Thư cho con - Xem như một tiếng thở dài

Thư cho con -
Xem như một tiếng thở dài

GN - Không lẽ ba cần nói thật nhiều với con những gì trong ba cảm nhận được lúc này? Con sẽ nói ba lạc hậu, không thích ứng kiểu sống hiện đại này. Sống được thì ở không thì chia tay, chẳng gì bận bịu, gia tài chia đôi như đứa con non thơ kia được bảo lãnh bằng số tiền hàng tháng mà người có trách nhiệm phải trang trải bù đắp cho nó theo yêu cầu của tòa án; và cũng chẳng cần biết giá trị của lòng người, của lương tâm, của tình thương máu mủ ruột thịt là gì.

Mình là người Việt Nam. Gia tộc vốn là Phật tử thuần thành xứ Huế di cư vào tận một vùng biển nghèo cuối miền Trung để sống. Gia đình mình lớn lên từ phong thổ nơi đây nên ba không lấy gì làm lạ khi từng đứa con bỏ quê đi kiếm sống tận thành phố đô hội sung túc đầy tiền của danh vọng như thời xưa trẻ trai mười tám đôi mươi của ba xa nhà tự bươn chải học hành mang theo bao ước vọng “làm người”.

Sống trên đời này đã là mang nghiệp vào thân, thoát sao khỏi những nhập nhằng khổ đau. Tuổi sáu mươi, đôi chân ba mẹ giờ không đứng vững huống hồ chạy nhảy tung tăng vui chơi. Nhìn đứa cháu miệng còn ngậm vú sữa về thăm nhà, đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn chung quanh, hít thở không khí quê nội, nhìn mọi vật lạ lẫm mỉm cười vô tư thấy mà sinh lòng trắc ẩn bao điều khi nhận ra cha mẹ nó đứng trước ngưỡng cửa chia tay vì xem trọng cái tôi, chấp ngã quá ương bướng nặng nề.

Chuyện kể, có người đi tìm chân lý vạn dặm ngàn thời để rồi quay về nhìn thấy mục đích không ngoài hình ảnh người mẹ xỏ đôi dép lệch hớn hở đón đứa con xa nhà nay đã trở về. Con đi tìm gì? Cuộc sống đâu có nhiều thứ hạnh phúc mà chọn lựa. Có phải vì quá nhiều đam mê khác lạ nên con không chịu rứt bỏ những phù phiếm, chê bai cái hạnh phúc nhỏ bé cũ rích mình đang có mà tìm kiếm cái to tát mới mẻ hơn? Thật là có lỗi khi ít quan tâm đến con nơi xứ lạ quê người để nhận về lại mình là sự đối đãi hời hợt thiếu sự lắng nghe và cũng chưa một lần cầm tay con dắt đưa vào cổng chùa để cùng nghe tiếng kinh hòa lẫn chuông chùa hay nghe lời thầy khuyên bảo qua một bài giảng lời Phật dạy nào đó.

Phật ở đâu vậy? Ở tận trong lòng mình. Con đi tìm cái vốn dĩ nó không thật bền, sẽ là hư hoại. Sao không soi rọi lại mình dù ánh sáng đó thật nhỏ nhoi lấp lóe như ngọn nến nhưng hy vọng nó sưởi ấm lòng con, thấy rõ từng ngóc ngách tâm hồn đang mờ mịt. Thật ra, ba cũng chẳng mong cần con có đức tin như ba mẹ như bây giờ. Nhưng, có một điều, ba tin rằng nhân quả là không ngoài cuộc sống như lời người xưa “ác giả ác báo, nhân nào quả nấy” để con tỉnh táo xem xét mà lựa chọn con đường có lợi cho mình, cho người, có đem lại an lạc cho mình cho người khác hay không. Tất nhiên, “nước mắt bao giờ cũng chảy xuống”. Mọi việc xem như một tiếng thở dài có dễ được đâu.

 “…Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như bánh xe vật kéo”.

Dùng ngôn ngữ để tỏ bày sao hết, ba mượn câu kệ 1 trong kinh Pháp cú gởi đến con, mong con suy ngẫm để sáng suốt và chín chắn hơn trước những quyết định trọng đại của đời mình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.