NSGN - Tin thầy Tâm Mẫn chạm đỉnh non thiêng Yên Tử đến với tôi trong cái se lạnh của một chiều đông Hà Nội. Tôi lớn hơn thầy cả tuổi đời lẫn tuổi đạo, mặc dù vậy, tôi tự nhận rằng mình thật nhỏ và rất nhỏ so với chí nguyện chất ngất trời xanh mà thầy đã cần mẫn thực hiện gần bốn năm qua. Tôi không đủ thông tin để viết về cuộc hành hương đi vào lịch sử của thầy, một Tăng sĩ trẻ Việt Nam thời hiện đại. Ở đây, tôi chỉ ghi lại những cảm nhận rất riêng của mình qua những lát cắt mà tôi có duyên gặp gỡ, lắng nghe…
Những lạy cuối cùng trên sân chùa Đồng. Ảnh: Quốc Đô
1. Tin Phật, tin Pháp, tin Tăng là điều kiện cần để trở thành người cư sĩ đúng nghĩa và là nền tảng để không bị đọa lạc vào các cảnh giới khổ đau. Trong bối cảnh niềm tin vào Tăng của người cư sĩ tại gia đang có những dấu hiệu suy giảm, do những biểu hiện lệch lạc của một vài người xuất gia trẻ, thì hình ảnh “nhất bộ nhất bái” của thầy Tâm Mẫn là chỗ dựa, là niềm tin cho nhiều Phật tử trong đó có tôi. Tin Phật, tin Pháp thì dễ, nhưng tin Tăng, nhất là Tăng trẻ quả là điều khó khăn trong thời đại hôm nay. Từ hạnh nguyện của thầy Tâm Mẫn, đã lưu lộ những phẩm hạnh sáng ngời của bản thể Tăng-già trong bức tranh đa chiều của xã hội hiện đại. Hạnh nguyện đó đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố niềm tin vào chúng Tăng.
2. Thầy ăn nói không lưu loát như các vị giảng sư, thầy không am tường kinh điển như các nhà nghiên cứu Phật học, thầy không rành rẽ các pháp hành như các vị thầy hướng dẫn các khóa tu. Mặc dù vậy, mỗi nơi thầy đi qua, mỗi không gian thầy đặt chân đến, đâu đâu cũng lâm râm tiếng nguyện cầu và hồng danh của Đức Phật Di Đà. Dù sáng hay trưa, dù khuya hay tối, dù trời chiều nắng quái hay mưa gió bão bùng, trong mỗi cái lạy của thầy luôn được xông ướp bởi tiếng niệm Phật của nhiều thiện tín gần xa. Nhìn đoàn người lôi thôi vì phục trang không đồng điệu, nhìn những khuôn mặt sắc lạnh nhưng đã toát lên vẻ thánh thiện bước đầu, đã cho thấy rằng, điều thiện đã có mặt quanh đây và niềm tin vào Tam bảo đã bước đầu lưu lộ ở một số miền đất nước, từ sau mỗi cái lạy của thầy.
3. Cuộc sống cần có nghị lực và niềm tin. Nghị lực cho người sức mạnh và niềm tin định hướng cho mọi nẻo hành trình. Dẫu rằng niềm tin có nhiều thứ bậc, cấp độ nhưng niềm tin vào điều thiện thì luôn được mọi người ca ngợi, vinh danh. Dù ở đâu và bất kể công việc gì, nghị lực và niềm tin luôn là yếu tố tối thắng để mỗi con người tự khẳng định mình. Hành trình của thầy Tâm Mẫn là hành trình của nghị lực và niềm tin. Tuy rằng có thể có sự khác biệt trong hệ quy chiếu về niềm tin, nhưng ít ra qua hạnh nguyện của thầy đã cho thấy, nghị lực và niềm tin là yếu tố tối cần cho mọi sự thành tựu trong đời. Trong bối cảnh niềm tin ở nghĩa rộng nhất đang bị lung lay, trong xu thế yếu tố nghị lực đang trở thành phẩm chất hiếm hoi từ lối sống tự do hưởng thụ, thì hạnh nguyện của thầy đã thổi bùng lên ngọn lửa về những phẩm chất cần có của con người.
4. Trong dòng chảy tất bật của xã hội hiện đại, những phẩm chất tốt đẹp của con người dễ bị thui chột và bào mòn do va chạm thường xuyên với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Các đức tính vốn có của con người Việt Nam như lòng lân mẫn, tính thương người, hào khí nghĩa hiệp… ngày càng trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết; thì từ hạnh nguyện của thầy Tâm Mẫn đã cho thấy, những phẩm chất đó chưa hề mai một mà vẫn còn phảng phất quanh đây. Ghi nhận suốt cuộc hành trình cho thấy, đã có rất nhiều người, dù chưa chính thức là Phật tử, nhưng đã sẵn lòng thu xếp việc nhà để theo thầy Tâm Mẫn trên những cung đường nguy hiểm, gian nan. Không những thế, có những chàng trai dấn thân quả cảm, họ sẵn lòng đi trước thầy một bước, nếu như thầy đối diện với tai nạn, hiểm nguy. Tôi rung cảm thật sự khi viết những dòng này và tôi tin rằng, những phẩm chất đó của người dân Việt nói chung và người Phật tử nói riêng, rất gần với những hạnh nguyện cao cả, mà có thể tìm thấy rải rác từ những trang kinh.
Vài nét về cuộc hành hương
Khởi hành: 27 - 1 - 2009
Kết thúc: 24 - 11 – 2012
Quãng đường: 1.860 km
Số lạy: Hơn 6.000.000 lạy.