Chư tôn đức điều hành phiên làm việc thứ 2 của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ (2022-2027) |
Quang lâm chứng minh buổi làm việc thứ 2 có chư tôn đức Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh: Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh; Chư tôn Trưởng lão thành viên Hội đồng Chứng minh: Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Thọ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tín, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Hồng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Ngộ.
Đoàn Chủ tịch có Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng Ban tổ chức Đại hội; Hoà thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực; Chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Hoà thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Đào Như, Hòa thượng Thích Quảng Xả, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Hòa thượng Thích Quảng Hà, Hòa thượng Thích Thiện Thống, Thượng tọa Thích Đức Thiện (kiêm Tổng Thư ký) cùng các vị đại biểu đồng tham dự.
Hòa thượng Thích Giác Toàn phát biểu đề dẫn |
Sau lời đề dẫn của Hòa thượng Thích Giác Toàn, các đoàn đại biểu đã trình bày tham luận trước Đại hội.
Đại hội đã lắng nghe 16 tham luận của các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo được trình bày như: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông Phật giáo thời đại 4.0; Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung GHPGVN; GHPGVN kế thừa lịch sử vàng son; Định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới; Hoằng pháp Phật giáo thời đại 4.0;
Vị trí và vai trò người cư sĩ, Phật tử trong thời đại đất nước hội nhập, phát triển; Hướng phát triển giáo dục Phật giáo Việt Nam thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước; Hoằng pháp tại vùng nông thôn: Thuận lợi và khó khăn; GHPGVN TP.HCM với công tác nhân đạo và bảo vệ môi trường; Vai trò của Ban Điều phối và Hợp tác GHPGVN tại Lào; Phật giáo Việt Nam tại Séc và châu Âu; Kỷ cương để hoàn thiện bản thân là nền tảng của sự ổn định và phát triển Giáo hội; Đôi điều về giáo dục Ni giới trẻ thời hội nhập; Hoạt động của Phật giáo người dân tộc thiểu số: Từ suy tư đến việc truyền bá Phật pháp.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương GHPGVN trình bày tham luận tại Đại hội |
Các tham luận đã trình bày những thành quả đạt được trong các hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII và những khó khăn trong công tác Phật sự của Ban, Viện Trung ương, Phật giáo các tỉnh, thành và hải ngoại.
Theo đó, về quy hoạch nhân sự, Hoà thượng Thích Huệ Thông, Phó Thư ký – Chánh Văn phòng II Trung ương với tham luận: “Giáo dục là nền tảng quy hoạch nhân sự cho Giáo hội” đã đề xuất: “Giáo hội nên tiến hành thành lập một bộ phận chuyên trách về công tác đào tạo nguồn lực và quy hoạch nhân sự, Trung ương Giáo hội sẽ giao nhiệm vụ cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi để bộ phận chuyên trách công tác nhân sự hoạt động hiệu quả”.
Hòa thượng nhận định với đội ngũ kế thừa đã được đào tạo mang tính chuyên môn cao luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu công tác Phật sự, khi cần phân công hay bổ nhiệm vào các vị trí nào đó theo yêu cầu công việc thì vấn đề bố trí sắp xếp nhân sự sẽ vô cùng thuận lợi, nhất là sẽ tránh được những bất cập có thể xảy ra về sau cho Giáo hội.
Tham luận của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký - Chánh Văn phòng 2 |
Về truyền thông Phật giáo, Hoà thượng Thích Gia Quang trình bày trong tham luận: “Thông tin Truyền thông Phật giáo hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, tự nguyện của các Tăng Ni, tín đồ Phật tử, tính hiệu quả trong công tác tổng hợp và thống nhất nguồn nhân lực truyền thông hiện đang rất rời rạc, manh mún. Có nhân sự đã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ truyền thông nhưng số lượng còn ít, đa số mang tính tự phát, hoạt động không chuyên nảy sinh những hoạt động tự phát, thiếu định hướng, gây tác dụng ngược về nội dung truyền tải, làm méo mó hình ảnh về Giáo hội, về Tăng Ni và Tăng đoàn”.
Đề xuất trước Đại hội, Hoà thượng Trưởng ban Thông tin - Truyền thông mong muốn Giáo hội cần phải có mô hình báo chí chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng tự phát, hoạt động thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp giữa các đầu mối thực hiện truyền thông Phật giáo như thực trạng đang diễn ra.
Tham luận "GHPGVN TP.HCM với công tác nhân đạo và bảo vệ môi trường" do Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Phật giáo TP.HCM trình bày |
Vấn đề được đại biểu quan tâm là công tác hoằng pháp tại vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn do thiếu Tăng, Ni dấn thân hành đạo, bám trụ với bà con để đưa đạo vào đời, lan tỏa những giá trị nhân bản, từ bi và trí tuệ của Phật giáo đến với quần chúng nhân dân.
Các tham luận đã đóng góp những ý kiến mang tính chiến lược trong nhiều Phật sự nhằm xây dựng Giáo hội ngày càng vững mạnh.
Hòa thượng Thích Giác Toàn đúc kết phiên tham luận |
Đúc kết phiên tham luận, Hòa thượng Thích Giác Toàn thay mặt Ban Tổ chức tiếp thu các đề xuất của đại biểu và sẽ vận dụng phù hợp với thực tiễn trong nhiệm kỳ tới.
Cũng trong dịp này, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đã trình Đại hội dự thảo sửa đổi Hiến chương GHPGVN lần thứ 7. Bản dự thảo Hiến chương sửa đổi có 14 chương, bao gồm lời nói đầu và 87 điều, nhiều hơn Hiến chương GHPGVN hiện hành 1 chương và 16 điều.
Thượng tọa Thích Đức Thiện trình Đại hội dự thảo sửa đổi Hiến chương GHPGVN lần thứ 7 |
Hiến chương tu chỉnh lần này tập trung vào cơ cấu hệ thống tổ chức các cấp hành chính Giáo hội, sửa đổi bổ sung cấp hành chính cơ sở. Sau khi tu chỉnh, Hiến chương GHPGVN sẽ có 4 cấp hành chính: GHPGVN cấp Trung ương (bao gồm: Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trị sự); GHPGVN cấp tỉnh, thành phố (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố); GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); GHPGVN cấp cơ sở: Ban Quản trị cơ sở tự viện.
Hiến chương tu chỉnh lần này đã dành riêng một chương mới quy định về GHPGVN cấp cơ sở (Chương VIII). Hiến chương tu chỉnh cũng có quy định cụ thể về tài sản của tổ chức tôn giáo trực thuộc GHPGVN và tài sản của Tăng Ni.
“Trong lần tu chỉnh Hiến chương này đã kiện toàn cơ cấu tổ chức của Hội đồng Chứng minh, các quy định trong Hiến chương cụ thể hóa vai trò của Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật. Nâng cao vị thế lãnh đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh: Văn phòng Hội đồng Chứng minh, Ban Giám luật, Ban Giám sát và Kỷ luật là một trong những điểm quan trọng”, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.
Kết thúc phiên làm việc thứ 2 của Đại hội, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Tri sự, Trưởng ban Nhân sự Đại hội IX đã lấy biểu quyết trước Đại hội và thống nhất thông qua Hiến chương sửa đổi lần thứ 7.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Chư tôn đức tham dự |
Hòa thượng Đào Như |
Hòa thượng Thích Thiện Thống |
Hòa thượng Thích Huệ Phước |
Thượng tọa Thích Thọ Lạc |
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn |
Thượng tọa Thích Phước Nghiêm |
Thượng tọa Thích Phước Đạt |
Thượng tọa Thích Đạo Phong |
Thượng tọa Thích Minh Quang |
Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương |
Thượng tọa Thích Giác Duyên |
Thượng tọa Thích Đức Tuấn |
Phật tử Tạ Bích Thủy |
Thượng tọa Thích Đức Lợi điều phối chương trình |
Đại biểu tham dự |