Mời bạn đọc cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa Phóng viên Giác Ngộ với Đại đức Thích Giác Dũng, Sư cô Thích nữ Đoan Nhã đồng thủ khoa Lớp Cao cấp Giảng sư; Đại đức Thích Vạn Tín, thủ khoa Lớp Trung cấp Giảng sư khóa x (2019-2022).
* Trước những yêu cầu của xã hội, để Phật pháp đến gần với người trẻ cần có một cách diễn đạt mới phù hợp nhưng không bị quá đà rời xa lời dạy căn bản của Đức Phật và truyền thống Phật giáo Việt Nam. Là những gương mặt thủ khoa trong khóa đào tạo, sẽ là các giảng sư trẻ, quý Thầy/Cô có trăn trở và suy nghĩ gì trước những thách thức thời đại ngày nay?
- Đại đức Thích Giác Dũng: Từ ngày đầu tiên khi chọn học giảng sư, tôi đã nghĩ về các độ tuổi trong hoằng pháp của mình, vì mỗi độ tuổi sẽ phải có cách diễn đạt phù hợp. Với các em thanh thiếu nhi, còn trong tuổi ăn tuổi lớn, mình sẽ tập trung chia sẻ về vấn đề tâm lý dựa theo lời dạy của Đức Phật, để các bạn có nhận thức bản thân với xã hội, khi bước vào đời có một sự tự tin không bị những xấu ác của xã hội lôi kéo.
Cách làm là đòi hỏi phải nắm bắt được tâm lý tuổi, mời một số vị cố vấn tâm lý, chuyên gia cùng chia sẻ. Bên cạnh đó tổ chức khóa tu, tạo sân chơi mùa hè cho các bạn và lồng ghép các giá trị nhân sinh đạo đức vào.
Tôi quan niệm tu phải đi theo con đường “Duy tuệ thị nghiệp”, phải thừa tự pháp, với phương châm “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Đây là sở nguyện mong ước của bản thân khi được khoác áo người tu, được ở trong nhà Như Lai.
- Đại đức Thích Vạn Tín: Thế hệ trẻ là thế hệ tiếp nối của đất nước và Phật pháp. Hiện nay nhiều chùa tổ chức khóa tu cho người trẻ. Đó là những bước đi hiệu quả để đem giáo pháp Đức Phật một cách uyển chuyển đến bạn trẻ. Tôi nghĩ đối với việc hướng dẫn cho thanh thiếu niên cần có sự dấn thân, hiểu về tâm lý, kỹ năng sẽ dễ nhiếp phục họ. Và khi hòa nhập với các bạn trẻ, đương nhiên là không thể hòa tan mà phải đi theo đúng Chánh pháp.
- Sư cô Thích nữ Đoan Nhã: Tôi nghĩ đối với người giảng sư, điều đầu tiên là sống thật, mình có gì mình trao ra cái đó, nếu không có thì dùng tha lực của Đức Phật và quý thầy tổ để nói ra. Do đó, tôi rất cẩn trọng từng lời nói, từng bước đi đều chánh niệm, có oai nghi.
Hiện kinh nghiệm tu tập còn non yếu nên tôi nguyện tu học hạnh chân thật, để ít nhất cảm được những người đối diện, hoặc dù cho không đối diện thì trên màn ảnh chắc chắn họ cảm nhận được từng lời nói, từng cử chỉ thật tâm của mình mang lại lợi lạc cho họ. Trước thách thức của công nghệ, của xã hội, tôi chọn đi chậm, vì mình còn nhỏ phải tu dưỡng nội lực, để có bình an cho mình thì mới mang tới cho người.
Thượng tọa Thích Phước Nguyên trao tặng quà đến 3 vị thủ khoa - Ảnh: Bảo Toàn |
* Hiện nay mạng xã hội phát triển rất nhanh với sự ra đời và ảnh hưởng rất lớn qua Tiktok, Facebook, YouTube…; trên hệ sinh thái này, nhiều Tăng Ni trẻ tự sản xuất các bài giảng, truyền thông tin cá nhân, nhiều câu chuyện về tu sĩ và nhà chùa, với nhiều ý kiến dư luận khác nhau, thậm chí trái chiều. Thầy/Cô có suy nghĩ gì về những hiện tượng như vậy? Và bản thân có sử dụng những nền tảng này để hoằng pháp?
- Đại đức Thích Giác Dũng: Tôi có sử dụng chứ, vì đó là sự phát triển của xã hội, là phương tiện kết nối hiệu quả nhất bây giờ. Nhưng cái gì nó cũng có hai mặt, khi sử dụng phải biết ít muốn vừa đủ là an lành. Mạng xã hội là một phương tiện để hoằng pháp nên dùng trong một giới hạn, không nên coi nó là quan trọng hơn hiện thực.
Tôi sử dụng Facebook thông báo Phật sự, lịch tu học và quan trọng là hoằng pháp. Trên mạng xã hội thỉnh thoảng có những câu trích từ kinh Phật ra, những câu nói giúp nâng dậy tinh thần con người. Khi ai đó gặp vấn đề buồn bã, những câu từ đó có thể giúp khai mở cho họ vượt qua khó khăn, có khi “ngộ đạo” và tìm tới chùa.
- Đại đức Thích Vạn Tín: Mạng xã hội là một phương tiện rất hữu hiệu trong thời đại công nghệ, chúng ta không thể nào không theo thời đại, phủ nhận vai trò của mạng xã hội. Với tôi khi đăng một thông tin, làm một video phải cân nhắc, vì với mạng xã hội thông tin ta đăng tải sẽ có ảnh hưởng nhất định. Phải xác định đăng thông tin đó với mục đích gì, thời điểm đó có thích hợp chưa, có làm với trí tuệ, tâm từ bi của người con Phật không và phải chịu trách nhiệm những gì mình đăng tải.
- Sư cô Thích nữ Đoan Nhã: Tôi sử dụng Facebook và chỉ chia sẻ pháp. Khi sử dụng mạng xã hội, tôi tự tạo cho mình thói quen không đọc những thông tin không liên quan đến Phật pháp.
Khi thấy những phản ứng trái chiều từ những chia sẻ của Tăng Ni trẻ trên mạng thì tôi nhìn lại mình, rồi xem mình có như vậy không, trong lời pháp của mình có sai không, khi chia sẻ pháp có tác ý mang lợi ích cho mọi người hay có một cái gì đó thể hiện mình, để ít ra mình không phải như vậy. Tôi nghĩ chỉ cần chính bản thân mình hành trì đúng Chánh pháp đã là bảo vệ Chánh pháp.
Đại đức Thích Vạn Tín, thủ khoa Lớp Trung cấp Giảng sư khóa X - Ảnh: Bảo Toàn |
* Nếu phải chọn một pháp thoại, gương hoằng pháp của một vị giảng sư, Thầy/ Cô sẽ chọn ai?
- Đại đức Thích Giác Dũng: Mỗi một vị giảng sư có một phong cách khác nhau, tôi thường nghe giảng từ Đại đức Thích Minh Niệm, Thượng tọa Thích Phước Tiến, Thượng tọa Thích Thiện Thuận,… Mỗi vị đều có cái hay cho mình học. Từ khi học giảng sư tôi đã xác định là học tất cả những điều tốt đẹp của người khác thành cái của mình. Tôi nghĩ người giảng sư nên như vậy, vì nhân vô thập toàn, mỗi người đều đang dần hoàn thiện mình tốt hơn mỗi ngày.
- Đại đức Thích Vạn Tín: Giảng sư có ảnh hưởng nhiều với tôi là Đại đức Thích Thiện Tuệ, bởi vì tất cả những giáo lý về kinh điển mà tôi học đều từ thầy chỉ dạy, và có một hệ thống giúp mình vững bước trên con đường Phật pháp căn bản. Tôi luôn luôn khắc cốt ghi tâm và nguyện đi theo con đường thầy đi là y cứ vào kinh điển rất đúng đắn, để mình chọn con đường đi cho mình, con đường hạnh phúc.
- Sư cô Thích nữ Đoan Nhã: Sư Giác Nguyên là giảng sư có ảnh hưởng đến tôi. Bài pháp gần đây là “Đại kinh Sư tử hống”, giảng về kinh tạng Nikaya. Lời pháp của sư là thuốc đắng nhưng nói đúng tâm bệnh và giúp tôi chuyển hóa.
* Chất lượng của một pháp thoại ở sự hài hòa giữa chất liệu tu tập, sự thâm nhập Phật pháp và kiến thức xã hội cùng năng khiếu diễn đạt. Sau tốt nghiệp, Thầy/Cô có những dự định như thế nào để mình tiếp tục trau dồi sâu hơn về Phật pháp và có chất liệu tu tập để có thể đi dài trên con đường đạo?
- Đại đức Thích Giác Dũng: Tôi sẽ về lại chùa Đại Bi, tỉnh Nam Định để làm Phật sự. Tôi nghĩ tuổi trẻ thì chọn cách dấn thân, làm, trải nghiệm bằng những kiến thức đã được học để tiếp nối duy trì Phật pháp. Song song với đó, bản thân cũng phải tự có thời khóa tu tập và học hỏi từ xung quanh.
- Đại đức Thích Vạn Tín: Để tiếp tục con đường hoằng pháp thì học là chìa khóa xuyên suốt, do đó tôi sẽ theo học Đào tạo từ xa tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, và về lại trú xứ chùa Thiên An, TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định phụng sự Tam bảo. Sau khi học xong nếu có đủ duyên sẽ học lên Cao cấp giảng sư để theo đuổi con đường hoằng pháp.
- Sư cô Thích nữ Đoan Nhã: Ở chùa Pháp Thạnh, H.Cần Giuộc, Long An, từ xưa tới giờ khóa tu chỉ có niệm Phật, kinh hành, nên năm nay tôi có thưa với thầy trụ trì là mỗi khóa tu ngày an lạc sẽ tổ chức ngồi thiền và thuyết pháp, giúp các vị Phật tử được thông tỏ giáo lý, để khi không đủ điều kiện về chùa thì vẫn có pháp để tu.
Tôi nghĩ mỗi người xuất gia, đều phải có một pháp hành của bản thân, có sự thích thú, có bình an khi thực tập, phải duy trì năng lượng hạnh phúc trong tu tập. Niềm vui học Phật của tôi là đọc Kinh tạng Nikaya mỗi ngày nên tôi sẽ tiếp tục. Đồng thời, tôi sẽ duy trì các thời khóa tu tập cho riêng mình, và nơi nào cần thì sẵn sàng tới hướng dẫn pháp để mang đến lợi ích cho số đông.