Thông điệp của những tờ lịch

Giác Ngộ - Tờ lịch nhắc mình về hai từ mà Bụt dùng để chỉ cho những người không chánh niệm: vọng tưởng! Chạy theo chiều của quá khứ hay tương lai đều là vọng tưởng, mình cứ đi lang thang như kẻ không nhà (cái nhà ngũ uẩn) này nên mình đã không sử dụng trọn vẹn ngôi nhà của mình vào việc đi trên đường giải thoát. 

anh - Lich va tu su.jpg

Tờ lịch nói với mình nhiều điều lắm, hãy lắng nghe sâu... - Ảnh minh họa

1. Một sáng nào đó, khi lòng bạn thật thảnh thơi, tâm bạn thật tĩnh lặng và bạn gỡ một tờ lịch, bạn sẽ nghe tờ lịch nói rằng: Này anh, anh hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay, trong từng giây phút hiện tại cho em nhé. Em muốn sự có mặt của anh cho em, cho ngày hôm nay! 

Anh đừng nghĩ em ích kỷ khi mong anh điều đó, nhưng bởi vì nhiều khi anh sống cho ai đó, cho một ngày nào xa xôi ở quá khứ hoặc tương lai và anh khổ vì điều đó. Em không muốn anh khổ khi phải chạy về quá khứ hay mơ tưởng tương lai, nên em mong anh có mặt cho em, bằng việc thực tập chánh niệm, chú ý hơi thở, kiểm soát tâm mình. Anh nhé!

Mình nghe và chắc chắn mình sẽ bắt đầu cảm thấy thương tờ lịch, thương chính mình, thương giây phút hiện tại, bởi tờ lịch đã nhắc mình một trong những điều căn bản nhất của việc kiến tạo hạnh phúc, bằng an: là hãy an trú hiện tại. 

Lâu nay mình bỏ quên ngày hôm nay, bỏ quên sự sống mầu nhiệm có mặt nơi hơi thở vào-ra, mình không biết mình đang làm gì, mình để cho dòng tâm tưởng chảy cuồn cuộn với những ước mong, hoài bão, những được-mất đã qua, và tiếc nuối. Tờ lịch đã đúng, vì lâu nay mình bất an, mình không có hạnh phúc.

Tờ lịch nhắc mình về hai từ mà Bụt dùng để chỉ cho những người không chánh niệm: vọng tưởng! Chạy theo chiều của quá khứ hay tương lai đều là vọng tưởng, mình cứ đi lang thang như kẻ không nhà (cái nhà ngũ uẩn) này nên mình đã không sử dụng trọn vẹn ngôi nhà của mình vào việc đi trên đường giải thoát. Có nghĩa là “liên minh thân (ngũ uẩn) - hơi thở - tâm” trở nên lỏng lẻo nên thân-tâm không thường an lạc; và mình ngộ ra điều đó, để rồi mình thấm yếu nghĩa: chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần; hơi thở là Pháp, bảo hộ thân tâm; năm uẩn là Tăng, phối hợp tinh cần.

2. Một ngày nào đó, bạn được tặng những tờ lịch, những tờ lịch in hình đẹp, giấy tốt, nhiều tờ trên một cuốn. Tờ lịch là tặng phẩm cuối năm, nhiều nơi đua nhau in, năm sau phấn đấu nhiều hơn năm trước, đẹp hơn năm trước, nhiều tờ/cuốn hơn… Bạn nhận được những cuốn lịch dày cộm như thế, chắc chắn bạn sẽ khởi lên niềm vui, vì những cuốn lịch đẹp, dày, giấy tốt…

Nhưng, nếu bạn tĩnh tâm, để nghe thật sâu trong từng tờ giấy, từng cuốn lịch bạn sẽ nghe những điều diệu kỳ khác. Bạn sẽ nghe tờ lịch thỏ thẻ với bạn rằng: Anh biết không, để có những tờ lịch và cả những tấm thiệp thì các ông chủ nhà máy giấy phải sử dụng một lượng gỗ lớn. Em được tạo ra nhiều cũng có nghĩa là cây xanh bị đốn hạ nhiều, hóa chất được thải vào đất mẹ nhiều hơn. Dẫu biết đất mẹ rất bao dung, nhưng đất mẹ có vẻ đang oằn mình vì sự phát triển quá nhanh, vì nhu cầu thể hiện sự sung túc, giàu có mà nơi này năm nay in ít, năm sau in nhiều (nhiều cả số lượng lẫn số tờ/cuốn).

Nghe tờ lịch kể chuyện mà tôi giật mình! Giật mình vì bên cạnh những cuốn lịch đẹp là nhiều những cây gỗ phải bị hạ để làm nguyên liệu. Bên cạnh những tờ lịch còn là những chiếc vỏ bọc lịch bằng ny-long, bao biếu mùa cuối năm cứ tăng lên vô số kể, đổ vào đất mẹ lượng rác thải phải tốn hàng trăm năm mới phân hủy được. 

Cơ thể đất mẹ lại thêm những vết thương, và đương nhiên con người lãnh đủ. Ít muốn, biết đủ là một điều kiện, một pháp hành cần thực tập giữa thời buổi cạnh tranh toàn diện này. Cứ chỗ này nhìn chỗ kia, không chịu thua, và ra sức làm tốt hơn của người ta, rồi quên mất những vết thương môi trường… 

Mùa xuân nói với ta điều gì, hỏi để lắng nghe, mùa xuân nói rằng: Tết đến, trồng cây thì ít, hạ sát cây để làm giấy, thải vào môi trường bọc ny-long thì vô số kể…

3. Cũng may, những tờ lịch cũ kịp lên tiếng báo về một tin vui, rằng: những tờ lịch cũ như tụi mình được các bạn trẻ tình nguyện gom lại để làm sách chữ Braille (chữ nổi) dành cho người mù, học sinh khiếm thị. 

Các bạn đã tận dụng được những tờ lịch hết giá trị sử dụng (nhắc ngày tháng) để biến tấu thành sách, thành vở chữ nổi, đó là một cái tâm đáng trân quý, cuối “đời” tờ lịch vẫn hiến dâng… 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.