Thiền trong đời thường

NSGN - Thực hành thiền để điều chỉnh sức khỏe và tinh thần, đó là phương pháp đã có trước khi Đức Phật ra đời. Pháp này được tiếp tục phát huy và tồn tại đến ngày nay dưới hình thức là pháp Yoga, tức thuật dưỡng sinh giúp cho con người rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn và bình tĩnh hơn. 


thien-dinh-feature.png
Thực hành thiền để điều chỉnh sức khỏe và tinh thần, Ảnh minh họa

Đến khi Đức Phật ra đời, trên bước đường học đạo, Ngài đã tham cứu với các tu sĩ đương thời về pháp này. Trong số những vị lỗi lạc đã thực hành thiền mà Đức Phật từng nhắc đến là Uất Đầu Lam Phất và Kamala. Hai vị này đã đắc Tứ thiền và Tứ không. Họ có tâm hồn yên tĩnh và thâm nhập vào loại hình thế giới mà chúng ta chưa cảm nhận được.

Sau khi tham cứu với các nhà hiền triết đương thời, Đức Phật thể nghiệm pháp tu thiền định của riêng Ngài ở Bồ Đề Đạo Tràng. Và Ngài đã đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, minh chứng được rằng pháp thiền của Ngài chứng đắc là cao nhất. Thật vậy, tâm chứng của Đức Phật tạo thành sức thuyết phục những nhà trí thức, quyền thế thời bấy giờ, cũng như đã cứu giúp những người khổ đau, giải tỏa những bế tắc cho người đương thời.

Sau khi Đức Phật diệt độ, không có người nào thừa hưởng được trọn vẹn pháp tu của Ngài. Bước theo dấu chân Phật, mỗi người chỉ thu nhận được một phần nhỏ tinh ba của Phật. Từ đó, các pháp tu của hàng đệ tử Phật trở thành khác biệt nhau, tiến đến hình thành các bộ phái khác nhau. Trong số đó, có học phái chuyên khai thác mảng tâm chứng của Đức Phật gọi là Thiền tông, căn cứ vào sự truyền thừa từ tâm thầy truyền sang tâm trò. 

Phải khẳng định rằng Thiền tông truyền thừa được với điều kiện phải đắc thiền. Đắc thiền dù là thiền dưới dạng nào, cũng phải hội đủ ba tiêu chuẩn: cơ thể khỏe mạnh, tinh thần bình ổn và trí tuệ sáng suốt. Các Thiền sư đạt được ba điều này. Họ rất sáng suốt, quán sát thấy rõ cơ thể, tâm lý, trí tuệ của học trò có thể lãnh hội được những gì họ muốn truyền trao. Thần của Thiền sư rất sáng, biết người nào tiếp thu được năng lực thì mới truyền và người được truyền cũng sáng suốt theo. Tâm bình ổn của Thiền sư đi thẳng vào tâm của học trò, khiến cho trò bình ổn theo, gọi là tâm ấn tâm, thần truyền thần. Điển hình như Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền tâm ấn cho Thiền sư Cảm Thành, giữa hai thầy trò có sự đồng cảm với nhau mà người ngoài không hiểu được. Hoặc ngài Hoằng Nhẫn truyền tâm pháp cho Huệ Năng đại sư cũng chỉ có hai ngài biết với nhau, người ngoài cuộc hoàn toàn tuyệt phần. Có thể nói đây là nét đặc sắc của Thiền tông, chứng đắc thiền mới truyền được cho người. Tuy nhiên, chứng được thiền pháp không dễ và chứng rồi cũng khó tìm được người có khả năng để truyền trao tâm chứng. Chính vì sự khó khăn này mà các dòng thiền ra đời chỉ truyền xuống được vài thế hệ thì tan mất phần tâm truyền, chỉ còn lại phần truyền thừa theo hình thức. Và khi tính chất cốt lõi là tâm truyền bị thiếu hụt, tự nhiên sức sống thực của thiền pháp cũng không còn nữa.

Quả thực dòng suối tâm linh thiền chứng không đơn giản, vì thế thiền chân truyền khó có cơ hội tồn tại. Ngày nay, người ta thường tập hợp kinh nghiệm sống thực của người xưa tu tập thiền pháp để viết thành sách, cho thấy vị trí rất quan trọng của thiền trong đời sống xã hội, có thể gọi đó là thiền trong sinh hoạt đời thường. Nổi tiếng có Thiền sư Nhật Bản Kimura, Suzuki, Thiền sư người Mỹ Philip Kapleau, Thiền sư Miến Điện Sayadaw U Jotika... Các vị Thiền sư này đã ứng dụng thiền pháp vào đời sống xã hội, mở ra lối thoát cho nhiều người trước những khủng hoảng của thời đại; nhất là đối với xã hội Tây phương, làm nhẹ bớt “stress” hay sự ô nhiễm tinh thần do con người gây ra càng lúc càng trầm trọng. 

Có thể nói xã hội thiền hay thiền trong sinh hoạt đời thường tuy không phải là thiền pháp của Đức Phật hay của các vị Tổ sư chứng đắc, nhưng cũng đã giúp được cho con người ở thời đại ngày nay đạt được ba tiêu chí vừa nêu: cơ thể khỏe mạnh, tinh thần bình ổn và trí tuệ sáng suốt.

Riêng tôi, tu tập theo kinh Pháp hoa, tôi tâm đắc khẩu hiệu: “Liễu ngộ Pháp hoa chứng đạo Thiền”. Đối với người tu Pháp hoa, họ thiền trong mọi sinh hoạt, từ tụng niệm, lễ bái, nghe pháp, thuyết giảng, thậm chí trong mọi việc làm bình thường hàng ngày đều không rời thiền. Ngài Thiên Thai dạy rằng đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, thuyết pháp, đều là thiền. Thiền của Pháp hoa cũng vậy, ăn trong thiền, nói trong thiền, làm việc trong thiền, ngủ nghỉ trong thiền..., không phải chỉ ngồi yên mới thiền. Tất cả sinh hoạt đời thường của chúng ta trong từng phút giây đều diễn ra ở trạng thái tập trung, gọi là thiền. Tâm chúng ta luôn gắn liền với pháp Phật, tạo cho chúng ta tinh thần bình ổn và luôn suy nghĩ lời Phật nên trí sanh trong các pháp. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là “Tùng Phật khẩu sanh, tùng pháp hóa sanh, đắc Phật pháp phần”. Vì vậy, khi gặp việc bức bách làm rối loạn tâm hồn, chúng ta ngồi yên, hoặc đọc kinh Phật hay đi bách bộ để suy tư lời Phật dạy, đều giải tỏa được những vướng mắc. Nhờ bám trụ vào pháp Phật, tạo thành lực tập trung trong mọi tình huống, chúng ta được bình ổn và có tầm nhìn chính xác. Thiền Pháp hoa hay thiền trong sinh hoạt đời thường là vậy.

Tóm lại, con đường tiến đến thiền pháp của Phật hay chư vị Tổ sư đã chứng đắc còn có một khoảng cách không nhỏ và không đơn giản đối với nhiều đệ tử Phật. Tuy nhiên, trước mắt, thiền pháp đang hiện hữu như người bạn thân quen ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức của sinh hoạt đời thường. Không ai có thể phủ nhận vai trò của thiền pháp rất quan trọng, nó đang mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống tâm sinh lý của mọi người trên trái đất này.

Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.