![]() |
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1294 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Người viết có dịp gặp An và ba mẹ của bé vào một sáng sớm tinh khôi nơi già-lam Quan Âm Các, tọa lạc ở lưng chừng Núi Lớn (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hình ảnh người lớn dẫn người nhỏ về chùa lạy Phật, công quả, biểu hiện qua từng hành động thật hài hòa tự nhiên, an lành.
Gieo cho con hiểu về Phật pháp qua tranh vẽ
Sau chút ngại ngùng ban đầu khi gặp người lạ, Lê Triệu An, pháp danh Tâm Diệu Mỹ, em ngồi chăm chú với bức vẽ cùng dòng chữ “đây là một giây phút hạnh phúc” rồi gửi tặng đến người đối diện với niềm vui tràn đầy trên gương mặt. An kể, bây giờ có nhiều người đặt tranh ở khắp mọi miền đất nước, em thấy rất vui. “Khi con vẽ tranh xong, ba sẽ hỗ trợ chụp hình, mẹ sẽ hỗ trợ đóng khung, đóng hộp lại để giao cho mấy chỗ xa, nên con không thấy vất vả gì. Con muốn gửi tặng niềm vui tới mọi người”, An bày tỏ.
Mỗi ngày sau khi học bài xong thì An sẽ vẽ. An lấy cảm hứng vẽ tranh từ việc đọc sách, từ niềm vui mỗi ngày đi học, đi chùa, chơi với bạn, chơi với ba mẹ, chơi với thiên nhiên. An vẽ về mọi thứ quanh nơi mình sống, từ động vật, cây cối, vẽ chùa, quý thầy, ngôi sao, ông mặt trăng,...
![]() |
An lấy cảm hứng vẽ tranh từ việc đọc sách, từ niềm vui mỗi ngày đi học, đi chùa, chơi với bạn, chơi với ba mẹ, chơi với thiên nhiên... |
Ngoài thích vẽ, An còn thích đọc sách, đọc kinh. Có lúc, An cười bẽn lẽn nói: “Đôi khi con cũng hơi lười đọc. Những cuốn sách con thích đọc như: Con cá dung thông, Mẹ con Sư tử, Bồ-tát ngàn tay ngàn mắt, Trong cái không có gì không?”. Nói rồi, An đọc lên một đoạn kinh Phước đức trong Nhật tụng Thiền môn: “Sống trong môi trường tốt/ Ðược tạo tác nhân lành/ Ðược đi trên đường chánh/ Là phước đức lớn nhất…”.
Anh Lê Văn Triệu và chị Trần Thị Thưởng, ba mẹ của Triệu An cho biết, từ 3 tuổi An đã thích vẽ và tô màu. Năm 8 tuổi, em bắt đầu học vẽ ở chùa Hải Vân. Sau đó, gia đình lại có duyên về Làng Mai tu học, những câu pháp ngữ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu ươm mầm trong An. Chị Thưởng cho biết An vẽ nhiều tranh, mỗi tranh đều làm cho người xem cảm thấy bình an vui vẻ. Muốn lan tỏa năng lượng lành đến mọi người từ tranh của An, nên từ tháng 10-2024, ba mẹ bé đã tạo fanpage “Tranh của An”, một phần để lưu giữ lại những tranh An vẽ, một phần nếu ai đó thích có thể mua tranh làm quà tặng, số tiền bán được sẽ mua lại họa cụ để con trọn vẹn với đam mê, và tập cho con làm những việc thiện. “Đối với tôi đây cũng là một quá trình gieo cho con hiểu về Phật pháp một cách tự nhiên qua tranh vẽ”, chị Thưởng cho biết.
Người lớn lan tỏa hạnh phúc cho con trẻ
Từ khi ở trong bụng mẹ, An đã được đi chùa cùng ba mẹ những ngày cuối tuần sinh hoạt Câu lạc bộ thanh niên Phật tử chùa Quan Âm Các. Đến khi cứng cáp hơn, mỗi khi đi từ thiện tặng quà cho trẻ em vùng sâu, người già neo đơn thì An cũng được đưa theo để trải nghiệm.
Khi lên chùa, An sẽ được ba mẹ hướng dẫn lạy Phật, tập ngồi yên, chơi trò chơi, đọc những bài kinh đơn giản. Khi nào An có thắc mắc thì ba mẹ trả lời, hoặc khi chuẩn bị làm việc thiện, phóng sanh, An cũng được ba mẹ nói trước về ý nghĩa từng hoạt động. An được ba mẹ hướng dẫn tạo phước theo cách tự nhiên. “Để con hiểu bây giờ con làm những việc thiện thì phước đó là của con, chứ ba mẹ không thể làm mà con hưởng được”, chị Thưởng cho biết.
![]() |
Cả nhà cùng về chùa cuối tuần - Ảnh: LVT |
An khắc ghi và làm theo lời dạy của mẹ. Em từng tự phát tâm vẽ tô một trăm hộp quà để tặng cho các bạn tham gia thi kể chuyện cuộc đời Đức Phật ở chùa, hoặc khi chùa có chương trình làm lồng đèn trung thu thì An cũng sẽ góp sức; còn tiền mừng tuổi Tết, tiền bán tranh An hùn phước cùng đi tặng quà cho các bạn nhỏ, mỗi lần tặng quà cho người khác, An đều thấy rất vui.
Cách dạy con của chị Thưởng là để An lựa chọn và bình tĩnh trong mọi thử thách. Chị kể, khi con có gặp vấn đề gì thì câu đầu tiên ba mẹ sẽ nói là con quên tập chánh niệm, chuyện đó đâu có khó khăn như con nghĩ, thì bé sẽ tự biết dừng lại. Với chị Thưởng, khi học Phật, trước tiên,gia đình phải hạnh phúc. Chị cho biết, trước đây lúc mới học Phật, hai vợ chồng hay cãi nhau về pháp môn tu, chị mới trăn trở là mình đi làm từ thiện, đi chùa tu học thường xuyên mà gia đình mình không ổn thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Đơn giản vì nhà là nơi mình phải sống ở đó, phải tiếp xúc hàng ngày. Trong những khoảnh khắc đó, chị quay về niệm Phật, quay về hơi thở sống trong hiện tại để nhận diện: mình còn sống đã là phép màu rồi, nhờ vậy mà chị hóa giải được giận hờn ngay.
Đặc biệt, khi đọc được sách Thiết lập Tịnh độ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chị càng nhận diện được cái hạnh phúc ngay tại đây. Chị cảm nhận được sâu sắc “khi mình hạnh phúc thì những người xung quanh mình hạnh phúc”.