GNO - Tôi không nhớ pháp danh của thầy là gì, chỉ nhớ khuôn mặt khắc khổ xương xương, được mọi người thân quen thường gọi là thầy Chín. Ký ức về thầy Chín và những người bạn thân quen chợt ùa về nhân một lần ghé thăm ngôi chùa cũ, nơi chúng tôi đã sống một thời yên ả, hồn nhiên…
Một chiều mùa Hạ oi bức, một người bạn từ thời thanh mai trúc mã của tôi, thầy NT, nhận được tin nhắn phải về chùa gấp, nhằm giúp thầy Chín một việc đang thực hiện dỡ dang.
Sau chuyến đi vội vàng này và qua những lần chuyện vãn với thầy NT, thì hình ảnh thầy Chín đã từng bước hiện rõ trong tôi.
Trên đường Giác ngộ - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Thầy Chín vốn dân miền Đông Nam Bộ, quanh năm quen nương rẫy với nắng sớm mưa chiều. Thầy biết đến chùa khi tuổi đã trung niên và tỏ ra siêng năng trong những thời khóa tu tập. Vốn tính cần cù, siêng tu, cùng với tật nghiện trà, thuốc lá, là những điểm chung dắt díu thầy gần lại với bạn tôi, tức thầy NT. Chính vì vậy cả hai biết nhau chưa lâu, nhưng thầy NT đã xem thầy Chín như người bạn hiền ở kiếp trước. Tôi biết được điều này trong những buổi trà mạn chiều hôm. Với riêng tôi, thoảng đôi khi tôi thấy thầy Chín có những trầm ngâm và suy nghĩ là lạ, nhưng chưa kịp nói gì thì chuyện lạ kỳ đã xảy ra.
Số là, thầy Chín vốn tính ham tu, nên khi đọc kinh Pháp hoa biết được một vị Bồ-tát đã phát nguyện thiêu thân cúng dường chư Phật, nên đã lén học nguyện đó một cách lặng thầm. Nhân duyên đến, thầy đã thực hành lời nguyện vào giữa thời tụng kinh Pháp hoa, khi đại chúng cư sĩ còn trang nghiêm đọc tụng, thì ở phía trên, thầy Chín đã châm dầu vào ngón tay và kiên trì đốt cháy không chỉ một lần. Mùi hương trầm, mùi da thịt khét hòa quyện vào nhau, trong tiếng xuýt xoa pha lẫn lời kinh của Phật tử đã tạo nên một không gian cổ quái đến nao lòng.
Biết được tin ấy, thầy NT đang trọ học cùng tôi ở lớp Cơ bản Phật học gần bên, đã tất bật đạp xe về chùa để tùy duyên tương trợ.
Với tôi, nếu thầy Chín đã làm nên điều kỳ đặc, thì việc làm của thầy NT khi ấy còn kỳ dị bội phần. Sự là, sau khi đốt cháy gần hết một ngón tay, thầy Chín được Phật tử dìu vào hậu liêu an nghỉ với phần còn lại của ngón tay, khô đét. Đáng lý ra phải đưa ngay thầy Chín đến bệnh viện để xử lý phần còn lại của vết thương; nhưng đằng này, do cuống cuồng lo sợ, nên Phật tử đã réo thầy NT về hỗ trợ. Với hiểu biết chừng mực của một học Tăng, thầy NT bảo rằng, cứ để đấy thầy lo, đừng ồn ào mà rách việc.
Sau khi thăm khám sơ qua cùng với sự cầu thỉnh chân thành từ thầy Chín, chỉ với dung dịch sát khuẩn ô-xi-già và con dao cùn dùng gọt hoa quả, thầy NT đã can đảm đoạn phần còn lại của ngón tay khô. Cả hai phải kỳ cạch rất lâu, phần dư thừa của ngón tay mới chịu rời cái chỗ của nó. Ớn lạnh, việc mà hai thầy đã thực hiện quả là kinh dị, phi phàm. May mắn thay, có lẽ nhờ sức mạnh của niềm tin Tam bảo, vết thương cũng chóng lành và thầy Chín đã hòa nhịp vào cuộc sống, cùng chúng công phu.
Hơn hai lăm năm trọ học đó đây, trong một lần tương ngộ với thầy NT giữa dòng đời tất bật, chuyện cũ lan man dẫn tôi nhớ về thầy Chín, lúc ấy, thầy NT ái ngại bảo rằng đừng nhắc lại làm chi.
Hoài nghi, tôi vài lần gạn hỏi, và câu chuyện còn lại là cả một tâm sự dài.
Sau khi thầy Chín phát nguyện thiêu một ngón tay mà mặt không hề biến sắc, thì danh dự, tiếng thơm về thầy đã bất ngờ dâng cao chất ngất. Có lúc, không chỉ một người tin rằng, Thầy là nơi chở che và tiếp độ những kẻ hữu duyên.
Dân nghèo, suy nghiệm có phần giản đơn, đôi khi phải gặp bệnh tật khác thường thì cứ cho là do thư, ếm. Đâu biết rằng có những chứng bệnh mà chỉ cần vài phương thang đơn giản và điều trị đúng chuyên ngành là sẽ khỏi ngay.
Chuyện bắt đầu từ một cô bé đang độ tuổi hồn nhiên, nhưng do nội tiết tố trồi sụt thất thường, làm cho cha mẹ chỉ nghĩ đến chuyện người thư, người ếm. Nghe tin thầy Chín là bậc chân tu, từng thực hiện thiêu thân nhưng mặt không hề đổi sắc, nên cha mẹ đã tin tưởng gửi bé vào chùa để Thầy phù trợ, với hy vọng rằng, sẽ tìm thấy con mình trong dáng vẻ ngày xưa.
Tháng ngày vụt chạc trôi qua. Và cô bé ngày kia cũng lớn, lớn với cả cái thai đang hình thành trong bụng, mà tác giả không ai khác chính là thầy Chín ở ngôi chùa nghèo.
Không ai rõ thầy Chín đã trốn biệt nơi nao khi sự việc vỡ lở, nhưng ai cũng rõ câu chuyện của thầy và cô bé mà cả tâm, hình chưa trọn vẹn trưởng thành. May mắn, có một bác sĩ và đồng thời là cư sĩ trung kiên đã dang tay hỗ trợ, và đã tìm ra cho em ấy một chốn để nương nhờ.
Sáng nay vô tình đọc được câu kinh: Tỳ-kheo chớ tự tin, khi lậu hoặc chưa diệt (Dhp.272), tôi bỗng nhớ về thầy Chín, và chợt nghĩ về những người bạn của tôi đã đi qua một thời giông bão.
Nghi Lâm
Mời bạn đọc tham gia viết “Bến bờ nhân gian” Mùa Vu lan đang đến, mùa Hiếu hạnh về, tất nhiên, Hiếu thì không có mùa nhưng những ngày tháng như thế này sẽ gợi cho mỗi người nhớ đến ơn trọng trong đời nhiều nhất, để rồi được an ủi, chia sẻ bằng tình thương vô bờ bến ấy. Trong không khí ấy, Giác Ngộ mời bạn đọc tham gia viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu. * Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài. * Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình * Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội. Những bài viết hay, ý nghĩa, phù hợp chủ đề sẽ được chọn đăng trên Tuần báo Giác Ngộ, Giác Ngộ online. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút đặc biệt theo quy định của Báo Giác Ngộ. * Giải thưởng: Ban Tổ chức sẽ chọn ra ba (3) bài có lượt xem cao trên giacngo.vn và chia sẻ nhiều nhất từ Fanpage chính thức của báo Giác Ngộ (https://www.facebook.com/GiacNgo.vn/) để trao giải nhất (3 triệu đồng), nhì (2 triệu đồng), ba (1 triệu đồng) với tặng phẩm (giải nhất 1 năm báo Giác Ngộ, nhì nửa năm, ba một quý, cùng những ấn phẩm khác do báo Giác Ngộ thực hiện). * Thời gian bắt đầu và kết thúc: từ ngày 23-7 đến 23-9-2019 và tổng kết, trao thưởng vào cuối tháng 9-2019. Bài dự thi gửi về địa chỉ email: onlinegiacngo@gmail.com (tiêu đề ghi rõ Bài viết về “Bến bờ nhân gian”). Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ. Ban Tổ chức |