Thư Tổng Biên tập

HTTongBientap.jpg

Chư Tăng Ni, Phật tử, Cộng tác viên và Quý bạn đọc thân mến,

Thời gian gần đây, thông tin tiêu cực liên quan tới Phật giáo trên các kênh thông tin báo chí chính thống cũng như mạng xã hội như những đợt sóng liên tiếp nhằm vào ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, làm cho niềm tin về Tăng đoàn trong dư luận theo đó có những ảnh hưởng, tình cảm tôn giáo đối với đạo Phật cũng có lúc chao đảo trong một bộ phận người dân.

Một số sự việc xuất phát từ vài cá nhân tu sĩ, nhưng cũng có không ít thông tin giả, sự lạm dụng hình thức Tăng đoàn, người xuất gia, được tạo dựng với nhiều mục tiêu khác nhau, gây nên sự ngộ nhận, nhiễu loạn dư luận đời sống. Tổn thương hơn cả là Phật giáo và Giáo hội.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng tiêu cực chỉ là cá biệt so với số lượng Tăng Ni hiện nay gần 60.000 vị, và cũng khuyến cáo là không nên căn cứ vào thông tin để đánh giá thực chất của tập thể lớn là Giáo hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn lại những cuộc khủng hoảng trong thời đại bùng nổ thông tin không theo trình tự. Nhiều sự sụp đổ, rối loạn đôi khi nguyên nhân chỉ là một sai lầm nhỏ.

Bảy trăm năm trước, Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có bài kệ nói về có và không (sắc không). Ngài nói “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không…” (Tác hữu trần sa hữu, Vi không nhất thiết không…), nguyên lý vận hành của các hiện hữu tương đối trong cuộc đời là như thế. Điều đó quả là có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới thông tin hiện nay.

Với Giáo hội, là một tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong ý nghĩa duyên sinh, chúng ta không thể thiếu sự lưu tâm về hiện tượng này. Cần có sự nhìn lại và điều chỉnh nhất quán về những ứng xử phù hợp trong tinh thần từ bi được soi chiếu bởi ánh sáng trí tuệ, làm mới truyền thống - phát huy vai trò kế thừa lịch sử.

Do đó, truyền thông, báo chí là lĩnh vực không thể xem nhẹ.

Khi số báo này đến tay bạn đọc, Báo Giác Ngộ tròn 44 tuổi, và đang chuẩn bị bước vào năm thứ 45 của mình, đã đi cùng Phật giáo Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, trong đó có các chặng đường vận động, thành lập và trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hòa cùng nhịp đi của thời đại, Báo Giác Ngộ đang hướng tới việc tổ chức tòa soạn hội tụ trong xu hướng truyền thông đa phương tiện mà chư Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc đã phần nào nhận thấy qua các ấn phẩm tuần báo, nguyệt san, báo điện tử và gần đây là truyền hình trực tuyến - Giác Ngộ TV.

Giá trị mà Báo Giác Ngộ có được qua thử thách 44 năm qua là niềm tin trong Tăng Ni, Phật tử và bạn đọc. Đó chính là kết tinh trí tuệ, sự cống hiến của nhiều thế hệ lãnh đạo trước khi Giáo hội thành lập, chư vị lãnh đạo Giáo hội sau này, lãnh đạo TP.HCM và đặc biệt là quý cộng tác viên, các đơn vị đồng hành, bạn đọc thân thiết cùng tập thể tòa soạn.

Nhân đây, thay mặt tập thể Ban Biên tập, chúng tôi ghi nhận tất cả nhân duyên. Lời cảm ơn ý nghĩa nhất, theo chúng tôi, với người làm thông tin, báo chí là sự nỗ lực, những cải tiến, thay đổi để Báo Giác Ngộ nói lên tiếng nói của Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh thông tin hết sức phong phú, hiện diện trên các sản phẩm báo chí cụ thể qua các ấn phẩm, kênh thông tin, việc làm của tòa soạn năm thứ 45.

Chúc mừng năm mới 2020 an lạc, cát tường như ý!

HT.Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.