Trong diễn văn bế mạc, HT.Thích Quán Chơn khẳng định “những thành công của Tuần văn hóa Phật giáo 2010 có được, trước hết là do sự tự ý thức của mỗi người tham dự. Ban Tổ chức chỉ cố gắng để tạo nên một không gian văn hóa mà ở đó, với mong ước những vấn đề đặt ra là của chúng ta và tất cả chúng ta cùng tìm hiểu, cùng góp trí tuệ để tìm ra một giải pháp để cuộc sống có hạnh phúc, an lạc và quê hương ngày mỗi tốt đẹp hơn”. Đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc chư tôn đức Tăng Ni, quý vị khách mời diễn giả, các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật và nhất là với những người dân Huế đã nhiệt tình ủng hộ, theo dõi....
Chương trình văn nghệ bế mạc do nhạc sĩ Đặng Ngọc Phú Hòa biên tập, nhạc sĩ Trương Ngọc Chiến hòa âm phối khí và nhạc sĩ Tố Nguyên chỉ huy. Chương trình văn nghệ thính phòng được xây dựng sang trọng. Nói như lời giới thiệu của GS.Cao Huy Thuần là "sang”, sang trong cái nghèo, nghèo mà sang, chương trình của Tuần văn hóa Phật giáo 2010 là một chương trình văn hóa trí tuệ mà “sang”... Những bài độc tấu, hòa tấu đến những bản có lời được các ca sĩ nghệ sĩ của dàn nhạc dây trình bay một cách rất “sang”. “Từ Đàm quê hương tôi” (Nguyên Thông và Tâm Đại), Ngọc Ban độc tấu violon và dàn nhạc thính phòng mở đầu cho chương trình. Tiếp đến là những bản nhạc mang âm hưởng Phật giáo và dân tộc cũng đã được trình bày trên nền nhạc sang trọng.
Với mục đích là nhằm xây dựng bản nhạc thành nhạc hiệu Phật đản truyền thống của Huế nên đã được các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ đầu tư rất nhiều công sức và dàn dựng trên nền nhạc cụ rất hiện đại. Khép lại “Tuần văn hóa Phật giáo 2010” đồng thời mở ra “Tuần Phật đản” nên Ban Tổ chức đã khép lại bằng bản "Hát mừng Khánh đản" (Nguyên Thông) do toàn ban và Gia đình Phật tử Từ Đàm hợp ca.
“Tuần văn hóa Phật giáo 2010” đã chính thức khép lại, nhưng ấn tượng về sự kiện văn hóa độc đáo này vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người dân xứ Huế.