các cơ sở tôn giáo khác, rồi cũng gặp những chuyện dở khóc dở cười khi các cháu thể hiện những hành vi tín ngưỡng được hướng dẫn hoặc bắt chước một cách tự nhiên, bởi tâm thức trẻ như tờ giấy trắng, hồn nhiên và vô tư…
Chúng ta đã được tạo điều kiện về chủ trương, pháp lý, đồng thời thừa kế những kinh nghiệm quý giá từ thực tế; vừa qua, Học viện PGVN tại thành phố cũng đã ký kết hợp tác với Đại học Sư phạm và Phân ban Ni giới Trung ương về việc mở lớp đào tạo ngành sư phạm mầm non; chúng ta có lực lượng nhân sự dồi dào là hàng ngàn chư Ni trẻ tốt nghiệp các trường Phật học…
Với các điều kiện như thế, đây chính là cơ hội thuận lợi để Ni giới tích cực dấn thân thể hiện hạnh nguyện Bồ-tát đạo trong đời sống hiện tại qua việc học, xây dựng hệ thống giáo dục mầm non, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con Phật tử. Mong rằng, lĩnh vực giáo dục mầm non sẽ được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của lãnh đạo các cấp Giáo hội, sự dấn thân của Phân ban Ni giới để xứng hợp với tinh thần của đạo Phật gắn bó với cuộc đời, vì cuộc đời trong truyền thống “hộ quốc an dân”.