Thư viết cho chính mình

Giác Ngộ - Thi thoảng mình vẫn hay viết cho chính mình một lá thư, để nói thật với mình về những điều mình nghĩ, đang trải qua hoặc mình vừa phát hiện nó có mặt trong tâm thức mình. Đó có thể là một niềm hỷ lạc, đôi khi là những ưu tư, trăn trở…

Bắt đầu một lá thư, là gọi tên chính mình. Gọi tên mình một cách thật thân thiết, rằng: Này mình, ta đang có mặt cho em đây. Có nghĩa là mình đang có mặt cho mình, ngay khi mình chấp bút viết cho chính mình một bức tâm thư.

Ái ngữ, tức là những lời dễ thương mình cần phải thực tập để sử dụng cho mình và người. Nó có khả năng an ủi, vỗ về và giúp chữa trị những cơn đau. Có khi những lời nói có thể làm ai đó tổn thương nặng nề, ý thức được việc đó nên mình cố gắng nói những lời dịu dàng, nhẹ nhàng, từ ái.

Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất. Đó là một “nhận diện” mang tính khoa học, một thứ kinh nghiệm đã được tổ tiên truyền lại và mãi mãi là yếu chỉ để rèn luyện thân, tu bổ tâm hồn. Đừng có thọ dụng những thức ăn chứa độc tố và cũng đừng “hào phóng” với những lời nói thiếu từ tâm, không chánh niệm. Có những vị tu hạnh “im lặng”, im lặng nhưng nói rất nhiều, bằng thân, bằng ý, mà hầu hết là “ngôn ngữ” mang tính chuyển hóa chính mình và người.

Im lặng hùng tráng. Đó là một phương pháp thực tập để đối trị với quá nhiều những tham - sân - si và vô vàn những thi phi, được mất của người, của đời. Con người và chúng sanh nói chung vốn đa sự nên nếu mình tu theo Bụt mình phải học hạnh vô sự, nghĩa là “không thấy, không nghe, không nói” những thị phi, được mất. Bởi mình biết đó là những tảng đá nặng làm chậm tiến trình giải thoát, giác ngộ, thậm chí ngăn trở con đường “theo dấu chân Bụt” của hành giả.

Nhớ điều đó, để quán sát nội tâm, để ý-khẩu-thân không kết tập những phiền não từ muôn nẻo đời.  

Này mình, ta đang có mặt cho em đây, nơi hiện tại mầu nhiệm này. Em có đang thở không? Nếu em đang thở và biết mình đang thở có nghĩa là em đang sống rất thảnh thơi cùng hiện tại chứ không chạy cuồng điên qua những miền quá khứ, hay những đại lộ tương lai. Em cũng có mặt cho ta để đọc thư mà ta viết cho em nhé. Lời khai thị từ chính mình.

Thực ra, mình hoàn toàn có thể là pháp sư, tự thuyết tâm kinh cho mình bằng cách niệm hơi thở, niệm giới, niệm Bụt, niệm Hiền Thánh Tăng… Khi mình có niệm ấy rồi thì đâu sợ không có tỉnh thức, bởi tỉnh thức vốn là bạn thân thiết của chánh niệm. Chúng ta thảnh thơi với hoàn cảnh, bệnh tật, và với những điều khả dĩ, tùy duyên là lúc mình đang ở rất gần Bụt, rất gần Bồ tát.

Ấy vậy mà có nhiều lúc mình quên mất con đường và phương pháp thực tập. Lại rong ruổi và lại thấy cô đơn, hụt hẫng, lại thấy mình là kẻ mộng du, mong manh, dễ vỡ.

Đọc lại những bài viết cũ, cũng là những trải lòng trong những phút giây nào đó lại thấy mình bé dại và có lúc yếu đuối quá đỗi. Lại muốn nhắc về những khoảnh khắc rung rinh ấy để bình yên, để quay về với “bản lai diện mục” (Phật tánh, hay chính là hạt giống của quả vị chánh đẳng, chánh giác). Bao giờ mình còn có thể nhớ và nguyện nhớ điều ấy thì mình sẽ không cảm thấy sợ hãi, hay cô đơn. Nếu mất điều đó, có nghĩa là đã mất đi chiếc chìa khóa và chắc chắn mình sẽ hoang mang tự hỏi rồi ta sẽ về đâu?

Này mình, em đừng quên là Bụt đã dạy, nhìn hiện tại để biết quá khứ và nhận diện tương lai. Chúng ta đang thực hành Bồ tát đạo, học hạnh Bồ tát nên phải biết sợ nhân, chứ đừng sợ quả. Sợ nhân vì thấu triệt lý nhân quả chứ không phải là nỗi sợ hãi, ám thị từ những sắc sắc-không không diễn ra trong cuộc đời này.

Thử chiêm nghiệm một lần và nhiều lần về những cốt tủy của lời Bụt dạy để sống và ứng dụng vào đời sống một cách căn cơ (chứ không phải để thành một nhà Phật học). Nhớ rằng, học Phật là để làm Phật chứ không phải để lý luận và chết ngắt vì mớ lý luận của mình… Chư Bụt, chư Tổ, Thầy và chúng hội đồng tu trong khắp pháp giới đã dặn dò như thế, em nhớ nhen!

Thư cũng đã dài, hôm nay tạm dừng ở đây, sẽ viết cho mình một lá thư khác và một dịp thật gần. Giờ thì mình ngồi thẳng lưng, buông thư và nghe chuông, sau đó nguyện cầu cho chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi đều bằng an ngay trong tiếng chuông vừa được thỉnh. Và lớn hơn là nguyện mình được đi trọn con đường chân như, giải thoát… Cứ thế. Boong…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.