Thực dưỡng cho tâm hồn

GNO - Mỗi ngày mình ăn ba bữa (đa số vậy) nên hễ có một ngày nào đó mình nhịn ăn một trong số ba bữa ấy mình sẽ khó chịu, bởi vì bao tử trống không, cảm giác đói, cồn cào, năng lượng dường như tẩu tán đâu mất hết. 

Thế nhưng, một ngày, thậm chí nhiều ngày mình không cười - một nụ cười từ ái thì (hình như) mình cũng chẳng buồn có cảm giác gì cả!

Có một người sau khi thực tập nụ cười an lạc, có ý thức đã xót xa nhận diện về một quãng sống vô thức, sống cho có sống của mình như thế. Và dẫu có hối tiếc thật nhiều thì mình cũng đã trải qua. 

4445017762_8cd043c917.jpg

Thân và tâm cần phải được nuôi dưỡng mỗi ngày, đúng cách - Ảnh minh họa

Ở đây, tôi hiểu sự hối tiếc ấy không phải vì bạn đau với quá khứ mà là do bạn trộm nghĩ về lời dạy của Bụt rằng: thân người khó được. Thân người khó được (bởi phải có phước đức lắm mới sanh ra làm thân người - thuộc một trong sáu cõi còn luân hồi và được xem là tối thượng trong việc học đạo, tu đạo) mà mình lại hoang phí cái thân ấy, sống chỉ biết đua đòi, lệ thuộc vào danh-sắc-tài-ăn uống-ngủ nghỉ (ngũ dục thế gian) như đã từng thì tiếc thật.

Cảm giác tiếc của người ngộ đạo chính là một sợi dây cương để cột cái tâm bay nhảy của mình chứ không phải là xót xa, chật vật với những nghĩ suy hoài khứ của người chưa ngộ đạo. Và nhờ cái tiếc này mà mình hạ thủ công phu, tu sâu, tu dày hơn, hay như Hòa thượng Thích Trí Tịnh dạy là tu mót (không chừa việc lành nào cả, và đoạn được việc ác nào thì phải đoạn).

Trở lại với chuyện nuôi dưỡng tâm mình mà mình quên mất, để cho những cái tham, cái sân, cái si gặm nhấm, phình to để rồi mình không có một chút thanh tịnh từ ý, đến khẩu, đến thân, nghĩa là mình không có bằng an. Cái này là cốt lõi, bởi mình thấy rõ, từ chính mình và những người quanh mình rằng nếu ý-khẩu-thân khởi lên những tư tưởng phi pháp, làm những điều phi pháp như giết hại, tà dâm, nói dối, trộm cắp và sử dụng những chất gây nghiện, độc hại như ma túy, rượu bia, phim ảnh bạo lực… thì mình sẽ bất an. Do đó, không thanh tịnh trong thân và tâm của con người chính là cái nhân để đưa đến bất an.

Mình cần phải đoạn trừ dần những điều bất tịnh như đã kể trên cũng có nghĩa là mình đang làm một Phật tử đúng nghĩa, gìn giữ năm nguyên tắc đạo đức mà Phật đã tuyên lưu. Và đó cũng chính là món ăn tinh thần tối thượng mang lại bằng an, tự tại, giải thoát cho con người.

Những thực dưỡng cho tâm hồn cũng cần được ăn mỗi ngày, không phải được chia ra từng bữa mà nó vi tế trong từng sát na. Điều đó cần phải thực tập. Thực tập mang thực dưỡng cho tâm hồn trong từng sát na (khoảnh khắc) chính là sự thực tập chánh niệm. Lúc nào tâm mình cũng nghĩ, nhớ, và làm những điều chân chánh thì tự khắc tâm hồn mình sẽ được cơi nới rộng ra, phình to ra.

Trước khi thức tập kiểm soát ý-khẩu-thân thì mình có thể miên man nghĩ về quá khứ, miên man tưởng nhớ món này, thức ăn kia, rồi vọng tưởng đến cảnh vui, hoan lạc này, nọ… cho đến nói, và làm những điều đã nghĩ, đã thôi thúc kia. Tất nhiên, khi đã tạo tác từ ý-khẩu-thân những điều bất thiện, đi ngược lại năm nguyên tắc đạo đức cơ bản (năm giới) thì mình liền bất an. Tâm hồn mình teo táp, trở nên ích kỷ hơn. 

Biểu hiện rõ nhất của nó là mình sẽ muốn nhiều hơn thế, và rồi mình sẽ vượt ra những giới hạn cho phép, đi càng xa tâm điểm ban đầu. Cái ngưỡng cho phép ở đây chính là “sự vừa đủ” (theo con đường trung đạo của Bụt là không quá nuông chiều bản thân, ý thích và cũng không ép xác tâm ý mình). Cái này, Bụt nói ngắn trong bốn chữ “thiểu dục, tri túc” (ít muốn, biết đủ).

Vậy là, nuôi dưỡng tâm hồn trở thành điều cần thiết, và thực sự không quá khó khăn nếu mình đã nắm được chìa khóa của bản môn. Khi đó, tất cả những lý thuyết, hay những luận nghĩa cao siêu trong mênh mông kinh điển rốt cuộc cũng phải quay về với cái căn bản là: an lạc, giải thoát. Mình làm sao thực chứng được điều này khi đã tiếp xúc sâu với giáo lý thì đó mới là nuôi dưỡng tâm hồn đúng cách. 

Còn khi mình học đạo, làm đạo mà mình trở nên lý luận nhiều hơn là thực chứng sự bằng an trong tâm hồn thì mình chỉ là một học giả dạo chơi nơi cửa Phật, chưa phải là người đã đi vào bản môn: giác ngộ, giải thoát.

Và, cũng giống như những thức ăn nuôi thân, thực dưỡng cho tâm hồn có nhiều món diệu dụng vô cùng. Có người chọn việc tịnh hóa thân-khẩu-ý bằng niệm Phật, tưởng Phật và chư vị Bồ tát, Hiền Thành Tăng. Có người chọn hơi thở chánh niệm, thiền định trong tư thế ngồi hoa sen hoặc thiền hành trong vườn, trên đường đi để nuôi lớn sự bằng an, tĩnh lặng nơi tâm… 

Dẫu món nào thì cũng là pháp của Phật, cũng đều là thuốc trị bệnh tâm, nuôi dưỡng tâm mình có thêm nhánh lá, cành, và làm cho gốc rễ từ bi-trí tuệ được khai mở. Chư Bụt, chư Bồ tát trong ba đời đều vì mục đích ấy mà ra đời!

Chúc Thiệu

LTS: Viết những chia sẻ, những câu chuyện hay nhặt được từ cuộc sống, từ chính những người trẻ giàu lòng nhân ái, sống đẹp giữa cuộc đời gửi cho GNO, e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Thiết nghĩ, những câu chuyện, những hoạt động ý nghĩa, nhân văn của người trẻ, cũng như những ý chí vượt khó, sống đẹp của những nhân vật, các nhóm tình nguyện chắc chắn sẽ là những thông điệp ý nghĩa cho cuộc sống tốt đẹp hơn!

Bài vở được chọn đăng sẽ được nhận nhuận bút theo chế độ của tòa soạn!

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.