Thiêng liêng một gốc bồ đề

Những ngày qua, người dân thủ đô và cả nước phẫn nộ theo dõi tiến trình “giải cứu” cây bồ đề thiêng mọc bên bàn thờ các vong linh liệt sĩ và người dân tử nạn trong kháng chiến chống Pháp ở đường 19-12 (Hà Nội).

Cây bồ đề này - với những chiếc rễ bầm đỏ nhựa - đã được đưa về trồng lại nơi cũ dẫu chưa biết liệu có vượt qua được “đại kiếp nạn” để xanh cành tốt lá trở lại, che chở cho các linh hồn hay không. Tại sao những chốn linh thiêng, nơi thờ tự lại thường trồng cây bồ đề? Hóa ra quanh gốc bồ đề, đã và đang có những câu chuyện ly kỳ, ít người biết đến…

linh_tho_Bo_de.jpg

Hơn 2.500 năm trước, trên cõi trời đất này xuất hiện một con người vĩ đại. Đó chính là Thái tử Tất Đạt Đa, con Vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) với Hoàng hậu Ma da, người sau này đắc đạo, khai lập nên đạo Phật, được đời đời biết đến với danh hiệu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; còn với riêng người Việt Nam, Đức Phật được gọi bằng một tên rất đỗi thân thương: Ông Bụt.

Cây giác ngộ

Từ bỏ cung vàng điện ngọc và ngôi vua cao quý, Thái tử Tất Đạt Đa lên đường tìm kiếm đường giải thoát cho mình và chúng sinh trong bể khổ trầm luân. Sau một thời gian tu hạnh ép xác không có kết quả, Ngài nhận thấy lối tu ấy không phải là lối tu giải thoát.

Và sau khi nhận bát sữa của nàng Su-già-ta cúng dường, thân thể bình phục, tâm hồn sảng khoái, Ngài đến dưới gốc cây bồ đề tọa thiền, phát một lời nguyền: "Nếu không tìm ra chân lý thì thà chết ta không rời chỗ này". Trải qua một thời gian thiền quán, Đức Phật chiến thắng được tất cả những tật xấu xa của thân thể và nội tâm, dẹp bỏ được mọi sự phá rối của ma vương bên ngoài. Ngài đã thành đạo vào lúc sao Mi mọc, ngày mùng 8 tháng Chạp.

Đức Phật Như Lai đã thành đạo dưới cội cây Pippala, loại cây linh thiêng trong tín ngưỡng truyền thống Ấn Độ bởi họ tin tưởng rằng loài cây này có nhiều thần linh trú ngụ. Vì thế, sự kiện đó được lấy để đặt tên cho loài cây này là bồ đề, nghĩa là cây Giác ngộ. Sau khi thành đạo, Ngài đã than: "Than ôi! Chúng sanh vốn đầy đức tướng trí huệ Như Lai, nhưng chỉ vì vô minh che lấp nên phải sinh tử luân hồi đấy thôi!".

Thiêng liêng một đức tin

Hình dáng của cây bồ đề rất dễ nhận diện nhờ vào chiếc lá hình quả tim, rất phổ biến, đặc biệt trên đất Ấn Độ. Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ đề là "ficus religiosa", nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên gọi là "cây giác ngộ," hoặc thường được gọi là "cây bồ đề".

_goc_cay_bo_de.jpg

Theo các nhà thực vật học, tuổi thọ của loại cây này chỉ trên dưới 300 năm nhưng lại có khả năng ký sinh, nghĩa là có thể sống và phát triển trên một hốc cây mục nào đó, hoặc ngay nơi thân cũ; các chồi non của chính nó sẽ lấy dưỡng chất từ thân cây mẹ nuôi dưỡng cây mới và cây cũ sẽ chết trong một hình thái bị bao bọc và che kín dần của cây mới tức cây con của nó.

Nghĩa là, loài cây đặc biệt này có khả năng sống mãnh liệt và dễ thích nghi ở bất cứ môi trường khắc nghiệt nào, thật chẳng khác với triết lý nơi nào có sự sống thì nơi đó cây bồ đề có khả năng tồn tại, cũng giống như nơi nào có chúng sanh nơi đó có đạo Phật, nơi đó cần được cứu khổ.

Sinh - diệt và bất tử

Thực ra thì gốc bồ đề cách nay hơn 2.500 năm từng che mưa nắng cho Đức Thế Tôn ngày nào không còn nữa. Tại Bồ Đề đạo tràng (Bodh Gaya) - thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, được quan tâm với lòng kính trọng đặc biệt của Phật tử và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới - giờ đây chỉ là cây kế thừa ít nhất là 5 đời được tính từ cây thủy tổ theo tài liệu của Tiến sĩ Schumann và khoảng 7 - 11 đời theo một số tài liệu nghiên cứu khác.

Cây bồ đề nguyên thủy vẫn còn sống đến thời của vua A Dục (Asoka), ngoài ra còn nhân rộng cây quý này bằng cách chiết nhánh của nó gửi tặng cho vua Tích Lan (Devanampiya Tissa) để trồng tại thành phố cổ Anuradhapura vào năm 242 trước kỷ nguyên Tây lịch.

Trong một văn bản ghi lại rằng, trước khi Hoàng đế Asoka trở thành một vị Phật tử, ông đã cắt cây bồ đề lấy gỗ cho ngoại đạo làm lễ tế lửa cúng dường Phạm Thiên. Không lâu sau khi những làn khói tan biến thì lạ kỳ thay, một cây bồ đề con được mọc ra từ đống tro tàn với những cành lá lung linh như lông vũ, vua Asoka kinh ngạc và đã cúng dường sữa tưới trên phần còn lại của cây bồ đề cũ để rồi đến sáng ngày hôm sau, cây bồ đề mới đã cao bằng cây bồ đề cũ.

Đức Phật từng dạy: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta. Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội. Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”. 

Vua A Dục chăm sóc cây bồ đề từng che bóng cho Đức Phật rất cẩn thận, hàng ngày đến thăm cây bồ đề với cả lòng ưu ái, kính trọng như một báu vật quốc gia vì quá sùng kính Đức Thế Tôn. Chỉ vì ghen tỵ với sự tôn kính ấy của vua A Dục, quý phi diễm lệ là Tisyaraksita đã hạ lệnh lén chặt cây bồ đề và thiêu hủy nó bởi bà tưởng trong cây ấy có tiên nữ đã làm mê muội nhà vua. Vua A Dục đã trồng lại cây bồ đề từ nhánh cây được chiết ở Tích Lan đem về và ần này, nhà vua chăm sóc rất cẩn thận với việc cho xây bức tường thành cao 3m để bảo vệ.

Đến khoảng năm 600 - 620, vua Sasanka xứ Ganda (Bengal) vì theo ngoại đạo nên không thích Phật giáo, đã truyền lệnh đốn cây thiêng này đồng thời đem đốt toàn bộ gốc rễ hòng làm cho tuyệt giống cây này. Nhưng đến cuối thế kỷ VIII, vua Purnaverma của Maghada, người nối dõi cuối cùng dòng vua Asoka, đã trồng lại cội bồ đề, thành khẩn cầu nguyện và chăm sóc cây bồ đề cẩn thận, cho xây bức tường cao khoảng 7,5m để bảo vệ, tránh đi sự phá hủy của kẻ xấu.

Dưới thời của vua Purnavarma, cứ đến dịp tổ chức lễ hội Vaisakha hàng năm là có hàng nghìn người từ khắp nơi trên đất nước Ấn Độ tụ hội về dưới gốc cây bồ đề thiêng liêng để làm lễ. Họ dùng nước hoa, sữa thơm để tưới cho cây, và họ còn dâng hoa và nhạc để cúng dường cây bồ đề.

Năm 1201, khi đạo quân Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ đã phá huỷ cây thiêng. Điều kỳ lạ là, chân lý vô thường sinh diệt của đạo Phật đã được minh chứng qua sự kiện hồi sinh của cây bồ đề. Ngay nơi gốc cây đã bị tàn phá, một chồi non đã nhú lên và phát triển nhanh chóng, cành lá sum suê.

Năm 1875, cây bồ đề bị khô chết và trong một cơn bão sau đó, gốc đã bị cuốn đi nhưng không lâu sau đó, một chồi non lại nảy nở và phát triển, kế thừa mạch sống của cây bồ đề tổ tiên. Cội bồ đề này đã lớn lên và phát triển đến ngày nay, được tính trên 130 tuổi. Mặc dù trải qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí ngày hôm nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi chuyển dịch, vẫn định vị như gốc cây nguyên thủy mà hơn 2.500 năm về trước chính là nơi mà nhà tu khổ hạnh Tất Đạt Đa đã giác ngộ thành Phật.

Năm 2002, Bồ Đề đạo tràng đã được công nhận là một di sản của thế giới. Hàng năm, có hàng nghìn người trên khắp thế giới, bao gồm cả Phật tử lẫn những người không phải là Phật tử, tìm về khu thánh tích thiêng liêng này để chiêm bái, chiêm ngưỡng cây bồ đề thiêng liêng, được ngồi tĩnh tọa dưới bóng cây thiêng - hình ảnh nhắc nhở nhớ về sự chứng ngộ siêu việt của Đức Phật, biểu tượng của niềm an lạc vô biên, của một tiềm năng siêu tuyệt đang ẩn tàng trong mỗi con người - và cảm nhận những cảm xúc lạ thường đang trào dâng…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.