Quang lâm chứng minh lễ khai mạc có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ, Chánh Thư ký; Chư vị Phó Pháp chủ: Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Chánh Thư ký, chư vị Trưởng lão Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục, Trưởng lão Hòa thượng Châu Ty, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh; Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
|
Đại hội được đặt dưới sự điều hành của Chủ tịch đoàn: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng ban Tổ chức Đại hội; Các Phó Chủ tịch: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Hòa thượng Thích Quảng Xả, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Hòa thượng Thích Thiện Thống, Thượng tọa Thích Đức Thiện (kiêm Tổng Thư ký); Hòa thượng Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng I; Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng II Trung ương GHPGVN.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN và các Bộ ngành Trung ương tham dự |
Về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội có sự hiện diện của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN; bà Bùi Thị Minh hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động; ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, các vị nhân sĩ trí thức, đại diện các tôn giáo bạn.
Tham dự Đại hội có 1.091 đại biểu Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử tiêu biểu đại diện các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, các cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài.
1.091 đại biểu Tăng Ni, Phật tử tham dự Đại hội |
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, phút tưởng niệm chư tôn đức giáo phẩm, chư vị tiền bối hữu công của Phật giáo nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập dân tộc, Đại hội đã nhất tâm cung thỉnh Ban Chứng minh, Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã điểm lại quá trình hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ VIII với những khó khăn lẫn thách thức xuất phát từ tình hình đặc biệt của quốc tế cũng như đất nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã điều hành linh hoạt, sáng tạo các hoạt động Phật sự.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đọc diễn văn khai mạc Đại hội |
Từ đó, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự các cấp đã đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ, đặc biệt là công tác tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng kế hoạch.
Hòa thượng cho biết Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 với định hướng "Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển" là dịp thảo luận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua; đề ra phương hướng hoạt động Phật sự; thảo luận, đóng góp ý kiến vào 12 mục tiêu Phật sự lớn của Giáo hội trong nhiệm kỳ tới, các dự thảo văn kiện trình Đại hội; suy tôn Đức Pháp chủ và bổ sung Hội đồng Chứng minh; suy cử Hội đồng Trị sự khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2027; tiến hành tu chỉnh Hiến chương GHPGVN phù hợp với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật và thực tiễn.
"Tôi đề nghị Đại hội phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ để đánh giá đúng thành tựu Phật sự đạt được, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành Phật sự của Hội đồng Trị sự; đồng thời phân tích sâu những tiềm năng, lợi thế, nhìn ra những khó khăn, thách thức phía trước từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ Phật sự trọng tâm và sáng tạo đột phá nhằm thực hiện thành công một cách hữu hiệu nhất các Phật sự ích đạo, lợi đời, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.", Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhấn mạnh.
Tiếp đó, Thượng tọa Thích Đức Thiện trình bày tóm tắt Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022-2027).
Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN |
Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đã khái quát lại thành tựu mà Giáo hội đã đạt được trên 3 phương diện chính: Tổ chức, Hoạt động Phật sự chuyên ngành, Tham gia công tác xây dựng, Phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Các thành tựu Phật sự quan trọng có thể kể đến như: Ổn định hoạt động Tăng sự; Tổ chức các kỳ An cư kiết hạ, các Đại Giới đàn truyền thọ giới xuất gia, quy y Tam bảo cho Phật tử; Mở mang xây dựng cơ sở tự viện; tổ chức các khóa tu, thuyết giảng; Thực hiện công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với MTTQVN và các đoàn thể trong hệ thống chính trị; Chung tay thực hiện tốt sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, v.v...
Công tác giáo dục Phật giáo được đặc biệt quan tâm đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ có trình độ về Phật học và thế học, tạo nguồn lực cho sự phát triển Giáo hội. Các hoạt động hợp tác giáo dục quốc tế, tổ chức các hội thảo khoa học, xuất bản, hướng dẫn sinh hoạt Phật tử, tổ chức các sinh hoạt tu học, v.v... được chú trọng tổ chức.
Nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội cũng đạt được thành tựu đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghi lễ thể hiện qua việc biên soạn khoá tụng thống nhất, Việt hóa nghi lễ, triển khai các đề án thống nhất pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản Phật giáo, v.v...
Quan hệ Phật giáo quốc tế và hoạt động đối ngoại giao lưu, hợp tác quốc tế là một trong những thành tựu Phật sự nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội.
Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, bằng nhiều hình thức, việc làm ý nghĩa, xung phong "cởi áo cà-sa, khoác áo blouse", các cấp Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.
Trong nhiệm kỳ tới, với phương hướng hoạt động gồm 12 điểm, Tăng Ni và Phật tử GHPGVN nỗ lực phấn đấu theo định hướng: "Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển" nhằm tiếp tục không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Công bố chính thức của GHPGVN tại Đại hội, hiện Việt Nam có 54.973 Tăng Ni, 18.544 cở sở tự viện, có 60% dân số là tín đồ Đạo Phật (khoảng gần 60 triệu người).
Trong lời phát biểu chúc mừng Đại hội, nhắc lại nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời về sự gắn bó "như hình với bóng, tuy hai mà một" của Phật giáo và dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử tích cực thực hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc; gửi lời chúc mừng đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong nước cũng như ở nước ngoài nhân dịp Đại hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng Đại hội |
"Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất ở nước ta, có nhiều ảnh hưởng tích cực cho đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam ta...", Chủ tịch nước khẳng định.
Dịp này, Chủ tịch nước cũng đã nêu lên sự đồng hành, gắn bó mật thiết thiết của Phật giáo trong dòng lịch sử dân tộc hơn 2.000 năm với truyền thống hộ quốc an dân, phù hợp với văn hóa, đời sống tinh thần của nhân dân. Thời đại nào cũng luôn có các vị cao Tăng trí cao đức trọng đứng ra giúp dân, giúp nước. Trong công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều Tăng Ni, cư sĩ Phật tử đã tham gia kháng chiến, anh dũng hy sinh góp sức cùng toàn dân tộc.
Ngay sau khi thống nhất đất nước, Phật giáo đã gương mẫu đi đầu trong việc thống nhất các hệ phái, truyền thống Phật giáo trong một tổ chức chung là GHPGVN. Với đường hướng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước, gắn bó các tôn giáo, khẳng định quan hệ không thể tách rời giữa Đạo pháp và Dân tộc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN |
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những đóng góp của Phật giáo Việt Nam vào đời sống đất nước trên mọi mặt, bày tỏ sự vui mừng về những thành tựu mà GHPGVN đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đảm bảo tuân thủ chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Phật giáo đã có nhiều hình thức đóng góp thiết thực, hàng nghìn Tăng Ni đã "cởi áo cà-sa, khoác áo blouse", các Phật tử đã cống hiến, lăn xả vào các vùng dịch, cùng với cả hệ thống chính trị chiến đấu, đẩy lùi đại dịch.
Trên phương diện quốc tế, Phật giáo Việt Nam đã có những hoạt động thể hiện vai trò hội nhập, phát triển với thế giới, việc hành đạo của Tăng Ni, sinh hoạt của Phật tử Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng, tổ chức thành công Đại lễ Vesak lần thứ 3 được thế giới đánh giá rất cao,...
"Những kết quả tích cực trong hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ vừa qua khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thể, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy truyền thống yêu nước, sát cánh đồng hành cùng với dân tộc.", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Chủ tịch nước cũng khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sự quan tâm đối với hoạt động tôn giáo; đề nghị Đại hội quan tâm thảo luận phương hướng phát triển phù hợp cho GHPGVN, khẳng định vị thế của tổ chức đại diện duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, chung tay cùng toàn dân tộc đóng góp vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam.
Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đón nhận lẵng hoa từ quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN chúc mừng Đại hội |
Sau phần đáp từ của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng lão Hòa thượng Quyền Pháp chủ, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng nhị vị Phó Chủ tịch Thường trực đã đón nhận lẵng hoa tươi thắm từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trao tặng đến Đại hội.
Bên cạnh đó, GHPGVN cũng đón nhận những lẵng hoa chúc mừng từ Ban Dân vận Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ, HĐND - UBND - MTTQVN TP.Hà Nội.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đón nhận lẵng hoa từ bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chúc mừng Đại hội |
Dịp này, Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho 2 cá nhân: Hòa thượng Thích Quảng Hà, Thượng tọa Thích Đức Thiện; Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 tập thể: Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và 3 cá nhân: Hòa thượng Ekasuvanna (Danh Lung), Hòa thượng Thích Thanh Hùng, Hòa thượng Thích Bửu Chánh. Truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Hải, trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho 12 cá nhân thuộc GHPGVN có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 2 cá nhân, hạng Ba cho 3 tập thể và 3 cá nhân |
Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 13 cá nhân có thành tích trong công tác từ thiện xã hội. Bộ Nội vụ trao tặng Bằng khen cho 3 cá nhân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN trao tặng bằng khen cho 17 cá nhân.
Vào lúc 14 giờ chiều nay, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ bước vào phiên làm việc thứ 2 với phần trình bày tham luận của các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố; biểu quyết thông qua Hiến chương GHPGVN sửa đổi.
Nhóm phóng viên Báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động của Đại hội.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Thực hiện nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, phút tưởng niệm |
Thượng tọa Thích Minh Quang dẫn chương trình |
Cung thỉnh Ban Chứng minh, Chủ tịch đoàn Đại hội |
Các đại biểu tham dự Đại hội đại diện cho Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành và cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại nước ngoài |
Đại biểu Phật giáo TP.HCM |
Chư Ni tham dự |
Đại hội chính thức diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-11 |
Thượng tọa Thích Đức Thiện trình bày tóm tắt Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII, Phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX |
"Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thể, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy truyền thống yêu nước, sát cánh đồng hành cùng với dân tộc.", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định trong lời phát biểu chúc mừng Đại hội |
Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động các hạng Nhì, Ba cho các cá nhân và tập thể |
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhận Huân chương Lao động hạng Nhì |
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba trao cho tập thể Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam |
Trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho 12 cá nhân |
Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ |