Thiền sư & đạo sĩ

GN - Thiền sư già và đạo sĩ trẻ cùng tu trên một quả đồi, tuy nước sông không phạm nước giếng nhưng mối quan hệ có vẻ chẳng mấy thật lòng. Với chút kiến thức có được, đạo sĩ thường hoạnh họe, luôn cố tình chơi khăm, bôi nhọ thiền sư giữa đám đông mỗi khi có dịp. Còn lão tăng thì luôn tỏ ra khiêm nhường và tôn trọng hậu bối, đặc biệt cẩn thận với tôn giáo bạn.

aminhhoa.jpg

Dân chúng ở nơi đây cũng tự động hóa phân theo hai luồng tư tưởng, họ thường đả kích nhau để đề cao thầy mình. Điều này tạo hưng phấn cho vị đạo sĩ trẻ, nhưng lại là nỗi suy tư của thiền sư. Nhiều lúc sư muốn ra đi để trả lại sự bình yên cho địa phương dân chúng vì không muốn có sự mâu thuẫn, mất đoàn kết xảy ra. Mặc dầu là người đến trước, nhưng sư luôn cảm thấy có lỗi, mắc một món nợ với dân nơi đây. Những thân hữu, bà con dân làng thành khẩn nài nỉ lắm, sư mới chịu ở lại cùng dân, giúp dân tu tập.

Thời gian cứ trôi, cái tôi “khùng điên” to tướng của đạo sĩ ngày một nhân đôi, thiền sư thì ngày càng “cứng đạo” bởi những ma chướng cận lân.

Một hôm, nhà vua cho thỉnh hai vị cùng vào cung để xin ý kiến về bố cục trang trí cũng như phong thủy sắp đặt mọi thứ. Đạo sĩ hiên ngang thông báo tin vui đến với các tín đồ, ông ta bồn chồn muốn đi ngay và luôn nên cứ thôi thúc thiền sư nhanh chóng thu xếp đồ đạc để cùng lên đường. Trong khi đó, cũng được mời, nhưng sao thiền sư cứ bình chân như vại, không một chút suy tư dính trán, ngài vẫn cứ ung dung làm những thứ cần làm cho hôm nay và chả quan tâm gì đến chuyện ngày mai.

Nóng ruột để được vào cung yết kiến vua, đạo sĩ sang tận thảo am của vị thầy chùa già mà kêu toáng. Sau thời khóa công phu khuya, thiền sư điểm tâm nhẹ bằng củ khoai được bà lão dưới xóm cúng từ chiều qua. Mặc cho đạo sĩ cung ngâm oán khúc, hô sấm gọi mưa trước ngõ, thiền sư vẫn thế, từ từ mà xuống núi đúng giờ đã định, không chút vội vã. Thái độ đó khiến đạo sĩ vốn đã không mấy thiện ý với thiền sư lại càng thêm ghét hận.

Trên đường đi, đạo sĩ luôn chọc tức thiền sư dù không được đáp lại dẫu chỉ cái tằng hắng. Đạo sĩ nghĩ thầm:

- Với kiến thức của ta thì hỏi trên thiên văn, vấn dưới địa lý đều là chuyện nhỏ, vả lại phong thủy tướng số chả phải là món chuyên của ta hay sao. Hoàng thượng chắc có ý tốt với ta nên mới cố ý mời thêm ông lão thầy chùa đi xem, đến đó rồi thì ai hiền ai ngu tự khắc biết, ta sẽ cho ông ta không còn chỗ nào trốn núp.

Đạo sĩ cứ hỷ hoan với dòng suy nghĩ đi trước của mình.

Mặc cho đang đi với ai, đi làm việc gì, vị thiền sư đều rất thận trọng, ngài khoan thai, hình như đi chỉ để mà đi. Hành trang của ngài là bộ y rách với thêm một túi hạt giống hoa cúc vàng trên núi. Đi đến đâu, ngài cũng làm sạch đẹp con đường mình vừa qua, vừa đi vừa rải những hạt giống dọc ven đường.

Đạo sĩ nghĩ đến việc làm hài lòng vua, khi được thánh thượng ban lộc rồi thì dân chúng sẽ tự động theo mình, cứ thế mà thái độ kiêu ngạo với mọi người. Về phần thiền sư, ngài quan niệm chủ đạo vẫn lấy dân làm gốc, quan thì nhất thời còn dân thì vạn đại, quan cũng là dân, sống là sống với dân, không tách dân ra được. Tâm niệm như thế mà đến đâu, ngài cũng được dân chúng kính mến.

Cuối cùng, hai vị cũng vào đến cung với sự đón tiếp niềm nở, kính trọng của vua cùng bá quan văn võ. Sau mọi thứ chào hỏi, bố trí chỗ ăn ở đặc biệt cho hai vị thượng khách, nhà vua đi vào vấn đề chính. Vua dẫn hai vị đi đến những chỗ đang băn khoăn, cần sự giúp đỡ để xin hảo kiến của hai vị tôn đức. Ở đây toàn chứa những thứ hảo hạng nhất trên đời mà người bình thường chắc chắn sẽ không bao giờ nghĩ đến được, vượt khỏi ngưỡng suy nghĩ của thường dân.

Thấy đức vua khiêm tốn quá mức, đạo sĩ ta bắt đầu lên mặt, ra vẻ có giá, tự nghĩ tất cả quần thần trong nước ngoài ta thì không ai có cửa để làm ổn chuyện này. Ông ta khoác lác, phô trương tài nghệ của mình, chỉ trỏ dựng cái này ở bên này, đẩy cái kia vào góc kia,… mấy chốc mà mọi thứ như muốn đảo hết cả lên.

Trong khi đó, vị thiền sư lặng lẽ một mình đi khắp các phòng ốc, ngài phát hiện ra ở đây cũng có chứa đựng rất nhiều thứ hữu ích, bổ túc cho kiến thức lâu nay còn thiếu hụt. Thay vì phải căng não để tìm cái chưa hoàn hảo để thay đổi như vị đạo sĩ kia thì thầy sống cuộc sống thư thái không khác chi mấy ở thảo am của mình.

Sau một tuần vào cung, hai vị cũng hài lòng với công việc đóng góp của mình. Xong thì biết bao giờ cho xong, nhưng hiện tại như thế là coi như ổn định. Hai vị đều được vua quan tâm hết mức, tấm tắc khen ngợi và chuẩn bị phần quà khủng để hậu tạ. Đạo sĩ vểnh mặt lên trời hầu muốn vùi chôn thành quả không đáng bao của thiền sư, mặc cho lão tăng vỗ tay hết lời khen ngợi tài nghệ của ông ta.

Quần thần có mặt rất đông, dân chúng cũng thế, họ chờ đợi lời bình của đấng thiên hạ chi nhất. Phần lớn cho rằng đạo sĩ là người đáng được tôn kính bởi tài năng và sự nhiệt huyết.

Vua rằng:

- Thực ra quả nhân cho triệu thỉnh hai vị vào cung không phải để giúp trẫm bài trí lại mọi thứ, ta chỉ muốn thân cận vị thiện tri thức, bậc trưởng lão mà thôi. Bố cục trong không gian này là do tiên đế để lại, ta không muốn đụng chạm và thay đổi chúng đi bởi sự kính trọng đối với tiền nhân. Suy cho cùng thì nó có lộn xộn hay không là do tâm của chúng ta, người lộn xộn trong tâm thì sẽ cố gắng sắp xếp lại các thứ bên ngoài cho phù hợp. Nhưng làm sao có sự chính xác tuyệt đối trong khi cái nhìn của mỗi người là khác nhau và luôn tương đối.

Sao cứ lăng xăng chạy đua với nhân thế, trong khi “tu” là việc chính của người tu cơ mà. Ngoài tu sửa mình ra thì mọi thứ còn lại ngoài thân đều không nhất thiết phải sửa, đừng tác động lên cái gọi là tự nhiên đó dù tốt hay xấu, bởi tốt xấu là việc của thợ.

Trẫm nghe hai vị đều có danh tiếng, đều là bậc thầy lãnh đạo tinh thần của nhân dân nên muốn mời chư vị vào để học hỏi cách an tâm cho quần chúng. Và rồi trẫm hiểu được việc an dân thì trước tiên phải an nơi bản thân mình trước, nếu chưa có nội lực bình an thì làm sao cho người khác an được. Đây há chẳng phải là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hay sao.

Khi có trong mình công phu thâm hậu thì đi đến đâu cũng thấy an lạc, trẫm không học nhiều nhưng biết đó là câu “tùy sở trú xứ thường an lạc” mà trong nhà Phật thường nhắc đến.

Không biết hai vị tu hành ở bổn xứ có an nhiên, nhưng khi vào đây thì đã trả lời với thanh thiên là một an và một không an.

Sống thực với bản thân mình là điều quan trọng, bởi vì sống là sống cho ta chứ không phải vì ai, cho một ai. Vậy cho nên, tội gì mà vì một ai đó, thế lực nào đó mà làm thay đổi cái lý tưởng sống, cái niềm vui sống của chính mình. Đánh mất chính mình là sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời, là thứ mà mất đi rồi thì rất khó tìm lại được.

Vua ho lớn một tiếng và hỏi giữa quần thần:

- Là nhà lãnh đạo, nếu không từ dân mà lên thì từ đâu mà chui ra?

- Là nhà lãnh đạo mà không sống với dân, do dân và vì dân thì sống với ai?

Tất cả im lặng như tờ, không một tiếng thở mạnh.

Vua nghiêm nghị phê bình đạo sĩ rồi quay về phía thiền sư làm lễ sát đất và đứng lên tuyên bố:

- Đây là thầy của ta, là quốc sư.

Chỉ có con người bình an tuyệt vời này mới giúp ta an hòa lòng dân, là người vô sự giữa cuộc đời, đã làm tất cả những việc cần làm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.